Nghiên cứu từ Đại học McGill (Canada) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế cho thấy chỉ có 37% số con sông dài hơn 1.000 km trên thế giới vẫn được chảy tự do và 25% con sông chảy liên tục ra biển mà không bị gián đoạn.
GS Chung Hoàng Chương chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Đức An. |
Những dòng sông còn lại đang dần cạn kiệt khi dòng nước bị thu hẹp, gián đoạn và chất lượng nước suy giảm mạnh. Hàng loạt dòng sông trên thế giới đang trở thành “sông chết”. Nhiều dòng sông ở Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự. Tiêu biểu, mực nước của sông Hồng đang hạ 14 cm/năm, theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi.
Chia sẻ trong sự kiện “Ba thời kỳ đời sống của nước”, GS Chung Hoàng Chương nhận xét dòng nước ở Việt Nam đang được khai thác theo tư duy “mì ăn liền”. Song nếu những người khai thác biết cách đối đãi phù hợp với thiên nhiên, những con sông Việt Nam “vẫn còn hy vọng”.
Ba thời kỳ đời sống của nước
Theo GS Chương, để biết cách “đối đãi phù hợp với dòng nước”, con người cần hiểu về những thời kỳ sống của nước và nhận thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống.
Peter H. Gleick, tác giả sách Three Ages of Water, là một nhà khoa học người Mỹ làm việc tại Viện Thái Bình Dương ở Oakland, California. Ảnh: PublicAffairs. |
Theo đó, đời sống của nước được chia làm ba thời kỳ, bao gồm thời kỳ nguyên sơ, thời kỳ đại khai thác và thời kỳ phát triển bền vững, ông trích dẫn sách Three Ages of Water (Tạm dịch: Ba thời kỳ đời sống của nước - PV) của Peter Gleick.
“Thời kỳ đầu tiên của dòng nước tính từ thời khai thiên lập địa, khi Trái Đất mới hình thành. Nước là một trong những yếu tố định hình và duy trì sự sống. Rồi khi con người xuất hiện, nước đóng vai trò trung tâm trong đời sống hàng ngày”, chuyên gia của tổ chức phi chính phủ International Rivers cho biết.
Ở thời kỳ này, con người hoàn toàn phụ thuộc vào dòng nước. Họ sử dụng nước cho các hoạt động cơ bản như uống, nấu nướng, săn bắn, trồng trọt. Thậm chí, các bộ lạc còn quyết định nơi định cư của họ bằng cách chọn các địa điểm có nhiều nước, theo Three Ages of Water.
Giai đoạn thứ hai của dòng nước bắt đầu khi khoa học - công nghệ phát triển và con người hình thành tư duy “thiên nhiên phục vụ nhân loại”. Các nhà đầu tư cho xây những công trình xi măng làm thay đổi dòng chảy của nước và phá rừng ồ ạt. Bị tàn phá quá mức, thiên nhiên ‘đáp trả’ con người bằng những trận bão, động đất, cháy rừng, theo GS Chung Hoàng Chương.
Sông Colorado, một trong những tuyến đường thủy dài nhất nước Mỹ cung cấp nước cho 7 tiểu bang, đã mất 20% lưu lượng trong suốt một thế kỷ qua. Ảnh: Britannica. |
Thời kỳ cuối cùng của dòng nước bắt đầu vào cuối thế kỷ 20 đến nay. Đây là thời kỳ mà các phong trào kêu gọi sự tôn trọng thiên nhiên bắt đầu nổi lên. “Đầu thế kỷ 21, giới trẻ thế giới mở ra các phong trào đòi lại công bằng cho thiên nhiên. Họ mạnh dạn phản đối, đoàn kết xuyên quốc gia và yêu cầu các giải pháp phát triển bền vững từ các chính trị gia”, ông chia sẻ.
“Đây là lúc chúng ta cần tiếp cận toàn diện và bền vững đối với vấn đề quản lý và sử dụng nước. Nước là một yếu tố quan trọng của hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của xã hội”, GS Chương nói. “Cụ thể, để khai thác tài nguyên nước bền vững, chúng ta cần phát triển một tư duy gọi là ‘Slow Water’ (Tạm dịch: Nước chậm - PV)”.
Tư duy “Slow Water”
Theo GS Chung Hoàng Chương, “Slow Water” tương tự như phong trào “Slow Food” ở Italy vào cuối thế kỷ 20 (một phong trào phản đối thức ăn nhanh, ví dụ như KFC, McDonald’s, và khuyến khích thực khách thưởng thức ẩm thực bản địa).
“Ở Việt Nam có nhiều dự án khai thác sông theo tư duy ‘Fast Water’, tức là khai thác theo kiểu mì ăn liền. Nhiều doanh nghiệp đổ cát để có thêm bất động sản, làm thu hẹp dòng sông và tăng tốc độ chảy của nước. Cách khai thác này sẽ để lại hậu quả khôn lường cho các thế hệ sau”, GS Chương nói.
Erica Gies, tác giả sách Water Always Wins, là một nhà từng đoạt giải thưởng báo chí quốc tế. Bà chuyên viết về nước, biến đổi khí hậu, thực vật và động vật. Ảnh: University of Chicago Press. |
Tư duy “Slow Water” gồm ba yếu tố cốt lõi là Respect - Reciprocity - Restore (Tạm dịch: Tôn trọng - Đền đáp - Bảo tồn). Nói cách khác, con người phải tôn trọng, bảo tồn và hỗ trợ dòng nước phục hồi những gì mà họ đã lấy đi, GS Chương trích dẫn sách Water Always Wins (Tạm dịch: Dòng nước luôn chiến thắng - PV) của nhà báo Erica Gies.
Ông cho biết có ba mô hình “thuận thiên” ứng với tư duy “Slow Water” có thể được áp dụng tại Việt Nam, bao gồm: mô hình vườn sinh thái, khu vực dưới dòng chảy và các hồ nước dưới lòng đất.
Trong đó, vườn sinh thái (green garden) nghĩa là mô hình sử dụng các mái nhà “xanh” có thể giữ nước mưa và tạo ra một ao nước nhỏ trong khu dân cư. Theo TS Gies, mô hình này ứng với một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của ‘Slow Water’ là giữ nước mưa tại chỗ thay vì dẫn nước theo hệ thống thoát nước và cống rãnh. Việc giữ nước tại chỗ có thể làm giảm nguy cơ lũ lụt, bổ sung và cải thiện chất lượng nguồn nước.
Khu vực dưới dòng nước chảy (hyporheic zone) là khoảng đất nằm giữa dòng nước mặt và nước ngầm. Nơi đây được mệnh danh là “lá phổi của dòng sông” khi có khả năng loại bỏ ô nhiễm nước và tạo ra thức ăn cho các loài cá bằng cách phát triển một hệ vi sinh vật phong phú.
“Khi quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách phải biết cách dung hòa với thiên nhiên và bảo vệ những khu vực như thế này. Có như vậy mới khai thác và quản lý dòng nước bền vững”, nguyên giảng viên Đại học tiểu bang San Francisco nhấn mạnh.
Con người cần biết cách phối hợp khoa học với kiến thức bản địa để hướng đến phát triển bền vững, theo GS Chung Hoàng Chương. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cuối cùng, ông nhắc đến các hồ nước ngầm được hình thành từ khi các lục địa còn đang di chuyển. Theo ông, đây là những hồ nước đã tích tụ hàng nghìn năm, con người có thể sử dụng chúng như một nguồn nước thay thế cho sông ngòi, nước ngầm. “Điều này sẽ cho các dòng sông cơ hội thở dốc sau thời gian dài bị khai thác”, ông nói.
Tại khu vực Nam sông Hậu của Việt Nam, cũng có nhiều mô hình bản địa phù hợp với tư duy “Slow Water” như mô hình tôm - lúa ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, mô hình khóm - cau - dừa ở Kiên Giang, mô hình lúa - cá - vịt ở Đồng Tháp…
“Những mô hình trên cho thấy đồng bằng Sông Cửu Long của chúng ta vẫn còn nhiều hy vọng, miễn là con người biết cách phối hợp khoa học với kiến thức bản địa. Đó chính là cốt lõi của tư duy ‘Slow Water’”, GS Chung Hoàng Chương nói.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.