Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia CDC Mỹ phân tích hiệu quả các loại vaccine Covid-19

Trước việc bệnh nhân ở BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine, đại diện CDC Mỹ ở Hà Nội nhấn mạnh vaccine vẫn là giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở phía Nam được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Các nhân viên y tế mắc Covid-19 cũng đều đã được tiêm phòng vaccine. Thế nhưng, đến sáng 15/6, tổng số F0 liên quan bệnh viện này là 69 người.

Chuỗi lây nhiễm tại bệnh viện này làm dấy lên câu hỏi tại sao dịch bùng phát ở nơi nhiều người đã được chủng ngừa.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Matthew Moore, Giám đốc chương trình An ninh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), cho rằng chuỗi lây nhiễm không thể là nguyên nhân để nghi ngờ chương trình tiêm chủng.

Covid-19 o TP.HCM anh 1

Tiến sĩ Matthew Moore. Ảnh: Việt Linh.

"Các loại vaccine Covid-19 được thiết kế nhằm ngăn ngừa mắc bệnh nặng và tử vong. Từ góc độ đó, nhiều loại vaccine Covid-19, bao gồm cả vaccine AstraZeneca được sử dụng tại Việt Nam, đang cho thấy tác dụng rất tốt", ông nói.

Theo chuyên gia CDC Mỹ, với tình huống tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, những bệnh nhân mới được phát hiện mắc Covid-19 có thể mắc bệnh nặng hơn nếu họ không được tiêm chủng từ trước, hoặc số người bị nhiễm đã có thể lớn hơn rất nhiều.

"Khi bắt đầu phát triển các loại vaccine này, chúng tôi không chắc liệu vaccine có giúp ngăn ngừa mắc bệnh (dù không có triệu chứng) hay không, hay ngăn ngừa lây truyền virus hay không. Các thông tin ban đầu cho thấy vaccine cũng giúp ngăn ngừa (các tình trạng này)", ông nói.

Hiện đã bắt đầu có các thông tin về tác dụng của các loại vaccine Covid-19 khác nhau đối với các biến chủng khác nhau.

Theo đó, hiệu quả của vaccine AstraZeneca đối với biến chủng Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) dường như rất giống với tác dụng đối với biến chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), ít nhất là đối với việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng.

Hiệu quả với việc ngăn ngừa nhiễm bệnh không có triệu chứng lây truyền vẫn đang được nghiên cứu thêm.

Covid-19 o TP.HCM anh 2

Đồ họa: Hà My - Quốc Tuệ.

"Chúng ta vẫn nên tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 cho càng nhiều người càng tốt vì vaccine ngăn ngừa mắc bệnh nặng và tử vong", chuyên gia CDC Mỹ nhấn mạnh. "Hơn nữa, điều quan trọng là mọi người được tiêm cả hai liều vaccine để có thể được bảo vệ tối đa. Vaccine có thể giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, cứu mạng sống nhiều người, và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế".

Đối với khả năng lây truyền vaccine ngay cả khi một người đã được tiêm chủng, tiến sĩ Moore cho biết các chuyên gia đang tìm hiểu về tác dụng của vaccine Covid-19 đối với lây truyền.

"Những gì chúng tôi đang quan sát thấy là những người được tiêm vaccine dường như ít có khả năng lây truyền virus sang người khác hơn", ông nói.

"Tác dụng bảo vệ này không phải là 100% nhưng nó là một 'phần thưởng' quan trọng ngoài những lợi ích trực tiếp mang lại cho người được tiêm chủng", theo chuyên gia này.

Đại diện CDC Mỹ ở VN: Mỗi đợt bùng dịch là một hồi chuông cảnh báo

Đại diện CDC Mỹ đánh giá Việt Nam đang làm tốt nhiều mặt trong công tác chống dịch. Ông cho rằng dù là bệnh viện tuyến huyện cũng có thể chăm sóc cho người mắc Covid-19.

Đại diện WHO: Vài tuần tới rất quan trọng với Việt Nam

Trưởng đại diện WHO Kidong Park cho rằng Việt Nam có năng lực xét nghiệm RT-PCR rất tốt, nhưng nếu số ca nhiễm tăng nhanh, các phòng thí nghiệm sẽ gặp thách thức.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm