Tiêu diệt nhân vật vô hại. Ở các game nhập vai, sẽ có những nhân vật được nhà phát hành tạo ra giúp người chơi tìm hiểu cốt truyện, hoặc đơn giản để tăng tính chân thật cho bản đồ như những chú gà trong map Italy của Counter-Strike. Những chú gà xấu số này bị giết nhiều đến mức trở thành biểu tượng cho các nhân vật vô hại bị người chơi "thử súng". Ảnh: CS:GO. |
Chuẩn bị quá đầy đủ để diệt trùm cuối. Không ít người chơi cố gắng tăng hết cấp độ nhân vật, "ghép" vũ khí đến mức cao nhất, mang đầy đủ trang bị thậm chí quan tâm xem đồng đội có đủ mạnh để quyết đấu với boss cuối game hay chưa. Việc chuẩn bị quá đầy đủ khiến họ mất nhiều thời gian, đánh mất luôn cả trải nghiệm game khi biến boss cuối trở nên yếu ớt so với tính toán của nhà phát triển. Ảnh: Fandom. |
Tìm hiểu chi tiết vô nghĩa. Khi chơi game, ai cũng muốn khám phá mọi ngóc ngách của trò chơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng hợp lý. Quá sa đà vào những chi tiết vô ích khiến người chơi tốn thời gian và quên mất nhiệm vụ game. Trong Skyrim, nhiều người chơi chết đuối sau khi bơi vài chục vòng dưới hồ để tìm kiếm vật phẩm bên cạnh thanh gươm. Ảnh: Fandom. |
Nạp đạn khi thiếu một viên. Đây là thói quen khó bỏ của phần lớn gamer trong các trò bắn súng. Nhiều người thường cảm thấy không an tâm đối mặt với kẻ thù nếu băng đạn thiếu một viên. Đáng nói, thói quen này thường xuyên lặp lại trong suốt ván đấu. Và nếu bị tiêu diệt trong lúc nạp, những người chơi này thường mang tâm lý ức chế. Ảnh: CS:GO. |
Tiêu diệt đồng đội. Tiếp tục là thói xấu của các game thủ bắn súng. Việc giết đồng đội thậm chí trở thành vấn nạn trong PUBG. Với các game không cho phép tiêu diệt lẫn nhau, nhiều player vẫn thường nã súng vào đồng đội như một thói quen khó bỏ. Ảnh: PUBG. |
Cất giữ mọi vật phẩm. Không ít gamer lưu trữ tất cả mọi thứ họ nhìn thấy, sau đó tiếc rẻ khi phải bỏ đi những món đồ không sử dụng được dù thùng chứa đã đầy. Hàng nghìn mũi tên, hàng trăm thanh kiếm, mũ bảo hiểm và áo giáp cứ thế nằm trong tủ đồ suốt thời gian dài. Ảnh: Fandom. |
Bắn phá lung tung. Nhà phát hành game thường giấu vật phẩm trong thùng hoặc rương. Để lấy những món đồ này, người chơi phải bắn phá để tìm chúng. Điều này dẫn đến việc game thủ trên thế giới hiện nay có xu hướng phá hủy mọi thứ, không quan trọng là game nhập vai, kinh dị hay bắn súng. Ảnh: Metal Slug. |
Lao lên bất chấp tình hình. Trong giai đoạn nửa cuối ván game, đặc biệt là ở các dòng MOBA, giao tranh giữa ta và địch diễn ra liên tục. Việc "lên bảng đếm số" khiến người chơi cảm thấy vô cùng bứt rứt và muốn hồi sinh thật nhanh để tham gia combat. Song đôi khi, nhiệm vụ sau hồi sinh là thủ nhà, người chơi lại lao ra trong vô thức bất chấp sức mạnh của đối phương. Ảnh: PDVG. |