Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 dấu mốc hiện đại hóa quốc phòng Việt Nam năm 2013

Năm 2013 ghi nhận những sự kiện quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam, như tiếp nhận thủy phi cơ DHC-6, hạ thủy tàu tên lửa Molniya.

Lễ bàn giao kỹ thuật tàu ngầm Kilo

Ngày 7/11/2013, lễ bàn giao kỹ thuật tàu ngầm điện-diesel Kilo đề án 636 đầu tiên cho Việt Nam đã diễn ra. Đây là sự kiện được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong quá trình hiện đại hóa quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và hải quân nói riêng trong năm nay.

Sau lễ bàn giao kỹ thuật, tàu ngầm Kilo Hà Nội đã được đưa lên một tàu dock chuyên dụng để chuyên chở về Việt Nam. Dự kiến lễ bàn giao chính thức sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào đầu năm 2014.

Như vậy, sau rất nhiều năm chờ đợi cuối cùng hải quân Việt Nam cũng có trong tay “át chủ bài” tấn công dưới nước hàng đầu thế giới.

Tàu ngầm điện-diesel Kilo 636 Hà Nội sẵn sàng gia nhập Hải quân Nhân dân Việt Nam vào đầu năm 2014. Ảnh: TTXVN.

Với sự xuất hiện của tàu ngầm Kilo trong biên chế, lỗ hổng trong năng lực tác chiến ngầm và chống ngầm từng tồn tại trong thời gian dài chính thức được lấp đầy.

Tàu ngầm Kilo được hải quân Mỹ đặt cho biệt danh “Black Hole” (Hố đen) bởi khả năng hoạt động cực êm dưới nước. Đặc biệt, tàu ngầm Kilo xuất khẩu cho Việt Nam thuộc biến thể Kilo 636MV. Đây được xem là biến thể hiện đại nhất của gia đình tàu ngầm Kilo.

Tàu ngầm Kilo 636MV của Việt Nam được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533mm trong đó 2 ống phóng ngư lôi phía trên được sử dụng để phóng tên lửa chống hạm 3M-54E Club S tầm bắn 220 km. Bốn ống phóng ngư lôi phía dưới được sử dụng để phóng các loại ngư lôi như TEST-71MKE TV phạm vi hoạt động 20 km, tốc độ tối đa 73 km/h.

Thành lập Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên

Quá trình chuẩn bị đưa vào vận hành tàu ngầm tấn công phi hạt nhân Kilo 636 đã được quân chủng hải quân Việt Nam thực hiện một cách rất khẩn trương và kỹ lưỡng.

Tháng 6/2013, Bộ Quốc Phòng, quân chủng hải quân Việt Nam đã ra quyết định thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 có trụ sở đặt tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Đây là lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên của hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Việc thành lập Lữ đoàn 189 đánh dấu bước phát triển mới trong lộ trình xây dựng hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tiếp nhận thủy phi cơ DHC-6

Một sự kiện trọng đại khác đối với Hải quân Việt Nam năm 2013 là việc tiếp nhận thủy phi cơ DHC-6 do Canada sản xuất.

Đây là một thủy phi cơ đa năng có thể hoạt động ở đường bằng sân bay hoặc trên mặt biển. Thủy phi cơ này được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải, theo dõi thời tiết, chụp ảnh hiện trường, đánh dấu vị trí trên biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, vận tải hàng hóa và hành khách.

Thủy phi cơ DHC-6 sẽ tăng cường sức mạnh tuần tra hàng hải còn yếu của Hải quân Việt Nam. Ảnh: Flickr.

Thủy phi cơ DCH-6 series 400 được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt PT-6A35 hiệu suất cao, tốc độ trung bình khoảng 300 km/giờ. Máy bay có khả năng hoạt động tại độ cao tối đa là 8,5 km, tầm hoạt động 1248 km với thùng nhiên liệu phụ trợ, 896 km với nhiên liệu tiêu chuẩn mang trong thân. DHC-6 sẽ tăng cường khả năng tuần tra hàng hải vốn còn khá yếu của hải quân Việt Nam.

Hạ thủy tàu tên lửa cao tốc Molniya đóng mới trong nước

Một sự kiện quan trọng khác đối với quốc phòng Việt Nam năm 2013 là sự kiện hạ thủy tàu tên lửa cao tốc Đề án 1241.8 Molniya đóng mới tại nhà máy đóng tàu Ba Son theo giấy phép từ Nga.

Đầu tháng 3/2013, nhà máy đóng tàu Ba Son đã hạ thủy thành công hai tàu tên lửa cao tốc được đặt tên lần lượt là M1 và M2. Đây là những tàu chiến đầu tiên trong khuôn khổ hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Hải quân Việt Nam và nhà máy đóng tàu Vympel, Nga đã ký kết trước đó.

Tàu tên lửa cao tốc M1, M2 thuộc đề án 1241.8 là đề án phát triển các tàu chiến tốc độ cao, hỏa lực mạnh phục vụ cho các hoạt động tác chiến, tuần tra, bảo vệ bờ biển ở các vùng nước nông, vùng ven biển. Tàu có chiều dài 51,6 mét, rộng 10 mét, mớn nước 2,56 mét, tải trọng đầy tải 550 tấn.

Tàu tên lửa cao tốc M1, M2 được trang bị pháo hạm AK-176M 76,2 mm tầm bắn 15 km, 2 pháo bắn siêu nhanh AK-630M 30 mm với tốc độ bắn lên đến 5000 viên/phút. Đặc biệt, tàu được trang bị tới 16 tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 với tầm bắn 130 km.

Bàn giao tàu cảnh sát biển hiện đại nhất khu vực

Tháng 11/2013, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng đã làm lễ tiếp nhận tàu cảnh sát biển CSB-8001.

Đây là loại tàu tuần tra đa năng được thiết kế theo công nghệ hiện đại. Tàu CSB-8001 được đánh giá là tàu cảnh sát biển hiện đại nhất khu vực.

Tàu CSB-8001 được đánh giá là loại tàu tuần tra hiện đại nhất khu vực. Việc tiếp nhận loại tàu hiện đại này đã  nâng cao đáng kể sức mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tàu có chiều dài 90,5 mét, rộng 14 mét, lượng giãn nước 2.500 tấn, đuôi tàu có sàn đáp cho trực thăng nặng 14 tấn. Tàu được đóng mới tại nhà máy Z189 theo thiết kế và chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Damen Hà Lan.

Tàu CSB-8001 sẽ tăng cường đáng kể khả năng tuần tra bảo vệ vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp trong thời gian qua trên Biển Đông.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm