“Một điều rất rõ ràng, những gì đã xảy ra ở Pakistan sẽ không dừng lại ở Pakistan”, Thủ tướng Shehbaz Sharif nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/9, đề cập đến trận lụt lịch sử nhấn chìm ⅓ đất nước và ảnh hưởng đến hơn 33 triệu người, CNN đưa tin ngày 24/9.
“Trong 40 ngày đêm, một trận lụt lịch sử đã đổ xuống, phá vỡ kỷ lục thời tiết hàng thế kỷ, thách thức những gì chúng tôi biết về thảm họa và cách quản lý nó”, ông Sharif mô tả.
Ông tiếp tục đưa ra chi tiết trực tiếp về quy mô và mức độ của thảm họa mà đất nước mình phải đối mặt, nơi lũ lụt do mưa kỷ lục và sông băng tan đã giết chết hơn 1.600 người kể từ tháng 6. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia của đất nước cho biết trong số 1.606 trường hợp tử vong được ghi nhận cho đến nay, 579 người là trẻ em.
Nhiều vùng đất của quốc gia "vẫn còn chìm trong nước, chìm trong đại dương đau khổ của người dân”.
“Tại tiền tuyến của sự biến đổi khí hậu này, 33 triệu người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đang có nguy cơ cao về sức khỏe”.
Các nhà chức trách đã cảnh báo có thể mất đến 6 tháng để nước lũ rút tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước, khiến lo ngại về bệnh lây truyền qua đường nước gia tăng, bao gồm dịch tả và sốt xuất huyết.
Theo UNICEF, trận đại hồng thủy đã khiến 3,4 triệu trẻ em cần được “hỗ trợ cứu sống ngay lập tức”.
Thủ tướng lưu ý rằng dù không đóng vai trò lớn nào trong biến đổi khí hậu, Pakistan lại là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi sự nóng lên toàn cầu.
Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, Pakistan chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng khí thải nhà kính, nhưng nước này là quốc gia dễ bị tổn thương thứ 8.
Ông Sharif mô tả cuộc sống ở Pakistan đã thay đổi mãi mãi sau thảm họa và lo sợ rằng đất nước sẽ chơ vơ một mình trong khi “đối phó với cuộc khủng hoảng mà chúng tôi không tạo ra”.
Ngoài số người thiệt mạng, thủ tướng cho biết một triệu ngôi nhà đã bị phá hủy và một triệu ngôi nhà khác bị hư hại. Ông cũng nói rằng hơn một triệu vật nuôi đã chết và khoảng 1,6 triệu hecta cây trồng bị cuốn trôi.
Ông cảnh báo các quốc gia khác nên tập trung vào tương lai, bao gồm chống biến đổi khí hậu.
“Đã đến lúc chúng ta tạm dừng những mối bận tâm của thế kỷ 20 để quay lại với những thách thức của thế kỷ 21”, Thủ tướng Shariff nói.
“Toàn bộ định nghĩa về an ninh quốc gia ngày nay đã thay đổi. Trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hành động và hành động ngay từ bây giờ theo một chương trình nghị sự chung được thống nhất, Trái Đất sẽ không còn để mà người ta lo sợ về chiến tranh. Thiên nhiên sẽ chiến đấu. Với điều đó, nhân loại hoàn toàn không thể đấu lại”.
Nguyên nhân những trận mưa lũ ở Pakistan khiến gần 1.500 người chết
Băng tan do biến đổi khí hậu được cho là một phần nguyên nhân làm trầm trọng thêm thảm họa lũ lụt khiến gần 1.500 người thiệt mạng ở Pakistan năm nay.
'Cú đấm kép' của mẹ thiên nhiên
Từ Pakistan đến Texas (Mỹ), lượng mưa kỷ lục sau những đợt nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt đã gây ra những thiệt hại nặng nề.
Nhiều người Pakistan mất tất cả
Người dân tỉnh Sindh, Pakistan, từng cầu mưa xuống để cứu cây trồng. Giờ đây, nước lũ đã cuốn trôi tất cả.