Những dự án tỷ USD giã biệt đường đua
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa thu hồi chủ trương đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn ngọc châu Á (Phú Quốc), với vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ euro.
Hòn ngọc châu Á được nhà đầu tư là tập đoàn ủy thác Trustee (Thụy Sỹ) và một đối tác khác trong liên doanh là công cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (VINACONEX R&D) đề xuất từ cuối năm 2007, với các hạng mục quan trọng như khu trung tâm tài chính, khu phức hợp đô thị - du lịch...
Phú Quốc đã trở thành một tâm điểm thu hút đầu tư nước ngoài. |
Dự án cũng đã được Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang chấp thuận về mặt nguyên tắc, song cho tới nay, ngay cả các thủ tục đầu tư cần thiết cũng chưa được nhà đầu tư thực hiện.
Với thực tế như vậy, cuối năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều động thái để thúc tiến độ dự án. Cụ thể, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu nhà đầu tư Trustee chậm nhất là đến cuối tháng 2/2012, phải hoàn thành việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, chậm nhất là cuối tháng 8/2012, nhà đầu tư phải hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bị hối thúc như vậy, nhưng tới cuối năm ngoái, Trustee vẫn “nợ” những thủ tục đầu tư cần thiết, mặc dù vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi dự án. Cho tới thời điểm hiện tại, tình hình vẫn không mấy tiến triển. Đó chính là lý do để tỉnh Kiên Giang quyết định thu hồi chủ trương đầu tư.
Như vậy, Hòn ngọc châu Á sẽ nối gót không ít dự án tỷ USD khác nói lời từ biệt Việt Nam và dường như, thêm một lần nữa, góp thêm sự quan ngại cho sự mong manh của không ít dự án tỷ USD khác ở Việt Nam.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, không ít trong số gần 30 dự án tỷ USD được cấp phép từ năm 2007 đến nay đã bị rút giấy phép và giải thể trước hạn. Đó là, Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), 9,8 tỷ USD; Bãi biển Rồng (Quảng Nam), 4 tỷ USD; Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (Phú Yên), 1,68 tỷ USD; Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu), 1,3 tỷ USD...
Chưa kể, hàng loạt dự án tỷ USD khác vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, như Thép Guang Lian Dung Quất (Quảng Ngãi), 3 tỷ USD; Nam Hội An (Quảng Nam), 4 tỷ USD…
Thậm chí, ngay cả ở dự án Hồ Tràm Strip, vốn đầu tư 4 tỷ USD, dù phân nửa của giai đoạn I đã hoàn thành, song rắc rối mới đã nảy sinh, khi Tổng giám đốc điều hành của Hồ Tràm Strip kiện chủ đầu tư lên tòa án Mỹ vì bị rút hết quyền điều hành mà không có lý do chính đáng. Điều đáng nói nữa ở dự án này là, mặc dù có tổng vốn đăng ký tới 4 tỷ USD, song tới thời điểm hiện tại, mới có 500 triệu USD được giải ngân.
Với các dự án tỷ USD, theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ sự “mong manh” trong triển khai mới đáng lo, mà khoảng cách quá lớn giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện cũng là điều đáng quan tâm. Hiện ở các dự án đang triển khai chậm trễ, như New City, Nam Hội An…, vốn giải ngân chiếm tỷ lệ rất thấp.
“Không ít nhà đầu tư cam kết rồi mà lại không thực hiện”, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ quan điểm và cho rằng, đối với các dự án chậm hoặc không có khả năng triển khai, nên sớm được “dọn dẹp” để dành chỗ cho những nhà đầu tư có năng lực.
Theo Báo Đầu Tư