Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những hệ lụy khi đại nhạc hội Hàn Quốc ở Mỹ Đình bị hủy phút chót

Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2 được tổ chức bởi công ty BOM Entertainment do ông Choi Se Jin làm người đại diện. Công ty này đang nhận chỉ trích lớn từ khán giả.

Thành công rực rỡ của 2 concert BlackPink cuối tháng 7 với 65.000 khán giả, doanh thu 13,6 triệu USD đã nhen nhóm ước mơ cho đông đảo người hâm mộ về một tương lai Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho sao Kpop. Thế nhưng, pha “quay xe” chớp nhoáng của ban tổ chức (BTC) Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2 đưa họ trở về với thực tại.

Sự kiện bị hủy bỏ chỉ một ngày trước khi diễn ra.

Hai ngày vừa qua có lẽ là chuỗi thời gian “mất ăn mất ngủ” nhất của fan Kpop tại Việt Nam khi họ liên tục đón nhận thông tin hủy show từ thần tượng Hàn Quốc.

Thất vọng vì không thể gặp được thần tượng, lo lắng mất trắng tiền vé, tiếc nuối vì đã bỏ ra hàng trăm triệu thực hiện các project... là tâm trạng của nhiều fan Kpop lúc này. Nhưng không ít người còn băn khoăn liệu sự việc lần này của Đại nhạc hội K-Pop Open Air có tạo tiền lệ xấu, khiến sao Kpop cũng như khán giả quốc tế e dè.

Thông tin hủy show xuất hiện tràn lan báo Hàn

Thông tin về sự kiện hiện xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc với hầu hết tiêu đề là “lễ hội Kpop ở Việt Nam”. “Kim Jae Joong không tham dự lễ hội Kpop Việt Nam. Ban tổ chức không thực hiện được hợp đồng”, là tiêu đề bài viết trên Mydaily.

Mydaily có trụ sở tại Seoul viết: “Các nghệ sĩ Kpop bao gồm nhóm Highlight và ca sĩ Kim Jae Joong sẽ không tham gia Lễ hội Giáng sinh Việt Nam. Lượng lớn nghệ sĩ đã lên kế hoạch xuất hiện tại Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2 được tổ chức tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 23/12 và 24/12. Thế nhưng, họ rút khỏi sự kiện với lý do ban tổ chức không tuân thủ hợp đồng”.

Trong khi đó, tờ Dailian đưa tin với tiêu đề: “Đơn vị tổ chức không thực hiện được hợp đồng, Infinite, Mamamoo+... vắng mặt tại lễ hội Kpop ở Việt Nam”. Trong bài viết đăng lúc 17h (giờ địa phương) ngày 22/12, phóng viên Park Jeong-seon cũng chỉ ra Highlight, Infinite, Mamamoo+, The Wind, Nichkhun, Jun. K và Tri.Be quyết định không tham gia sự kiện do BTC địa phương BOM Entertainment không tuân thủ hợp đồng.

Tờ Top Star News nhấn mạnh: “Người hâm mộ đã đặt vé máy bay và chỗ ở tại Việt Nam bị thiệt hại trước thông tin sự kiện hủy đột ngột”.

Không chỉ báo chí Hàn Quốc, các chuyên trang Kpop bằng tiếng Anh cũng đăng tải thông tin. “Hàng loạt nghệ sĩ rút khỏi K-Pop Festival Open Air #2 tại Việt Nam sau khi biết ban tổ chức không xin được giấy phép tổ chức” là tiêu đề bài viết của Allkpop - chuyên trang nổi tiếng với cộng đồng fan Kpop quốc tế.

Và như thế từ khóa “lễ hội Kpop ở Việt Nam” lan truyền trong cộng đồng fan nhưng với thông tin không mấy vui vẻ.

Ảnh hưởng tới ngành tổ chức sự kiện giải trí

Trong 2 ngày vừa qua, hàng chục thông báo rút khỏi sự kiện được đưa ra bởi nhóm nhạc Infinite, Highlight, The Wind, Super Junior D&E, Chen, Xiumin, Chanyeol (EXO), Nichkhun, Jun. K (2PM), Mamamoo+, TRI.BE… Họ có lượng fan đông đảo ở không chỉ Hàn Quốc mà cả quốc tế.

Và khi thông báo được họ hoặc công ty quản lý đăng trên các nền tảng chính thức, lượt tiếp cận có thể lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. Đồng nghĩa, hàng triệu khán giả đó có thể đã biết tới thông tin ở Việt Nam vừa có một concert Hàn bị hủy vì "BTC không tuân thủ hợp đồng".

Theo Top Star News, Yang Yoseop của nhóm nhạc Highlight thậm chí bày tỏ nỗi thất vọng. Anh chia sẻ: "Tối qua, tôi đã thu dọn đồ đạc và đi ngủ sớm. Sau khi nghe tin buổi biểu diễn bị hủy vào sáng sớm, tôi mất một chút thời gian để bình tĩnh rồi viết những dòng này. Nghĩ đến nỗi đau của những fan đã chờ đợi, tôi không nghĩ ra lời nào để có thể an ủi họ".

Trở lại bài viết của Allkpop, phía dưới có khá nhiều tài khoản bình luận trái chiều về sự việc. Điều đó càng khiến công chúng lo ngại hình ảnh Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong mắt fan quốc tế. Thực tế, không chỉ khán giả nước ngoài mà nhiều fan Việt giờ đây cũng có tâm lý lo ngại với chính concert, đại nhạc hội Hàn Quốc ở trong nước. Họ lo lắng liệu có một lần nào khác rơi vào tình huống mua vé rồi bị hủy sự kiện sát ngày hay không.

“Fan thiệt hại, mà hình ảnh Việt Nam trong mắt fan quốc tế cũng bị ảnh hưởng”, “Từ giờ, sao mà mời được nghệ sĩ Hàn Quốc về biểu diễn nữa”, “Sắp tới, idol nào muốn sang Việt Nam biểu diễn chắc cũng e ngại. Từ đầu năm tới giờ tổ chức bao nhiêu sự kiện hoành tráng tạo được cảm tình tốt thì vướng phải sự vụ này”, khán giả bình luận.

dai nhac hoi Han anh 3

Infinite là nhóm nhạc đầu tiên thông báo rút khỏi sự kiện. Ảnh: The Korea Herald.

Trao đổi với Tri thức - Znews, anh Đặng Nhật Trường - đại diện NTT Entertainment, công ty chuyên tổ chức sự kiện - nhận định ồn ào vừa qua có thể phần nào ảnh hưởng đến lĩnh vực tổ chức sự kiện giải trí trong nước.

“Khán giả có thể sẽ mất niềm tin ở các chương trình khác, bởi họ đã phải chịu thiệt hại lớn, từ vấn đề tiền vé đến thời gian đã bỏ ra. Thông thường, khi show bị hủy, nghệ sĩ nước ngoài luôn tìm hiểu kỹ lý do là gì, không bán được vé hay năng lực tổ chức, điều kiện tại Việt Nam không đảm bảo”, anh nhận định. Qua quá trình tìm hiểu đó, các nghệ sĩ cũng có thể e dè hơn trong việc chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức concert.

Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2 được tổ chức bởi công ty BOM Entertainment có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và do ông Choi Se Jin làm người đại diện.

Anh Nhật Trường cho rằng việc một công ty có người đại diện là người nước ngoài làm chương trình ở Việt Nam rồi xảy ra sự cố dễ gây hiểu lầm lớn.

Anh giải thích: "Khán giả không thể tìm hiểu hết được sự kiện do đơn vị nào tổ chức, người đứng đầu là người Việt hay nước ngoài. Họ chỉ mua vé online nên khi có sự cố xảy ra, họ mới hoang mang tìm cách được hoàn tiền. Việc đó gây mất lòng tin và ảnh hưởng cho các chương trình khác về sau".

Anh Cường Chu - Founder tại Big Arts Entertainment, công ty quản lý Tăng Duy Tân - có quan điểm tương tự: “Sự việc này ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh văn hóa quốc gia, cộng đồng người hâm mộ Việt Nam, vì bạn bè quốc tế không hiểu những lỗi lầm này đến từ công ty Hàn Quốc. Họ chỉ hiểu tổ chức các chương trình quốc tế ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường gặp nhiều vấn đề, khó thực hiện được”.

Tuy nhiên, anh Nhật Trường cũng nhấn mạnh gần đây Việt Nam gây được ấn tượng tốt khi liên tiếp được các nghệ sĩ quốc tế chọn để lưu diễn. Khán giả tham gia các sự kiện cũng đông đảo, nhiệt tình, mang lại hiệu ứng rất tốt. Do đó, chúng ta vẫn có thể hy vọng “một con sâu sẽ không làm rầu nồi canh”.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm