Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đòn không kích của Israel khiến bản đồ Gaza biến dạng hoàn toàn

Dù cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas đã tạm thời ngừng lại, các gia đình bị tổn thương vì cuộc chiến có rất ít hy vọng trở lại cuộc sống bình thường.

Sống sót sau các cuộc không kích của Israel, những gì người dân ở thành phố Gaza còn lại là những tòa nhà đổ nát và sự ra đi của những người thân yêu.

"Chúng tôi không còn nhận ra thành phố của chính mình. Quân đội Israel đã vẽ lại bản đồ Gaza", phóng viên của Guardian ở Gaza mở đầu bài báo của họ.

Không còn nhận ra thành phố của chính mình

Nơi nhỏ bé này bị biến dạng đến nỗi bản đồ trước đây về các con đường và địa danh của nó kể từ giờ trở nên vô dụng.

Trên các con phố, các hố bom trông như miệng núi lửa nằm rải rác. Các đống đổ nát nằm ngổn ngang hai bên đường, hoặc có khi chắn ngang các con đường. Những tòa cao ốc nổi tiếng ở đây không còn tồn tại.

11 ngày pháo kích đã làm thành phố bị xô lệch. Các cuộc tấn công trên không khiển mặt đất rung chuyển dữ dội, đến mức tại một số vị trí bom dội, các tòa nhà như thể bị kéo hút xuống mặt đất chứ không phải bị đánh từ trên cao.

Gaza do nat anh 1

Tháp Al-Jalaa ở thành phố Gaza, nơi đặt Al Jazeera Associated Press đã bị một tên lửa của Israel san bằng. Ảnh: REX.

Trên một con phố, những bức tường uốn cong của một trường mẫu giáo nghiêng xuống một góc cho đến khi chúng biến mất hoàn toàn.

Gần một tuần sau vụ tấn công, những ụ bê tông lớn vẫn trải dọc con đường Al-Wehda. Một tòa nhà 7 tầng nay chỉ là một đống xà bần khổng lồ ở góc đường. Trong một ngôi nhà, tất cả những gì còn lại là một cầu thang nằm giữa đám bụi.

Bên kia đường là tàn tích của một tòa nhà khác. Abdel-Latif al-Hajj, tổng giám đốc hợp tác quốc tế của bộ y tế ở Gaza, đứng trước đống đổ nát, cho biết: “Đó là một phòng khám y tế rất lâu đời, có thể là lâu đời nhất ở Gaza”.

Ông Al-Hajj cho biết tòa nhà là trung tâm xét nghiệm Covid-19 chính của Gaza.

Ông nói: “Bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi ngừng xét nghiệm”. Thêm vào đó, chiến tranh có nghĩa là hàng nghìn người phải di tản giờ đang tập trung đông đúc lại với nhau, điều này có thể làm tăng tốc độ lây truyền bệnh dịch.

Xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas đã khiến hơn 250 người thiệt mạng, đại đa số là người Palestine. Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu dân quân ở Gaza, trong khi Hamas đã bắn hơn 4.000 quả rocket về phía Israel.

“Vụ tàn sát Al-Wehda”

Theo Guardian, phố Al-Wehda, là con đường chính ở trung tâm thành phố Gaza. Ở một đầu của Al-Wehda, cơ sở y tế lớn nhất của Gaza, Bệnh viện Shifa, đang là nơi trú ngụ của nhiều người sống sót.

Amjed Murtaja, 40 tuổi, nằm trên giường bệnh, chân chằng chịt vết xước. Ông kể mình đang ở trong căn hộ trên tầng 4 của tòa nhà al-Wehda thì bom dội thẳng vào ban công.

“Tòa nhà rung chuyển. Suy nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là đến được chỗ vợ con”, ông nói.

Ngay khi Murtaja chạy sang phòng khác và vừa kịp ôm gia đình, thì quả bom thứ hai giáng xuống, khiến toàn bộ cấu trục sụp đổ.

“Chúng tôi ngã xuống bên nhau”, ông nói.

Gaza do nat anh 2

Người dân ở Beit Hanoun, Gaza trở về nhà của sau thỏa thuận ngừng bắn. Ảnh: Anadolu Agency.

Sau khi tiếp đất, tay Murtaja bị kẹp giữa các mảng bê bông. Họ mắc kẹt khoảng 4 giờ, trước khi hàng xóm và lực lượng cứu hộ đào xuống và kéo họ ra ngoài. Vợ ông, Suza bị gãy lưng.

Trong cùng tòa nhà, một số thành viên của gia đình Al-Auf, bao gồm một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất của Gaza, từng là người đứng đầu công tác chống Covid-19 của bệnh viện Shifa, cũng tử nạn. Ông Murtaja nói rằng trong khi bị mắc kẹt, ông có thể nghe thấy tiếng la hét của hàng xóm cũng đang mắc kẹt trong đống đổ nát như mình.

Vợ ông Murtaja, Suza đang nằm cùng bệnh viện nhưng ở một khu khác dành cho phụ nữ. Nằm trên giường bệnh truyền dịch, cô kể sau cơn rung chấn bất ngờ, cô bị mất phương hướng và thoạt đầu nghĩ rằng mình bị một chiếc tủ đổ vào người. Một tay bị mắc kẹt, tay kia cầm điện thoại và bật đèn lên soi, cô mới phát hiện tòa nhà đã sập.

Trong suốt 4 giờ mắc kẹt, cô vẫn cố gắng dỗ đứa con 2 tuổi của mình ngủ, nhưng những mảnh vụn vẫn rơi xuống và đánh thức cậu bé.

Israel cho biết cuộc tấn công vào Al-Wehda hôm 16/5 là nhằm phá hủy một mạng lưới đường hầm rộng lớn mà họ gọi là “Metro”, vì cho rằng Hamas đang giấu các nguồn lực quân sự của mình. Quân đội cho biết họ không có ý định đánh sập tòa nhà. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ chứng cứ rõ ràng nào cho thấy Hamas giấu những gì trong hệ thống đường hầm này.

Gaza do nat anh 3

Cuộc pháo kích ở phố Al-Wehda là vụ tấn công chết chóc nhất ở Gaza trong 11 ngày xung đột Israel-Hamas. Ảnh: AP.

Gần một tuần sau vụ tấn công, một tấm biển đã được dựng lên trước tòa nhà, ghi tên những người đã chết cùng dòng chữ "Vụ tàn sát Al-Wehda".

Đây được xem là một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất ở Gaza trong 11 ngày xung đột Israel-Hamas, cướp đi sinh mạng của 42 người.

Theo Liên Hợp Quốc, bạo lực trên Gaza đã phá hủy gần 260 tòa nhà. 53 trường học, 6 bệnh viện và 11 trung tâm chăm sóc sức khỏe đã bị hư hại. Gần 80.000 người phải di dời trong khu vực, và khoảng 800.000 người ít được tiếp cận với nước máy.

Hai triệu cư dân của dải đất này đã sống bên trong cái mà họ gọi là "nhà tù lớn nhất thế giới", với tỷ lệ thất nghiệp hơn 50%, hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ, nước đôi khi nhiễm độc và điện bị cắt liên tục.

Dải Gaza tan hoang nhìn từ vệ tinh Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng ở Dải Gaza trong hơn 10 ngày giao tranh dữ dội.

Hamas diễu binh, thủ lĩnh cấp cao bất ngờ xuất hiện

Hàng trăm chiến binh Hamas che mặt, cầm súng trường diễu hành ở thành phố Gaza hôm 22/5. Thủ lĩnh hàng đầu của nhóm cũng xuất hiện trong cuộc diễu binh này.

Dân Palestine vẫn chịu nỗi đau dai dẳng dù Israel và Hamas ngừng bắn

Sau thỏa thuận ngừng bắn, dù không còn lo lắng về bom đạn, người dân Palestine vẫn đau đáu về những gì mà họ đang và sẽ phải chịu đựng từ mâu thuẫn dai dẳng giữa Israel và Hamas.

Hồng Ngọc

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm