Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dòng tweet giúp căng thẳng Mỹ - Iran không trở thành chiến tranh

Tốc độ giao tiếp tức thời có thể đóng vai trò quan trọng để lãnh đạo hai bên hiểu được mong muốn tránh chiến tranh của đất nước mình.

Bài viết là nhận định của nhà báo Garrett M. Graff trên Wired.

Twitter thường bị chỉ trích về văn hóa ứng xử tệ hại của người dùng, nhưng nó đã được sử dụng hiệu quả vào ngày 7/1. Cả lãnh đạo của Iran và Mỹ đều đã sử dụng mạng xã hội để đảm bảo một đêm căng thẳng tại Trung Đông không biến thành một cuộc chiến toàn diện.

Vài giờ sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự của Mỹ, ông Trump và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đều lên Twitter để bày tỏ ý định tránh leo thang những cuộc tấn công thành chiến tranh.

twitter da cuu the gioi khoi chien tranh nhu the nao anh 1

Phát biểu của ông Trump và ngoại trưởng Iran trên Twitter như một cách ngoại giao thời gian thực hiệu quả.

Những phát biểu của họ được chuyên gia về Trung Đông Ilan Goldenberg gọi là "giảm nhiệt trực tiếp trên Twitter". Các dòng tweet này chính là lời giải cho thách thức các vị chính khách đã phải đối mặt từ rất lâu: khó khăn trong việc giao tiếp giữa các quốc gia đang căng thẳng để hiểu rõ được ý đồ của cả đôi bên.

Đường dây nóng của lịch sử

Năm 1962, khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô lên cao với vụ đưa tên lửa vào Cuba, các nhà lãnh đạo đôi bên đã phải căng não nhìn các thông điệp được truyền cực kỳ chậm giữa Washington và Moscow. Đại sứ quán Mỹ tại Moscow phải mất 12 giờ để mã hóa bức thông điệp dài 2.750 chữ của Liên Xô, tương đương khoảng 5 trang giấy để gửi về.

Ở chiều ngược lại, khi đại sứ quán Liên Xô tại thủ đô Washington muốn gửi thông điệp về Moscow, họ phải chờ một bưu tá đạp xe từ đại sứ quán tới văn phòng của Western Union ở DC.

twitter da cuu the gioi khoi chien tranh nhu the nao anh 2

"Điện thoại đỏ" nối giữa Mỹ và Liên Xô thực chất là các máy điện báo. Ảnh: DoD.

"Khi anh ta đạp xe đi với điện khẩn, chúng tôi ở đại sứ quán chỉ biết cầu nguyện. Mong anh chàng này có thể mang thư đến văn phòng Western Union mà không bị trễ hay không dừng lại và tán tỉnh một cô nàng nào đó", Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobrynin viết trong cuốn hồi ký của mình.

Khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đồng ý ngừng leo thang căng thẳng, ông cũng rất lo thông điệp sẽ bị truyền đi chậm. Do vậy Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cho đọc thư qua đài radio để phía Mỹ nhanh chóng nhận được thông điệp hơn.

Sau những căng thẳng đầu thập niên 1960, Mỹ và Liên Xô quyết định sử dụng các loại máy điện báo, kết nối trực tiếp giữa Lầu năm góc và Điện Kremlin. Đường dây điện tín đó về sau được gọi là "đường dây nóng" hoặc "điện thoại đỏ", dù chẳng có chiếc điện thoại nào ở đây.

Những người thực thi kế hoạch nhận ra viết ra thành văn bản là cách tốt nhất để tránh bất kỳ sai sót nào trong khâu dịch hay hiểu một thông điệp. Họ hiểu truyền đạt chính xác thông điệp là cực kỳ quan trọng giữa một cuộc khủng hoảng, và một cuộc gọi trực tiếp mà không có sẵn kịch bản có thể trở thành thảm họa.

twitter da cuu the gioi khoi chien tranh nhu the nao anh 3

Khi không thể gặp mặt trực tiếp, lãnh đạo hai siêu cường cần những thiết bị truyền được thông điệp chính xác nhưng phải nhanh chóng. Ảnh: Thư viện JFK.

Đường dây nóng giữa 2 nước phải đi qua nhiều mạch điện tín từ Washington tới London, Copenhagen, Stockholm, Helsinki rồi mới tới được Moscow, cùng với một tuyến dự phòng đi qua Morocco. Nó được sử dụng lần đầu trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967 giữa Israel và các nước Ả Rập, khi Tổng thống Lyndon Johnson và Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Alexei Kosygin trao đổi 19 thông điệp với nhau để hai bên không bị kéo theo xung đột khu vực.

Nhiều năm sau, đường dây này vẫn được duy trì và thường xuyên bảo trì, kiểm định. Vào ngày 1/1 và 30/8, ngày ra đời đường dây nóng, Moscow và Washington sẽ gửi những lời chúc ngoại giao. Đường dây này cũng được nâng cấp nhiều lần để hoạt động thông qua vệ tinh, fax và email.

Sự quan trọng của thông điệp thời gian thực

Tuy nhiên, đường dây liên lạc này chỉ kết nối với Nga, còn trao đổi với lãnh đạo các quốc gia khác vẫn là trở ngại. Do vậy, các thông điệp trên Twitter của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran rất quan trọng.

Khi Iran bắn đi các tên lửa đầu tiên, hàng loạt tin đồn về việc Mỹ phản kích hay ông Trump sẽ phản hồi như thế nào đã xuất hiện trên mạng chỉ sau vài phút. Vào lúc đó, nguy cơ về một cuộc chiến đã nhen nhóm. Cục hàng không Liên bang Mỹ ngay lập tức ra lệnh cấm các máy bay của Mỹ bay qua khu vực Iran, Iraq, vịnh Oman.

twitter da cuu the gioi khoi chien tranh nhu the nao anh 4

Sau khi khiến mọi người yên tâm với bài viết trên Twitter, đến sáng hôm sau Tổng thống Trump mới phát biểu chính thức sau khi Iran bắn tên lửa vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Ảnh: Reuters.

Không lâu sau, các thông điệp chính thức được đưa ra trên Twitter, kèm theo đó là những số liệu mà không cần đến một anh bưu tá nào.

Vào lúc 21h32 (múi giờ Đông Bắc Mỹ), Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đăng tweet cho biết Iran đã "đáp trả tương xứng" và cho biết Iran “không muốn leo thang hay chiến tranh”. Ông Zarif, người học ở Mỹ nhiều năm và có bằng tiến sĩ luật quốc tế, đã sử dụng tài khoản Twitter với 1,4 triệu người theo dõi để đưa ra quan điểm của Tehran cho cộng đồng quốc tế bằng chính tiếng Anh.

Chỉ 12 phút sau, ông Trump đăng tweet nói với 70 triệu người theo dõi của mình một tweet rất tỉnh táo, mở đầu bằng "mọi việc đều ổn". Thông điệp của ông Trump rất rõ ràng: chúng tôi sẽ không đẩy xa sự việc, ít nhất là hôm nay. Mọi người có thể đi ngủ.

"Thật thú vị khi những hành động ngoại giao diễn ra trên Twitter và mọi người đều có thể theo dõi theo thời gian thực", nhà quan sát Timothy Peterson nhận định.

Đó là tweet cuối cùng của cả ông Trump và Zarif, trước khi tổng thống Mỹ phát biểu một lần nữa vào buổi sáng (tối 8/1 theo giờ Việt Nam). Sau nhiều tuần hoạt động liên tục trên Twitter, có ngày tới hàng chục tweet, khoảng gián đoạn 13 giờ từ lúc ông đưa ra thông điệp đó tới sáng là thời gian dài nhất mà tổng thống Mỹ ngừng xuất hiện trên mạng, kể từ cuối năm ngoái.

Thông điệp của ông Trump, đưa ra vào buổi sáng, cũng không khác mấy: căng thẳng với Iran vẫn tiếp diễn, sẽ có những hình thức cấm vận được đưa ra. Tuy nhiên, sẽ không có chiến tranh.

Người Mỹ nhận tin nhắn tuyển quân cho Thế chiến III

Giữa thời điểm thế giới đang căng thẳng vì xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran, quân đội Mỹ phải lên tiếng đính chính về các tin nhắn chiêu binh giả mạo.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm