Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dòng sông trở nên 'bất tử' trên trang sách

Từ cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" do Báo VietNamNet tổ chức, cuốn sách cùng tên ra đời như một cách để câu chuyện về những dòng sông sống mãi.

Những dòng sông 'bất tử'

Chiều 25/9, sự kiện giới thiệu sách Chuyện của những dòng sông diễn ra tại TPHCM. Cuốn sách dày gần 400 trang, tập hợp hơn 50 bài viết của các tác giả về những con sông trên khắp đất nước từ cuộc thi cùng tên do Báo VietNamNet tổ chức.

Trong đó, có những con sông lớn như sông Lô, Hương, Đáy, Gianh, Hồng, Vàm Cỏ... đến những dòng sông rất nhỏ, ít người biết tên như sông Giang, Dinh, Bến Giá... thậm chí cả những dòng sông không có tên.

Các tác giả tiếp cận dòng sông từ nhiều góc độ khác nhau, không chỉ văn chương mà còn ngồn ngộn thông tin địa lý, văn hóa, lịch sử...

Những dòng sông đẹp thơ mộng, lãng mạn, chất chứa câu chuyện, hồi ức của bao kiếp người và trở thành chứng nhân lịch sử, được chọn làm giới tuyến, nơi trao trả 26.700 tù binh.

Dong song anh 1

Ông Nguyễn Văn Bá (áo trắng) - Tổng biên tập Báo VietNamNet.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định cuộc thi Chuyện của những dòng sông của Báo VietNamNet đặc biệt và đầy ấn tượng, gợi mở rất nhiều điều về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, môi trường, kinh tế...

Những bài viết trong cuốn sách dựng lên đời sống, lịch sử và văn hóa của một dòng sông. Lịch sử những dòng sông cũng là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Theo ông, tác phẩm có ý nghĩa lớn khi góp phần gìn giữ những con sông và câu chuyện về chúng sống mãi. Trong thực tế, nhiều con sông đang "hấp hối", thậm chí "qua đời".

"Nhưng kỳ lạ thay, từ miền sâu thẳm của ký ức con người, từ những giấc mơ ngập tràn trong từng trang viết trong cuốn sách này, tôi thấy những dòng sông thức dậy như ngày khởi sinh của nước và bắt đầu tuôn chảy trong ban mai của một ngày mới", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Dong song anh 2

Không khí buổi ra mắt sách ấm cúng, thân tình.

Nhà thơ Văn Công Hùng nhận xét việc Báo VietNamNet in sách trong bối cảnh thực tiễn nhiều tác giả chật vật bán sách là "hết sức liều lĩnh".

Bà Bích Ngọc - cố vấn Tổng Biên tập Báo VietNamNet - phản hồi nếu chỉ đăng những bài viết trên báo, mạng xã hội sẽ rất phí. Vì vậy, bà trăn trở việc tập hợp các bài viết in thành sách, sẵn sàng kiếm tiền để "làm bằng được" mục tiêu này.

May mắn, NXB Hội Nhà văn đã đứng ra đầu tư, phát hành Chuyện của những dòng sông đến bạn đọc. Đại diện NXB Hội Nhà văn cho biết cuốn sách ra đời chỉn chu nhờ quá trình nỗ lực của tập thể trong thời gian ngắn. Đến tối qua 24/9, tác phẩm mới được in xong, vận chuyển bằng máy bay vào TPHCM cho kịp tiến độ.

"Phá lệ" vì cuộc thi

Tại sự kiện ra mắt sách Chuyện của những dòng sông, nhà văn, nhà báo, Thượng tá Nguyễn Hồng Lam - tác giả bài Ngược sông Rào Nậy trong sách - cho biết việc anh tham gia cuộc thi khiến người quen bất ngờ.

Dong song anh 3

Từ trái sang: nhà thơ Văn Công Hùng - nhà văn Nguyễn Hồng Lam - nhà văn Gia Bảo - nhà báo Việt Hà.

Từ năm 2001, anh đã đề ra nguyên tắc không tham gia bất kỳ cuộc thi nào cho chính mình. Khi hay tin Báo VietNamNet tổ chức viết Chuyện của những dòng sông, Nguyễn Hồng Lam bị thu hút bởi cuộc thi này "không chứa đựng bất kỳ rào cản nào, người viết có thể 'tung tẩy' tất cả điều mình muốn".

Cũng theo tác giả, sông có ý nghĩa đặc biệt với con người Việt Nam, không ai lớn lên không có ít nhất một ấn tượng về dòng sông. Anh cũng chia sẻ vui là muốn giành giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

Vì nhiều lý do, Nguyễn Hồng Lam không viết một từ nào đến tận ngày 29/6 (hạn chót nhận bài thi là 30/6 - PV). Ngày cuối cùng, anh viết một mạch 6.000 từ, sau đó "đau đớn" cắt bỏ 4.000 từ cho phù hợp với yêu cầu.

Nhà văn, nhà báo Trần Gia Bảo - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ - vốn là cây bút mảng thiếu nhi, quyết định tham gia Chuyện của những dòng sông sau thời gian quan sát cuộc thi, đọc bài viết của các tác giả khác.

Dong song anh 4

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long (phải).

Đặc biệt, sau khi đọc bài Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại của nhà văn Tống Phước Bảo, trong chị nhiều cảm xúc, muốn viết để hưởng ứng báo bạn. "Thế là tôi bắt tay viết từ sáng đến gần trưa đã xong", chị nhớ lại.

Nhà báo Gia Bảo cũng tâm đắc nhiều bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi. Càng đọc, chị càng tiếp thu nhiều câu chuyện, thông tin hay của các dòng sông từ Bắc chí Nam. Chị tin Chuyện của những dòng sông sẽ là cuốn "sách giáo khoa" bổ ích cho học sinh, sinh viên.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long - tác giả của hàng chục tác phẩm nhiếp ảnh về những con sông được in trong sách - chưa hài lòng về chất lượng hình ảnh. Anh cũng chia sẻ về kỷ niệm nhớ đời khi treo mình trên máy bay giữa dòng sông Lòng Tàu để chụp nên tác phẩm ưng ý nhất.

Bà Bích Ngọc - cố vấn Tổng Biên tập Báo VietNamNet - tiết lộ trước khi NXB Hội Nhà văn nhận lời in sách đã tự vận động người quen đặt mua sách trên mạng xã hội. Bà không ngờ được quá nhiều người ủng hộ, số tiền đặt mua trước lên đến hơn 60 triệu đồng dù sách vẫn chưa in.

https://vietnamnet.vn/nhung-dong-song-tro-nen-bat-tu-tren-trang-sach-2325820.html

Gia Bảo, Hòa Phạm, Nguyễn Huế/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm