Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hệ thống phòng không uy lực nhất năm 2013

S-400, THAAD, PAC-3 Patriot, S-300, HQ-9 là những hệ thống phòng không nhận được nhiều sự chú ý nhất trong năm qua.

2013 được đánh giá là một năm mà các hệ thống phòng không tầm xa trở thành tâm điểm trong thị trường vũ khí.

S-400 Triumf

Hệ thống phòng không gây nhiều chú ý nhất trong năm 2013 chính là S-400 Triumf của Nga. Đây là hệ thống có đặc điểm kỹ chiến thuật vượt trội so với các hệ thống phòng không của NATO. Vì vậy, mọi thông tin liên quan đến S-400 đều được giới quân sự phương Tây theo dõi một cách sát sao.

Hệ thống phòng không S-400 với đầy đủ các xe chiến đấu và trinh sát, đảm bảo kỹ thuật. Ảnh: Ausairpower.

S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm siêu xa được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu đường không chiến thuật.

Đây là một hệ thống kiểu module nên có thể sử dụng nhiều loại đạn tên lửa khác nhau trong cùng một dạng ống phóng.

Hệ thống S-400 Triumf  có thể sử dụng 4 loại đạn tên lửa như 9M96 (tầm bắn 40 km), 9M96E2 (tầm bắn 120 km), 46N6E3 (tầm bắn 250 km), và đặc biệt đạn 40N6 có tầm bắn lên đến 400 km. Đây là hệ thống phòng không có phạm vi tác chiến xa nhất thế giới hiện nay.

S-400 Triumf được trang bị hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tối tân. Radar 91N6E có phạm vi tìm kiếm mục tiêu lên đến 600 km. Radar điều khiển hỏa lực 92N2E có thể dẫn bắn cho tên lửa trong phạm vi tới 400 km.

Mỗi hệ thống S-400 Triumf có thể tham chiến đồng thời 36 mục tiêu, cung cấp kênh dẫn hướng cho 72 tên lửa cùng lúc.

S-400 Triumf đã đưa sức mạnh phòng không của Nga lên một tầm cao mới vượt trội so với các hệ thống phòng không của NATO.

Trong năm 2013, lực lượng phòng không Nga được biên chế thêm 2 trung đoàn S-400 Triumf. Đặc biệt, 2 trung đoàn đã được triển khai đến Kaliningrad cùng với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander đã gây nhiều lo lắng cho giới quân sự phương Tây.

THAAD

THAAD là từ viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (Khu vực phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống phòng không được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật như tên lửa Scud. Hệ thống cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.

Việc Mỹ điều động hệ thống đánh chặn THAAD đến đảo Guam để đối phó mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên đã thu hút sự quan tâm của giới quân sự thế giới. Ảnh: Wiki.

Mặc dù hệ thống phòng không THAAD đã được biết đến nhiều trước đó nhưng tới năm 2013, hệ thống này thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới khi được triển khai trên đảo Guam để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.

THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tiên tiến. Phương pháp đánh chặn của THAAD là sử dụng vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt tên lửa đối phương, không sử dụng đầu đạn phân mảnh như các loại khác. Tên lửa của THAAD có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200 km, tầm cao 25 km.

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe phóng mang tên lửa với 8 ống phóng mỗi xe. Hệ thống dùng radar AN/TPY-2 mạng pha hoạt động ở băng tần X. Radar này có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung ở cự ly 1.000 km.

S-300

Đây cũng là hệ thống phòng không được quan tâm trong năm 2013. Nó gắn liền với "chảo lửa" Syria. Hợp đồng mua hệ thống phòng không S-300 giữa Nga - Syria đã được ký kết trước đó nhưng vấn đề S-300 trở nên nổi bật khi tình hình nội chiến tại Syria diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Hệ thống phòng không S-300 có thể là một mắt xích trong chìa khóa ngăn chặn một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria. Ảnh: Armyrecognition.

Khi NATO rục rịch chuẩn bị cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria và S-300 trở thành một chủ đề nóng. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra liệu hệ thống phòng không hiện đại này đã được chuyển giao cho Damascus hay chưa? Sự có mặt của nó sẽ là mối đe dọa lớn cho các máy bay của NATO khi can thiệp quân sự vào Syria?

Mặc dù không có lệnh cấm bay nào áp đặt trên bầu trời Syria nhưng có thể thấy rằng S-300 là một mắt xích trong chìa khóa để ngăn chặn một chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào Syria.

PAC-3 Patriot

Hệ thống phòng không này gắn liền với những căng thẳng liên quan đến vấn đề bán đảo Triều Tiên. Trong tháng 3/2013, Bình Nhưỡng đã tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc gây xôn xao dư luận thế giới.

Đến tháng 4/2013, Triều Tiên lại tuyên bố sẵn sàng phóng tên lửa đạn đạo về phía Nhật Bản bất cứ khi nào.

PAC-3 Patriot được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới hiện nay. Hệ thống này chính là chiếc ô bảo vệ cho Nhật Bản trước mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Lockheed Martin.

Trước những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đã đặt hệ thống phòng không Patriot trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

MIM-104F PAC-3 là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot. Ngoại trừ hình dáng xe phóng và radar điều khiển hỏa lực, Lockheed Martin đã thiết kế lại gần như toàn bộ các hệ thống bên trong.

PAC-3 được trang bị động cơ tên lửa thế hệ mới. Điều đó cho phép đường kính của tên lửa được thu gọn hơn so với trước. Do kích thước tên lửa nhỏ hơn nên mỗi hộp phóng chứa được 4 tên lửa thay vì chỉ một tên lửa như PAC-2.

Cơ số tên lửa mà xe phóng có thể mang theo lên đến 16 tên lửa, như vậy cùng một khẩu đội, PAC-3 mang số lượng tên lửa lên đến 64 quả thay vì chỉ 16 quả như PAC-2. Điều này mang lại lợi thế rất lớn về mặt hỏa lực.

Công nghệ dẫn hướng “track-via-missile” TVM được cải tiến một số tính năng nhằm kiểm soát tên lửa tốt hơn trong môi trường đánh chặn tốc độ cao. Phạm vi đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật của PAC-3 tăng lên 40 km so với 20 km của PAC-2, phạm vi chống lại các mục tiêu  máy bay khoảng 170 km.

PAC-3 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới hiện nay. Hệ thống này được đánh giá tương đương với hệ thống phòng không S-300PMU2 Favorit của Nga.

HQ-9

Sự nổi bật của hệ thống phòng không HQ-9 trong năm 2013 không phải vì đặc tính kỹ chiến thuật nổi bật của nó mà vì “ồn ào” liên quan đến hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ thông báo HQ-9 thắng thầu. Sự kiện này khiến tên tuổi của hệ thống phòng không con lai Nga - Mỹ này nổi như cồn. Trong khi giới phân tích quân sự thế giới không hiểu lý do tại sao HQ-9 thắng thầu, truyền thông Trung Quốc không giấu được niềm vui.

Tên tuổi của hệ thống phòng không HQ-9 trở nên đình đám trong năm 2013 sau sự kiện vớ hụt thương vụ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Ausairpower.

HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa có thiết kế tương tự như hệ thống S-300 của Nga. Từ cách bố trí xe phóng, radar điều khiển hỏa lực.

Còn công nghệ dẫn hướng cho tên lửa HQ-9 lại sao chép từ hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Hệ thống có phạm vi tác chiến khoảng 150 km, biến thể nâng cấp HQ-9B có phạm vi tác chiến khoảng 200 km.

Tuy nhiên, sau đó dưới áp lực chính trị từ phía NATO, HQ-9 đã nhanh chóng bị loại khỏi danh sách thắng thầu.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm