Riad Ishkontana, người sống sót sau một vụ không kích của Israel, khóc nghẹn khi chứng kiến vợ và 4 đứa con của mình ra đi. Ảnh: New York Times. |
“Không phải ai là người Arab cũng là người xấu”. Đó là lời mà bé Ido Avigal, 5 tuổi, nói với các bạn mình, mẹ bé kể lại. “Con bảo với các bạn là không phải ai cũng muốn giết chúng ta. Cuối cùng các bạn cũng chịu nghe lời con”, cậu bé nói với mẹ.
Chỉ ít hôm sau, khi còi báo động bắt đầu vang lên ở Sderot, Israel vào ngày 12/5, Ido đang co ro bên gia đình trong căn phòng an toàn tại nhà dì, thì một tên lửa bắn trúng tòa nhà gần đó. Mảnh vỏ tên lửa văng ra, quật trúng cửa sổ của căn phòng và văng vào bụng cậu bé, theo New York Times.
Rafeef Abu Dayer, 10 tuổi, rất thích vẽ. Em đã vẽ lại khung cảnh một tòa nhà ở Gaza bị phá hủy cùng cờ của các nước và chuẩn bị tô màu cho bức vẽ thì mẹ gọi em ra ăn trưa.
“Con có thể quay lại vẽ sau khi ăn”, mẹ em nói.
Nghe lời mẹ, em ra vườn trong khu dân cư tại phố Al Wahda, Gaza dùng bữa với 13 người thân khác, nhưng chưa kịp ăn xong, mảnh bom từ cuộc không kích của Israel vào ngày 16/5 đã khiến em không bao giờ hoàn thành được bức vẽ đang dang dở.
Ido Avigal và Rafeef Abu Dayer là hai trong số ít nhất 68 nạn nhân dưới 18 tuổi của cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas vừa qua, trong đó có 66 bé ở Gaza và 2 bé ở Israel, theo điều tra ban đầu của Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Quốc tế - Palestine.
Sau những ngày căng thẳng không ngừng, giao tranh chính thức bắt đầu vào ngày 10/5. Chỉ vài phút sau khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra, một cậu bé 5 tuổi và một thiếu niên 16 tuổi đã thiệt mạng ở Jabaliya, Gaza. Bốn anh em nhà Al-Masri, từ 2 đến 10 tuổi, ra đi cùng đêm hôm đó ở Beit Hanoun, Gaza.
Hàng chục đứa trẻ vô tội bị cướp đi sinh mạng trong những ngày tiếp theo đó. Các em ra đi, mang theo những ước mơ , sự ngây thơ, và cái nhìn tươi đẹp với cuộc đời xuống mồ sâu.
Bức vẽ dở dang của bé Rafeef Abu Dayer, 10 tuổi. Ảnh: New York Times. |
Danh tính của những trẻ em thiệt mạng, ảnh và hoàn cảnh cái chết của các em được xác thực từ nhiều nguồn như cha mẹ và người thân, giáo viên, trường học ở Gaza và Israel, các tổ chức nhân quyền quốc tế, quan chức Palestine, phương tiện truyền thông xã hội và các tổ chức tin tức ở Gaza và Israel, theo New York Times.
Bất lực sau cái chết của con cái, nhiều phụ huynh dằn giọng, nói với ngữ điệu cam chịu: “Trời kêu ai, nấy đành ‘dạ’”.
“Tôi không thể tin nổi. Tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân bằng cách tự nhủ rằng con bé chỉ về với trời”, Saad Asaliya, một tài xế taxi đến từ Jabaliya, nói sau khi mất đứa con gái 10 tuổi của mình.
Giấc mơ chôn theo những nấm mồ
Tại ngôi làng Arab Dahmash ở miền Trung Israel, khi tiếng còi hú vang lên vào khoảng 3h ngày 12/5, Nadine Awad, người Palestine, 16 tuổi, và cha vội vã chạy ra ngoài tìm nơi ẩn nấp, theo lời kể của chú của cô bé. Chưa kịp chạy xa, một quả tên lửa của Hamas đã lao xuống nhà bên cạnh, cướp đi sinh mạng của cả hai cha con.
Nadine là một trong những học sinh xuất sắc tại trường, bà Sirin Slameh, cố vấn học tập của cô bé, kể lại. Cô bé nói tiếng Anh rất thạo, tự học piano. Tuần trước khi giao tranh xảy ra, cô bé đã đạt điểm 97 trong bài kiểm tra toán.
Chú của Nadine nói rằng cô bé rất thân với cha và thường theo ông ấy đến mọi nơi.
“Điều đáng buồn là cô bé cũng đã theo cha xuống cả lòng đất”, người chú nói.
Chị của Mahmoud Tolbeh (12 tuổi) nằm khóc bên thi thể của em trai. Ảnh: New York Times. |
Mahmoud Tolbeh, 12 tuổi, là một học sinh xuất sắc, cha của em cho biết. Cậu bé yêu thích khoa học và mơ ước trở thành một kỹ sư cơ khí. Em luôn phụ giúp gia đình việc nhà, làm bữa sáng cho chị em mình, pha trà và cà phê cho khách, và thường xuyên dọn nhà và đi chợ cho mẹ.
Ông Tolbeh nói: “Nó là trụ cột của gia đình chúng tôi. Chúng tôi có thể tin tưởng giao cho nó bất cứ việc gì”.
Vào đêm cuối cùng của tháng Ramadan, Mahmoud đến phụ tại tiệm cắt tóc của anh họ. Khi cậu bé chỉ cách tiệm cắt tóc vài bước chân, một mảnh bom từ máy bay Israel văng ra và đập vào đầu và cổ cậu bé. Mahmoud không mất ngay lúc đó mà phải chịu đau đớn thêm 2 ngày nữa.
“Nó đáng lẽ đã có một tương lai tươi sáng. Thế mà tương lai ấy giờ đây đã theo nó xuống mộ”, cha Mahmoud nghẹn ngào.
Khoảng 1h ngày 16/5, các cuộc tấn công của Israel đã biến nhiều tòa nhà trên phố Al Wahda, một con đường chính ở thành phố Gaza, thành những đống đổ nát trong nháy mắt. Đây được xem là một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất ở Gaza trong 11 ngày xung đột Israel-Hamas, cướp đi sinh mạng của 42 người.
Hơn 20 thành viên của một đại gia đình đã bỏ mạng, bao gồm 8 đứa trẻ từ 6 tháng tuổi đến 15 tuổi.
Waseem al-Qawlaq, số ít người sống sót trong gia đình, nghẹn ngào: “Thật không thể tưởng tượng được. Điều này còn hơn cả tra tấn”.
Đội cứu hộ và người thân tìm kiếm nạn nhân từ gia đình Al-Qawlaq. Ảnh: New York Times. |
Bốn đứa trẻ của một gia đình khác nằm cùng còn phố cũng chung số phận.
Dima al-Ifranji, 15 tuổi, là một trong những học sinh giỏi nhất trong lớp, nói được cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Em mơ ước mai này sẽ đậu vào trường y và cứu chữa cho mọi người, cha em cho biết. “Con bé là đứa xuất sắc. Nó là một bậc thầy ngoại ngữ”.
Em trai của Dima, Yazan al-Ifranji, 13 tuổi, là một đứa trẻ thông minh, thường là người đầu tiên trả lời các câu hỏi trong lớp. Cậu bé thích đá bóng và nghe nhạc, và mơ ước sau này sẽ trở thành một kỹ sư máy tính.
Mira al-Ifranji, 11 tuổi, tưởng tượng tương lai em là một nha sĩ.
Niềm vui nhỏ trước thảm kịch
Ngày 12/5, Hamada al-Emour, 13 tuổi, đi cùng anh họ của mình, Ammar al-Emour, 10 tuổi, đến một tiệm cắt tóc. Hai anh em háo hức sửa sang lại đầu tóc theo truyền thống của nhiều người Palestine trước lễ hội kết thúc tháng Ramadan.
Theo dõi con về gần đến cửa nhà, cha Hamada bất chợt nhận ra Israel thình lình không kích. Cả hai đứa trẻ ra đi ngay trước sự chứng kiến bất lực của người cha, người chú.
“Tôi ước tôi không nhìn thấy những gì đã xảy ra với hai đứa nhỏ. Điều này thật khủng khiếp”, cha Hamada nói.
Hàng xóm và người thân đưa tang những đứa trẻ trong gia đình Abu Hatab thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel. Ảnh: New York Times. |
Yahya Khalifa, 13 tuổi, thích đạp xe, đã thuộc lòng một số chương của kinh Qur'an và hy vọng một ngày nào đó sẽ đến thăm nhà thờ Hồi giáo Aqsa ở Jerusalem.
“Nó là một cậu bé ngây thơ và ngọt ngào”, cha em miêu tả.
Ông kể Yahya khi đó chạy ra ngoài để mua vài thứ. Cậu bé hứa sẽ mua sữa chua và kem về cho gia đình, nhưng em không bao giờ trở lại sau đó.
Tại một gia đình khác, khi đó dù đã là khuya 16/5 và bữa tiệc mừng kết thúc tháng Ramadan đã tan, Dana Ishkontana, 9 tuổi và Lana Ishkontana, 5 tuổi, vẫn diện quần áo mới để chụp hình, trong khi hai đứa em trai ríu rít đứng xem các chị tạo dáng, ông Ishkontana, họ hàng của 4 đứa trẻ, nhớ lại.
Lúc sau, ông ra khỏi nhà để mua ít đồ ăn nhẹ cho con cháu, kẹo chocolate và khoai tây chiên. Thế nhưng khi trở về, những thanh kẹo không còn ai đón nhận.
“Tôi ước mình không bao giờ rời đi”, ông nói.
Ngày 19/5, một ngày trước khi Israel và Hamas thỏa thuận ngừng bắn, Dima Asaliya, 10 tuổi, háo hức cầm chiếc bếp nướng pizza loại nhỏ, cỡ quả bóng từ chỗ chị gái về nhà để nướng bánh mì cùng gia đình ở Gaza.
Một máy bay giám sát của Israel lơ lửng trên đầu, dường như nhầm lẫn chiếc bếp nướng với vũ khí. Một vụ nổ xảy ra. Cô bé không bao giờ được thưởng thức bữa trưa với những chiếc bánh mì nướng thơm ngon cùng gia đình nữa.
“Cứ cho là chuông cảnh cáo của họ kêu lên vì chiếc bếp đi, họ không thấy con bé còn nhỏ như vậy hay sao?”, cha của bé Dima Asaliyah nghẹn ngào.
Những đứa trẻ sống sót
“Khi tôi nghĩ về những đứa trẻ đã qua đời, tôi cũng nghĩ về những đứa trẻ sống sót. Chúng được kéo ra khỏi các đống đổ nát, đứa thì mất tay chân, đứa thì mất bạn bè, người thân”, Ola Abu Hasaballah, một nhà tâm lý học trẻ em ở Gaza, nói.
Một thiếu niên 15 tuổi tại Gaza chắc chắn đều đã trải hoặc chứng kiến qua 4 đợt tấn công của Israel.
Beit Hanoun, ở phía bắc Dải Gaza, vào ngày 15/5. Ảnh: New York Times. |
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần và các tổ chức độc lập tiếp cận trẻ em ở Gaza cho biết các em thường mắc chứng rối loạn căng thẳng, sợ hãi và lo lắng mạn tính hậu chấn thương, sau khi trải qua các cuộc xung đột vũ trang. Những cảm giác đó có thể tạo ra ác mộng, gây suy nhược và dẫn đến tự hủy hoại bản thân hoặc khiến các em trở nên hung hăng.
Karl Schembri, phát ngôn viên của Hội đồng tị nạn Na Uy, tổ chức điều hành chương trình giáo dục và trị liệu tâm lý cho trẻ em ở Gaza cho biết: “Gaza đã trở thành một hình ảnh bạo lực và khủng khiếp đối với trẻ em vì nơi này bị quân đội cai trị liên tục”. Ông Schembri cho biết thêm, 11 trong số những đứa trẻ mà tổ chức của ông tiếp cận đã bị giết trong tháng này, tất cả đều tại nhà.
Ông Schembri nói: “Chúng tôi hỗ trợ và chăm sóc bọn trẻ để giúp chúng vượt qua những cơn ác mộng và chấn thương tâm lý. Và bây giờ, chúng bị chôn vùi cùng những vết thương tâm hồn đó”.