1. Lãng phí thời gian của người khác
Đến muộn trong một cuộc hẹn hoặc buổi họp đồng nghĩa với việc bạn cho rằng thời gian của mình quan trọng hơn của người khác. Ngược lại, việc chấp nhận xếp hàng chờ tại cửa hàng tạp hóa chứng tỏ bạn tôn trọng những người xung quanh.
Bạn mất tới 3 phút để đổ đầy bình nước quá khổ của mình trong khi có cả hàng người dài đang đứng chờ. Điều đó có nghĩa bạn muốn nói với tất cả mọi người rằng bạn đang sống trong thế giới của riêng mình và chỉ thế giới ấy của bạn mới thực sự quan trọng. Nhiều người cho rằng việc như vậy không phải chuyện gì to tát nên cứ hồn nhiên lặp lại ở cả những nơi quan trọng.
Cách bạn đối xử với những người xung quanh, đặc biệt khi ở vị trí lãnh đạo, nói lên rất nhiều về con người bạn. Hãy hành động, cư xử như thể vấn đề của người khác cấp bách hơn nhiệm vụ của bản thân bạn. Bẳng cách này bạn sẽ thu hút được cảm tình của những người xung quanh.
2. Phớt lờ những người “không cùng đẳng cấp”
Người đàn ông trung niên nặng khoảng 140 kg đang vất vả tập luyện với các thiết bị trong phòng tập thể dục. Không một ai nói chuyện với người này, thậm chí họ không thèm nhìn một lần như thể anh là người vô hình. Tại sao? Tại vì anh ấy không giống họ.
Đó là điều mà chúng ta vẫn thường làm. Đến tham quan một công ty hay tham dự sự kiện, ta chỉ bắt chuyện với những người “cùng đẳng cấp”. Một quy tắc đơn giản là, hãy gật đầu bất cứ khi nào bạn nhìn thấy ai đó. Hoặc là cười, nói “xin chào”. Đừng bao giờ cư xử như thể người khác không tồn tại. Bằng cách này, những người xung quanh sẽ nhanh chóng có thiện cảm với bạn.
3. Nhờ vả quá nhiều
Một người bạn không quen biết ngỏ ý nhờ vả một việc rất mất thời gian. Bạn lịch sự từ chối. Anh ta nhờ thêm một lần nữa. Bạn tiếp tục từ chối. Đến mức anh ta phải dùng chiêu: “Việc này vô cùng quan trọng với tôi. Anh không thể không giúp”.
Trên thực tế, đôi khi bạn cần đến sự giúp đỡ từ người khác, nhưng hãy nhớ một điều rằng đó là vấn đề của bản thân bạn. Thế giới này chẳng nợ bạn thứ gì. Và thông thường người ta chỉ muốn giúp đỡ những người biết tự giúp bản thân, chứ không phải những người cứ chăm chăm đi nhờ vả.
4. Bỏ mặc những người đang thực sự cần giúp đỡ
Bên cạnh đó cũng có những người rơi vào tình cảnh không thể tự giúp mình. Họ cần sự giúp đỡ: Một ít tiền, chút đồ ăn tử tế, hay là một chiếc áo ấm. Mặc dù không hoàn toàn tin vào nghiệp chướng và quả báo, nhưng tôi có niềm tin rằng, khi làm điều tốt đẹp cho người khác thì những điều tốt lành cũng sẽ đến với ta, chí ít là lương tâm mình cảm thấy thoải mái.
5. Đặt câu hỏi để có cơ hội ba hoa
Trong giờ ăn trưa, có người cất tiếng hỏi: “Theo anh thì tiếp thị qua phương tiện truyền thông xã hội có hiệu quả không?” Bạn trả lời: "Ồ, tôi nghĩ tùy từng trường hợp…”
Người đó liền ngắt lời: “Vớ vẩn. Tôi chưa bao giờ thấy biện pháp này hiệu quả. Đầu tư thì nhiều, mà chẳng thấy hoàn vốn bao giờ, doanh thu cũng chẳng tăng. Thêm nữa là, cái gọi là 'sự ý thức' của khách hàng đối với sản phầm của mình không thể cân đong đo đếm được, và đấy cũng chẳng phải mục tiêu quan trọng….”. Người đó xổ ra cả một tràng dài đến mức bạn muốn thoát mà không được.
Chớ có giả vờ đặt câu hỏi để được ba hoa. Hãy chỉ hỏi khi nào bạn thực sự muốn biết câu trả lời. Ngoài ra có thể hỏi thêm một vài câu để có thể hiểu rõ hơn quan điểm của người đối diện. Vì người ta có xu hướng thích những người thực sự quan tâm đến người khác chứ không phải những thành phần chỉ biết đến bản thân mình.
6. Đặt câu hỏi kiểu: “Có biết tôi là ai không?”
Trong cuộc sống, có những khi phải xếp hàng chờ quá lâu, hay dịch vụ không đủ độ “riêng tư”. Hay đôi khi là không nhận được sự tôn trọng mà mình đáng được nhận. Dù vậy cũng đừng nói: “Tôi là ông này, bà kia”. Mọi người sẽ quý bạn hơn nếu bạn không hành xử theo kiểu “mình biết mình mà ai mà” - hoặc nghĩ rằng đáng ra mình phải được đối xử tốt hơn.
7. Không biết điểm dừng
Tính cách khác biệt thường đem lại nhiều điều thú vị. Tuy nhiên, một khi tình huống đã trở nên cực kỳ căng thẳng mà vẫn không thể ngừng việc tự tin khoe cá tính để thể hiện bản thân, thì không phải ý hay. Dù bạn là người hài hước, nhưng không nên thể hiện điều đó trong những tình huống đòi hỏi sự nghiêm túc.
8. Trêu đùa quá trớn
Bạn có thể tự lấy mình ra làm trò, nhưng tuyệt nhiên không muốn người khác lấy những chuyện như công việc trục trặc, thừa cân, đầu hói của mình ra làm trò đùa.
Đôi khi việc làm trò từ những điểm xấu của mình chỉ là chiếc mặt nạ cho sự bất an từ bên trong. Vì vậy, chớ bao giờ nhầm tưởng việc ai đó tự lấy mình ra làm trò cười đồng nghĩa với việc bạn được phép trêu trọc anh ta.
9. Khoe khoang trá hình
Khoe khoang trá hình là khi một người muốn ba hoa về bản thân nhưng lại cố giả bộ khiêm tốn để làm vỏ bọc, khiến người khác nghĩ mình không hề muốn khoe khoang.
Chẳng hạn như Stenphen Fry từng chia sẻ: “Ôi các fan thân mến, lúc ở sân bay, Fry thực sự không biết làm gì. Nếu tôi dừng lại chụp ảnh cùng các bạn thì sẽ bị nhỡ chuyến bay mất... Thực sự tôi không muốn làm các bạn thất vọng đâu”.
Thực tế là chẳng ai muốn nghe bạn căng thẳng ra sao trước buổi nói chuyện tại TED Talk, cũng chẳng ai quan tâm việc bạn phải quản lý hai dinh thự vất vả thế nào. Trước khi khoe khoang, dù có khiêm tốn hay không, dù là về chuyện công việc hay chuyện riêng tư, thì hãy nghĩ đến người nghe. Tốt hơn hết hãy cứ tự hào về những gì mình làm được, nhưng đừng nói gì cả. Hãy để cho những người xung quanh xướng tên, nói tốt về bạn.
10. Độc đoán
Bạn biết những điều hay ho nhưng chỉ nên chia sẻ đúng lúc đúng chỗ. Nếu bạn là người phụ trách, người lãnh đạo hay huấn luyện viên, hãy chia sẽ những điều đó. Còn nếu bạn chỉ là một người bình thường mới bắt đầu chế độ ăn kiêng thì đừng có khuyên người khác phải ăn thế nào trừ khi được hỏi. Bởi những thứ đúng với bạn chưa chắc đã đúng với người khác. Đấy là chưa kể nhiều khi bạn nghĩ điều này là đúng với mình nhưng hóa ra chẳng phải vậy.