Anh Lê Tuấn Hiệp (một độc giả 8X tại Hà Nội) cùng con trai đến xem triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam”. Ảnh: Đức Huy. |
Vào một buổi chiều chủ nhật, tại không gian triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam”, chị Lê Thị Hồng Hà, một độc giả thế hệ 9X tại Hà Nội, cùng con đến xem từng quyển truyện tranh Doraemon. Tới mỗi khung trưng bày, chị Hà lại cẩn thận giới thiệu những câu chuyện đằng sau đó cho con gái của mình. “Đây là chiếc máy hút chữ, nó là một bảo bối của chú mèo máy Doraemon”, chị Hà vừa nói tay vừa chỉ vào tấm tranh treo trên tường.
Dù là một buổi triển lãm liên quan đến cuốn truyện tranh thiếu nhi, độc giả 8X, 9X cũng đến rất đông. Có những người đem theo cả gia đình. Phần lớn đây là độc giả thế hệ đầu của bộ truyện về chú mèo máy đến từ Nhật Bản, Doraemon.
Hơn ba thập kỷ làm bạn với trẻ em Việt Nam
Kể từ năm 1992, dưới sự dẫn dắt của cố Giám đốc Nguyễn Thắng Vu, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bộ truyện tranh Doraemon với tên Đôrêmon, tác phẩm truyện tranh của họa sĩ Nhật Bản Fujiko F Fujio. Bộ truyện đã gây tiếng vang trên cả nước và cho đến nay, sức hút của tác phẩm này vẫn vẹn nguyên đối với các thế hệ độc giả.
Theo chị Lê Thị Hồng Hà, cuốn truyện tranh Doraemon là một ký ức rất khó quên trong tuổi thơ của mình. Mỗi món bảo bối đều khiến chị bất ngờ vì khả năng của chúng đã giúp nhóm bạn Nobita nhận ra những bài học mới. Dẫu vậy, chị đặc biệt ấn tượng với cỗ máy thời gian. “Có thể lúc đó mình cũng lớn hơn một chút và dần cảm thấy có những hối tiếc trong quá khứ và muốn làm lại”, chị Hà tâm sự.
Chính vì tình yêu với chú mèo máy và thế giới nhiệm màu đó, chị quyết định đưa con tới tham gia triển lãm. Mặt khác, chị Hà cũng chia sẻ rằng, trong bối cảnh trẻ em có nhiều sự lựa chọn cho giải trí hơn việc định hướng đọc, giới thiệu sách cho các con là điều cần thiết. Từ đó, phụ huynh có thể giúp con tự phát triển thông qua một thói quen đọc lành mạnh.
Chị Lê Thị Hồng Hà cùng con đến xem các ấn phẩm truyện tranh Doraemon. |
Cũng giống chị Hà, anh Lê Tuấn Hiệp (một độc giả 8X tại Hà Nội) bắt đầu đọc các cuốn truyện Doremon từ khi còn là một cậu thiếu niên. “Khi đó, mình phải nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền, vài trăm đồng một, để ra những cửa tiệm thuê truyện về đọc. Mèo máy Doremon đã mở ra một thế giới ngoài sức tưởng tượng với mình”, anh Hiệp kể lại.
Sau 30 năm, khi được chứng kiến những ấn bản cũ tại triển lãm, anh Hiệp cảm thấy rất xúc động. Dù cuộc sống hiện tại có điều kiện hơn cũng như đa dạng các sự lựa chọn, anh Hiệp vẫn mua những cuốn truyện Doraemon cho con trai mình. Nhờ đó, anh có cơ hội đọc lại chúng và mỗi lần như vậy ký ức ùa về.
Độc giả thuộc hai thế hệ đến xem các quầy trưng bày truyện tranh Doraemon. |
Cảm giác hoài niệm là một điều dễ hiểu đối với những người hâm mộ đến tham dự triển lãm khi rất nhiều phiên bản và các bức ảnh tư liệu được trưng bày. Hai bạn trẻ Hoàng Hà và Lê Dương (đến từ Hải Dương) đã dành thời gian nhìn ngắm bộ truyện yêu thích của mình. Hoàng Hà chia sẻ dù đã đọc bộ truyện này rất nhiều hồi bé nhưng đến lớn bạn mua đủ 45 tập truyện ngắn để sưu tầm. Cùng đó, Hà cũng thường xuyên quan tâm đến các sự kiện về chú mèo máy Doraemon.
“Nếu so với các truyện tranh cùng thời bọn em, điều khác biệt ở Doraemon chính là sự vui vẻ và nhẹ nhàng”, Hoàng Hà cho biết.
Phiên bản truyện tranh huyền thoại
Khác với góc nhìn của độc giả, từ phía nhà nghiên cứu độc lập, giám tuyển nghệ thuật Chu Kim lại có những khám phá thú vị cùng những kỷ niệm khó quên với phiên bản truyện Doremon đầu tiên.
Năm 1992 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong làng truyện tranh Việt Nam khi bộ truyện tranh Doraemon đầu tiên được xuất bản. Đây không chỉ là lần đầu độc giả nhỏ tiếp cận chú mèo máy đến từ tương lai, mà còn là một bước chuyển mình của ngành xuất bản Việt Nam trong thời kỳ đầu mở cửa. Theo chia sẻ của ông Chu Kim, giám tuyển triển lãm "Từ Đôrêmon đến Doraemon: 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam”, bộ truyện là một tác phẩm mang tính biểu tượng của thời đại, không chỉ ở nội dung mà còn ở những giá trị lịch sử.
Nhà nghiên cứu độc lập, giám tuyển nghệ thuật Chu Kim đang thuyết trình tại triển lãm. |
Ông Chu Kim nhấn mạnh bìa 4 của bộ truyện Doraemon năm 1992 là một kho tư liệu đáng quý, với nhiều tranh fanart đời đầu của Việt Nam được in ấn. Đặc biệt, sự phát hành định kỳ vào thứ ba và thứ sáu mỗi tuần đã tạo nên một nét đặc trưng cho bộ truyện. Người đọc trước đây phải chờ đúng lịch để mua truyện, và không phải ai cũng may mắn mua được trước khi hết hàng.
Những câu chuyện về việc vận chuyển sách từ TP.HCM ra Hà Nội bằng tàu hỏa vào những ngày mưa bão đã trở thành kỷ niệm khó quên với nhiều độc giả. "Có những lúc chúng tôi phải chờ đến hai tuần mới có truyện vì tàu bị tắc đường. Nhưng cũng nhờ những lần chậm trễ như vậy, chúng tôi lại có cơ hội được đọc liền hai tập truyện cùng lúc”, ông Chu Kim nhớ lại.
Trong trí nhớ của các độc giả 8X như ông Chu Kim, mọi người như bị cuốn vào thế giới kỳ thú xoay quanh các nhân vật như Doraemon (chú mèo máy thông minh), Nobita (cậu bé hậu đậu), Shizuka (cô bé xinh xắn), Suneo (cậu bé con nhà giàu), và Jaian (anh chàng to lớn).
Các em nhỏ viết lưu bút tại buổi triển lãm. |
Ngoài ra, điều làm nên sự khác biệt ở phiên bản năm 1992 là giá thành. Ban đầu một cuốn truyện Doremon đã có giá bán lẻ 3.000 đồng, tương đương với một bát phở vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nhà xuất bản đã dần giảm giá xuống 2.800 đồng, rồi 2.700 đồng và 2.500 đồng trong các đợt phát hành tiếp theo, giúp độc giả tiếp cận dễ dàng hơn với bộ truyện.
Đến năm 1995, khi tập cuối cùng của Doremon được phát hành, đó là một cú sốc lớn đối với nhiều bạn trẻ. "Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết đến cảm giác chia ly," ông Chu Kim chia sẻ.
Bộ truyện tranh Doraemon không chỉ là một hiện tượng văn hóa trong giai đoạn đầu của ngành xuất bản truyện tranh tại Việt Nam, mà còn phản ánh quá trình hội nhập và phát triển của nền văn hóa đại chúng Việt Nam. Từ phiên bản năm 1992 độc nhất vô nhị, đến phiên bản 1998 và các phiên bản sau năm 2010, Doraemon đã chứng tỏ sức sống bền bỉ và ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam” diễn ra từ 13 đến 22/9 VICAS Art Studio 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.