Các binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Colombia và các thành viên nhóm tìm kiếm bản địa cùng với bốn đứa trẻ. Ảnh: AP. |
Sau 40 ngày kể từ khi máy bay gặp nạn và rơi vào rừng Amazon ở Colombia, bốn đứa trẻ thuộc cộng đồng bản địa Huioto đã được cứu sống trong tình trạng suy dinh dưỡng và bị côn trùng cắn.
Bốn đứa trẻ là anh chị em ruột, có độ tuổi lần lượt là 13, 9, 4 và nhỏ nhất là 11 tháng tuổi. Chúng đã sống sót tại một trong những nơi hoang vu nhất Colombia, dưới những cơn giông tố, động vật săn mồi và các nhóm vũ trang.
Không ai bị tổn thương nghiêm trọng, đứa trẻ nhỏ nhất đã trải qua sinh nhật đầu đời trong rừng. Chúng được gọi là "những đứa trẻ kỳ diệu" của đất nước.
Có lẽ bà nội của lũ trẻ là người đã dạy chúng kỹ năng sinh tồn, theo John Moreno, một thủ lĩnh bản địa ở vùng Vaupes gần đó.
Thực tế trước đây, câu chuyện về những đứa trẻ tìm cách sống sót trong tự nhiên đã từng xảy ra.
"Chúa Ruồi" phiên bản thực
Vào năm 1965, 6 nam sinh đã bị mắc kẹt trên một hòn đảo ở phía nam của quần đảo Tonga, Thái Bình Dương trong hơn một năm.
Quá chán với việc đi học, lũ trẻ quyết định lấy thuyền đánh cá đi chơi, với hành trang là hai bao tải chuối, một vài quả dừa, một con dao cũ và một chiếc bếp ga nhỏ.
Nhưng khi đang ngủ trên thuyền, các cậu bé bật tỉnh vì một cơn bão lớn, nước mưa chảy xối xả lên đầu. Chúng lênh đênh tám ngày mà không có thức ăn, sống qua ngày bằng nước mưa hứng trong vỏ dừa cho đến ngày chiếc thuyền dạt dến hòn đảo "Ata" nhỏ bé.
Ông Sione Filipe Totau, được gọi là Mano, là một trong sáu cậu bé Tonga bị trôi dạt lên hòn đảo Ata vào những năm 1960. Ảnh: Guardian. |
Phải đến 15 tháng sau, khi đội cứu hộ tới, các cậu bé từ 13 đến 16 tuổi đã xây dựng một khu vực gồm có vườn cây rau củ quả, hứng nước mưa bằng gốc cây được đục lỗ, xây chuồng gà và đốt lửa. Chúng đã chia nhau theo cặp để làm vườn, nấu ăn, canh gác và sống nhờ ăn cá, dừa, các loài chim được thuần hoá và trứng.
Với nhiều người, đây giống như câu chuyện phiêu lưu của các cậu bé ở trong truyện "Chúa Ruồi" của tác giả William Golding. Nhưng với ông Sione Filipe Totau, một trong sáu cậu bé bị mắc kẹt, kỷ niệm về những tháng ngày trên hòn đảo là khá đáng sợ.
"Chúng tôi không hề vui vẻ khi ở trên đảo. Nếu bạn ở một nơi mà bạn không biết đó là đâu, xung quanh không có cha mẹ, tôi nghĩ bạn sẽ rất hoang mang. Tôi chỉ hạnh phúc khi được trở về với gia đình", ông Totau, hay được gọi là Mano, trả lời Guardian vào năm 2020.
Nỗ lực giải cứu đội bóng Thái Lan
Cả thế giới đã nín thở trong 18 ngày khi 12 cầu thủ nhí đến từ Thái Lan mắc kẹt trong một hang động ngập nước lũ cùng huấn luyện viên vào năm 2018.
Trong bức ảnh chụp từ video vào ngày 3/7/2018, các cậu bé của đội bóng WIld Boars mỉm cười khi được lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Thái Lan giúp đỡ bên trong một hang động ở Mae Sai, miền Bắc Thái Lan. Ảnh: Royal Thai Navy. |
Đội bóng Wild Boars, gồm các cầu thủ từ 11 đến 17 tuổi, đã sống trên một tảng đá cao 4km trong hang cùng số ít thức ăn nhẹ. Cả đội đã cố gắng sống bằng cách thiền định do huấn luyện viên 25 tuổi Ekaphol Chantawong, người từng là một thầy tu, hướng dẫn.
Phải 9 ngày sau, đội cứu hộ mới tìm thấy các cậu bé bên trong hang động Tham Luang, sâu tận hơn 9km bên trong dãy núi Doi Nang Non.
Và tất cả mất thêm 9 ngày nữa để cứu cả đội thoát ra khỏi hang để trở về. Chiến dịch giải cứu này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim.
Đội cứu hộ đã dành ra 3 ngày để giải cứu với 18 thợ lặn. Trong quá trình giải cứu, 2 người đã thiệt mạng. Nỗ lực giải cứu bao gồm việc kiểm tra y tế, tiêm gây mê cho từng nạn nhân, và dẫn họ tới đường ra an toàn trong chiếc hang ngập nước.
Một mình lang thang trong rừng
Do quấy rối trong một chuyến đi, cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi, đã bị bố mẹ bỏ lại trên đường trong rừng ở Nhật Bản.
Yamato Tanooka, cậu bé người Nhật sống sót sau một tuần ở vùng rừng núi ở Hokkaido. Ảnh: Guardian. |
Cặp vợ chồng chỉ định phạt con một lúc. Tuy nhiên, cậu bé lại nghĩ mình bị bỏ rơi thật, nên đã mạo hiểm đi xa và trải qua một tuần sống trong rừng sâu, nơi có nhiều gấu nâu.
Sau 6 ngày trong rừng, Yamato đã được 3 binh sĩ bắt gặp khi họ đang tìm nơi trú mưa, còn cậu bé đang nằm cuộn tròn trên một chiếc chiếu trong lán, cách nơi bị bỏ lại 5 km.
Hóa ra Yamato đã lọt vào một khu huấn luyện của lực lượng tự vệ Nhật Bản ở Hokkaido, có thể bằng cách vượt rào hoặc đi xuyên qua bụi rậm và tình cờ tìm thấy cái lán không có khoá.
Chỉ mặc chiếc áo phông và quần thể thao, Yamato đã nằm giữa 2 chiếc nệm để giữ ấm. Cậu nói với những người lính canh rằng mình đã không ăn gì trong vòng một tuần, nhưng tìm được nước để uống.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ của cậu bé cho biết: "Cậu nhóc khá bình tĩnh dù mất tích tận 7 ngày. Trông đứa trẻ này không hề sợ hãi".
Những em bé mắc kẹt ở vùng hẻo lánh Australia
Vào tháng 12/2022, một bé gái 5 tuổi được ghi nhận với chiến tích sống sót thần kỳ, cứu sống hai người em của mình, lần lượt 1 và 2 tuổi, sau khi mắc kẹt trong một vụ tai nạn ôtô. Cha mẹ của lũ trẻ không may đã thiệt mạng.
Hiện trường vụ tai nạn ở Tây Australia, nơi 3 đứa trẻ đã sống sót kỳ diệu dưới cái nắng nóng. Ảnh: Nine News. |
Bị kẹt trong chiếc xe Land Rover lật ngửa, cô bé đã tháo dây an toàn cứu em trai 1 tuổi. Nhưng cậu em trai 2 tuổi vẫn bị kẹt trong chiếc ghế hơn 2 ngày sau vụ tai nạn. Lũ trẻ đã đợi bên thi thể cha mẹ mình trong 55 giờ, dưới cái nóng 30 độ cho đến khi những người thân tìm thấy cả gia đình trên một con đường hẻo lánh.
Chúng bị mất nước trầm trọng, vẫn ngồi trong xe khi được giải cứu.
Ông Michael Read, bác của lũ trẻ, nói rằng thật khó tưởng tượng mà lũ trẻ đã trải qua trong vụ tai nạn đó. Ông nói rằng, cô bé 5 tuổi là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi và rất thích nấu ăn.