Vì sao trùm casino thế giới bỏ rơi Hồ Tràm Strip?
Việc nhà điều hành casino hàng đầu thế giới MGM Resorts International (gọi tắt là MGM) "chia tay" khu phức hợp Hồ Tràm Strip được xem là sự kiện gây ồn ào trong tháng 3 này.
Điều khiến người ta quan tâm là tại sao MGM lại ra đi? Chủ đầu tư sẽ làm gì khi MGM không còn là nhà quản lý. Đến nay vẫn chưa có những phát ngôn chính thức giải tỏa những thắc mắc này.
Ngày 7/3/2013, Asian Coast Development Ltd (Canada, gọi tắt là ACDL) ra thông báo: MGM không còn quản lý MGM Grand Hồ Tràm Beach (giai đoạn 1 của dự án Hồ Tràm Strip, dự án có tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD nằm tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo dự kiến, vào cuối tuần rồi, ACDL sẽ có văn bản trả lời chính thức báo chí về những vấn đề liên quan đến "sự kiện MGM" nhưng đến nay vẫn im lặng. Cũng không ít ý kiến cho rằng MGM ra đi vì nội bộ "cơm không lành, canh không ngọt" với chủ đầu tư và rồi MGM muốn tập trung vào dự án mà họ đang đầu tư và quản lý tại Macau...
Nội dung bài viết này sẽ đi sâu vào chuyện MGM "bỗng dưng nói lời chia tay" mà sẽ bắt đầu từ mục tiêu của dự Hồ Tràm Strip ngay khi dự án còn trong giai đoạn khởi thủy.
Chưa chơi đã mất thưởng
Theo như giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, Hồ Tràm Strip là khu phức hợp, bao gồm: khu khách sạn, resort, sân golf và khu "trò chơi có thưởng" (từ này hàm ý nói đến casino). Theo điều kiện về cấp phép cho dự án có kinh doanh casino mà các bộ - ngành đề xuất (đối với một số dự án casino như Hoàng Đạt ở Đà Nẵng hay kể cả Hồ Tràm Strip): Cứ 100 phòng sẽ được phép lắp đặt hai bàn có người chia bài.
Với dự án Hồ Tràm Strip, ông Lloyd Nathan - Giám đốc Điều hành ACDL cho biết, giai đoạn 1 của dự án sẽ bao gồm một khách sạn 5 sao 19 tầng, với 541 phòng, khu giải trí, trung tâm hội nghị...
Trên website của ACDL nêu rõ, khu nghỉ dưỡng phức hợp 5 sao MGM Grand Hồ Tràm Beach sẽ khai trương vào năm 2013, ngoài 541 phòng khách sạn, khu vực "trò chơi có thưởng" được trang bị 500 máy chơi điện tử và 90 bàn dành cho người nước ngoài. Số bàn này chiếm một nửa so với 180 bàn khi toàn bộ dự án hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu xét theo quy định từ giấy chứng nhận đầu tư thì số lượng phòng trong giai đoạn 1 chỉ tương ứng với 10 bàn.
Về việc cấp phép cho các dự án có hoạt động casino tại Việt Nam + Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp giấy phép. + Các dự án này tại Việt Nam có thể chia thành 3 nhóm: • Nhóm 1: Là những doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng trên máy, gồm 43 điểm kinh doanh tại các khách sạn từ 3 sao trở lên. • Nhóm II: Là doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng trên máy điện tử và một tỷ lệ giới hạn bàn, chẳng hạn như: Công ty Liên doanh Du lịch và Giải trí Quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng) hay Hồ Tràm Strip... • Nhóm III: Là doanh nghiệp kinh doanh casino. + Theo Bộ Tài chính, doanh thu từ hoạt động trò chơi điện tử có thưởng tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây, bình quân luôn duy trì ở mức 10-15%/năm. Năm 2011 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trung bình năm 2011 từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khoảng 20 tỷ đồng/cơ sở kinh doanh. |
Vào tháng 11/2010, trong lần trả lời phỏng vấn báo chí, rằng, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, đối tượng vào casino được giới hạn là khách nước ngoài và Việt kiều (còn hạn hộ chiếu), vậy MGM sẽ có chiến lược gì để thu hút khách và đảm bảo về mặt lợi nhuận? Ông James J.Murren, Chủ tịch kiêm CEO của MGM Resorts International, đã giải thích, MGM và chủ đầu tư hiểu rõ những hạn chế hiện nay, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và lợi nhuận của nhà đầu tư, cũng như những đóng góp về mặt thu ngân sách và khoản đầu tư mà họ đổ vào các dự án như thế.
Song, việc này cũng cần thời gian chứ không phải chuyện "một sớm, một chiều" mà thay đổi. James cũng cho biết, dự án sẽ có hai nguồn thu chính: từ casino và kinh doanh khu nghỉ dưỡng. "Tại Las Vegas, chúng tôi luôn dẫn đầu, trong khi ở Macau, MGM hoạt động tốt và tôi tin rằng, tại thị trường Việt Nam, MGM sẽ tiếp tục thành công", ông James nói.
Tuy nhiên, ngay khi giai đoạn 1 của Hồ Tràm Strip chưa khai trương thì MGM lại ra tuyên bố thoái lui. Có lẽ, người hoang mang hơn hết là 2.113 nhân viên đã trải qua khóa tập huấn và sẵn sàng cho ngày công trình đi vào hoạt động.
Theo tìm hiểu và quan sát, sau khi thông tin về MGM lan truyền, khu vực Xuyên Mộc đã không còn những "ngày bình yên". Theo đó, tại trạm đưa rước nhân viên của Hồ Tràm Strip ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, lượng xe đưa rước giảm hẳn từ 8 chiếc (xe 52 chỗ) còn khoảng 2 chiếc mỗi ngày.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin riêng, không lâu sau ngày MGM rút lui, nhiều nhân viên tại đây đã được cho nghỉ. Hiện tại, mọi dịch vụ ở Hồ Tràm Strip đều trong giai đoạn thử nghiệm.
Trao đổi với chúng tôi về mức độ ảnh hưởng khi MGM "nói lời chia tay" khỏi dự án, một chuyên gia trong ngành công nghiệp nghỉ dưỡng bình luận, sự ra đi này không phải lỗi của chủ đầu tư hay từ Chính phủ Việt Nam.
Các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện tối đa cho dự án nhưng quan trọng là hiệu quả kinh doanh của Hồ Tràm Strip về mặt dài hạn, mà điều này phụ thuộc vào sự quan tâm cũng như quyết định từ các cơ quan quản lý nhà nước sau khi MGM ra đi.
Nên "gật" hay "lắc"?
Việc MGM thôi không quản lý MGM Grand Hồ Tràm Beach, có người xem như là một mâu thuẫn với những quy định kinh doanh đối với lĩnh vực casino.
Liên quan đến việc MGM rút khỏi dự án Hồ Tràm Strip, GS. Nguyễn Mại, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho rằng, sẽ rất sớm để đưa ra nhận định về những diễn biến chung quanh dự án này. Đối với những dự án lớn gặp vướng mắc, nên chăng cơ quan quản lý cần hỗ trợ nhà đầu tư?
Về vấn đề này, hãng cung cấp thông tin và phân tích về ngành công nghiệp "trò chơi có thưởng" hàng đầu thế giới GamblingCompliance (trụ sở tại London, Anh) có bài viết đề cập, việc MGM thôi không quản lý MGM Grand Hồ Tràm Beach được xem như là một mâu thuẫn với những quy định kinh doanh đối với lĩnh vực casino.
Chưa biết là nhận định trên có đúng hay không, nhưng nếu đặt ra giả thiết, Dự thảo Nghị định về Quản lý casino và trò chơi điện tử có thưởng mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ gần đây thì ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư tham gia hoạt động này tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp xin cấp phép phải có dự án đầu tư xây dựng khu giải trí phức hợp, có hoạt động casino nằm trong quy hoạch kinh doanh casino.
Hơn nữa, dự thảo này cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp được cấp phép chỉ được phép tổ chức hoạt động kinh doanh casino khi đã giải ngân được tối thiểu 50% vốn cam kết đầu tư, hoàn thành các hạng mục đầu tư chính và phải có bảo lãnh chứng minh đủ năng lực tài chính để giải ngân số vốn cam kết còn lại.
Theo đánh giá của công ty Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, đây là bước đi khôn ngoan để đảm bảo nhà đầu tư có cam kết thực sự với thị trường.
Như vậy, điều gì sẽ xảy ra với MGM Grand Hồ Tràm Beach nếu trong năm nay, dự thảo này được thông qua mà khu này chưa đi vào hoạt động? Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có 4 dự án FDI thuộc lĩnh vực bất động sản du lịch đang tiến hành xây dựng.
Trong đó, Hồ Tràm Strip là dự án có tỷ lệ vốn giải ngân lớn nhất, tính đến tháng 12/2012 nhưng con số giải ngân chỉ đạt 350 triệu USD trên tổng vốn đăng ký 4,2 tỷ USD theo giấy phép được cấp tháng 3/2008. Điều này đặt các cơ quan quản lý vào sự chọn lựa sẽ hỗ trợ dự án này như thế nào khi MGM rút lui.
Liên quan đến việc cấp phép cho các dự án casino sau khi Dự thảo được công bố, ông Leon Cheneval, Giám đốc Văn phòng Cushman & Wakefield Hà Nội, thành viên nhóm tư vấn nhà hàng - khách sạn và vui chơi có thưởng cho hay, theo những gì ông được biết thì ở Việt Nam hiện nay, Hồ Tràm Strip là nơi duy nhất được cấp phép về casino quy mô lớn, với 180 bàn có nhân viên chia bài và 2.000 máy điện tử, song cơ hội tìm nhà đầu tư sẽ phụ thuộc nhiều vào kích cỡ và độ sâu của thị trường cũng như mức độ cạnh tranh hiện tại và tương lai khi Chính phủ quyết định hợp thức hóa casino và trò chơi có thưởng.
Song, nếu cơ quan quản lý "gật đầu" với Hồ Tràm Strip thì 7 dự án có kinh doanh casino còn lại sẽ diễn tiến theo hướng nào trước khi Dự thảo Nghị định được thông qua? Đây thực chất không phải là bài toán dễ tìm ra lời giải.
Về dự án Hồ Tràm Strip + Hồ Tràm Strip có tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD với quy mô 164 ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2008 và thời gian thực hiện dự án được ghi nhận từ năm 2008 - 2020. + Năm 2008, dự án làm lễ động thổ và được triển khai xây dựng trong năm 2010, đây cũng là thời điểm MGM Hospitality được chọn làm nhà quản lý cho giai đoạn 1 của dự án. Đến trung tuần tháng 5/2011, ACDL ra tuyên bố ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Pinnacle Entertainment. Theo đó, Pinnacle đầu tư 95 triệu USD vào ACDL và đồng nghĩa với việc nắm giữ 26% cổ phần. + Hồ Tràm Strip được chia thành 2 vùng. Vùng 1 bao gồm 2 giai đoạn thuộc quyền quản lý của Tập đoàn MGM Hospitality (2 tòa khách sạn quy mô khoảng 1.100 phòng và một sân golf 18 lỗ nằm đối diện khu nghỉ dưỡng cùng các khu tiện ích khác) và vùng 2 do Pinnacle Entertainment quản lý (3 resort quy mô 1.200 phòng chưa có kế hoạch triển khai. + Nguồn vốn để triển khai cho giai đoạn 1 của dự án bao gồm hai phần: 50% là vốn vay và phần còn lại là vốn tự có. Trong đó, quỹ đầu tư Harbinger Capital (Mỹ) - chủ sở hữu đa số cổ phần trong ACDL, đóng vai trò then chốt về mặt tài chính cho dự án. + Hồ Tràm Strip đã mang lại 4.600 việc làm tại công trường xây dựng và đang tiến hành tuyển dụng thêm hơn 2.000 nhân sự, trong đó có 1.900 ứng viên đã bắt đầu làm việc hoặc đã nhận được lời mời tuyển dụng. |
Theo Doanh nhân Sài Gòn