Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giám khảo của nhiều cuộc thi viết cho trẻ thơ, cho rằng sách thiếu nhi là dòng sách yêu cầu sự chuẩn mực nhất. Cuốn sách đầu tiên của ông được in năm 1973 bởi Nhà xuất bản Kim Đồng với số lượng 50.300 bản.
“Với số lượng rất lớn đó, trong sách chỉ sai duy nhất một chữ. Khi phát hiện ra lỗi sai, nhóm biên tập viên của đơn vị này đã mang số sách đó về nhà và sửa ở từng cuốn. Nói như thế để thấy được rằng càng làm sách cho trẻ thơ, chúng ta càng cần sự chăm chút, cẩn trọng bởi nó góp phần làm nên tâm hồn và cốt cách của trẻ em Việt Nam mà sau này là những người làm chủ đất nước”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nhằm ôn lại truyền thống làm sách cho thiếu nhi, chiều 17/6 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị có bề dày làm nên những ấn phẩm tri thức cho trẻ em - tổ chức chương trình kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (17/6/1957-17/6/2022).
Tới dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo, đại diện một số ban, ngành Trung ương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan các ấn phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng chiều 17/6. Ảnh: K.Đ. |
Những trang sách thanh xuân
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói những cuốn sách như An Dương Vương xây thành ốc, Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Kính vạn hoa, Hoàng tử bé; những vần thơ trong trẻo trong tập thơ Góc sân và khoảng trời hay bộ truyện tranh Doraemon đã trở thành những trang sách thanh xuân, là người bạn đồng hành gắn bó thân thiết của lớp lớp thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết đơn vị ông đã trải qua chặng đường dài với những biến thiên của lịch sử, thăng trầm của dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển, nhưng vẫn luôn giữ tôn chỉ hoạt động là “nhà xuất bản cho trẻ em và vì trẻ em”.
Những tác phẩm thiếu nhi ra đời tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, đặc biệt là các em nhỏ. Nhiều năm sau này, chúng vẫn được coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam như Lá cờ thêu 6 chữ vàng, Quê nội, Búp sen xanh…
Những gương mặt viết cho thiếu nhi từ thời kỳ đầu và tên tuổi của họ còn vang xa đến tận ngày nay có thể kể đến Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Nguyễn Kiên, Thy Ngọc, Võ Quảng… Thế hệ tác giả này nối tiếp thế hệ khác để tiếp tục truyền thống viết cho thiếu nhi.
Một số ấn phẩm viết cho thiếu nhi. Ảnh: K.Đ. |
Nâng cao chất lượng sách thiếu nhi
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra đời hàng loạt cuốn sách làm giàu tri thức cho nhiều thế hệ độc giả nhí. Từ 8 cuốn sách đầu tiên, đơn vị này hiện có hàng chục triệu bản sách được xuất bản mỗi năm.
Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng nhận định chặng đường tới sẽ có nhiều thay đổi, thách thức. Do đó, người làm sách cần phải đổi mới, thích nghi và sáng tạo hơn nữa để có những sản phẩm, cách tiếp cận và không gian đọc sách mới cho trẻ em.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề ra một số lưu ý tới người làm công tác xuất bản: Tăng cường hơn nữa những xuất bản phẩm có giá trị nhân văn; đột phá, sáng tạo trong "xuất bản số"; nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên và tích cực dịch thuật, xuất bản sách ra nước ngoài.