9 quốc gia chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh kể từ khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016. Ảnh: Alamy/Guardian design. |
Bên ngoài tòa nhà trên sông Đài Bắc, 14 lá cờ tung bay, mỗi lá cờ đại diện cho một đồng minh của Đài Loan. Tuy nhiên, vào tháng trước, lá cờ Honduras đã bị gỡ xuống. Hiện tại, nơi đây chỉ còn 13.
Tổng thống Honduras Xiomara Castro tuyên bố bà đang thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử, khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan sau 82 năm và quay sang Trung Quốc đại lục.
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết Honduras đang gặp khó khăn về tài chính và Đài Loan không trả lời yêu cầu tái đàm phán khoản nợ 600 triệu USD hoặc tăng viện trợ tài chính.
Đài Loan cáo buộc Honduras yêu cầu hơn 2 tỷ USD và kêu gọi nước này “không làm dịu cơn khát bằng thuốc độc” khi đứng về phía Trung Quốc đại lục.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn thành lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, 9 quốc gia đã quay sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Các đồng minh ở châu Mỹ của Đài Loan là Belize, Guatemala, Haiti, Paraguay, Saint Kitts and Nevis, Saint Lucia, và Saint Vincent and Grenadines.
Ở Thái Bình Dương, hòn đảo được quần đảo Marshall, Nauru, Palau và Tuvalu công nhận. Eswatini là đồng minh châu Phi duy nhất, còn Vatican City là đồng minh duy nhất của Đài Loan ở châu Âu.
Mỗi quốc gia đều có lịch sử, lý do và động lực riêng để quyết định liên minh với Đài Loan, theo Guardian.
Viện trợ cho “các quốc gia thân thiện”
Người đại diện của St Vincent and Grenadines tại Đài Loan, Andrea Clare Bowman, cho biết nước này “đang sát cánh bên” Đài Loan. Quốc gia Caribe, nơi sinh sống của khoảng 104.000 người, đã mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Đài Bắc vào năm 2019.
Cùng năm đó, St Vincent and Grenadines trở thành quốc gia nhỏ nhất từng ngồi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tháng 8/2022, Thủ tướng Ralph Gonsalves đến thăm Đài Loan giữa lúc Trung Quốc đại lục tập trận bắn đạn thật nhằm trả đũa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Người đại diện của Tuvalu tại Đài Loan, Bikenibau Paeniu, đề cập tới khía cạnh tài chính của liên minh ngoại giao này. Ông lưu ý hòn đảo “cung cấp các khoản viện trợ hào phóng”, không phải vay hoàn trả như Bắc Kinh.
Ông Paeniu không nghĩ điều gì có thể khiến Tuvalu đổi phe với “người bạn thực sự”: “Tôi nghĩ Quốc hội 100% ủng hộ Đài Loan”. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu Đài Loan giảm hoặc rút các khoản viện trợ có làm thay đổi quan điểm không, ông nói “có thể”.
Ngoại trưởng Honduras và Trung Quốc cụng ly mừng thiết lập quan hệ ngoại giao tại Bắc Kinh ngày 26/3. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, St Lucia thiết lập quan hệ với Đài Loan hai lần, gần đây nhất là năm 2007 sau khi hòn đảo tăng viện trợ.
Người đại diện của St Lucia tại Đài Loan, Robert Kennedy Lewis, nói nước này không theo đuổi chính sách đối ngoại với bên chi nhiều nhất, nhưng cho biết Đài Loan hiện là bên viện trợ không hoàn lại lớn nhất.
Vào năm 2020, Đài Loan viện trợ 502 triệu USD cho “các đồng minh ngoại giao và quốc gia thân thiện” - tăng từ 302 triệu USD vào năm 2018. Hòn đảo cũng thường xuyên hỗ trợ các dự án phát triển cho đồng minh Mỹ Latin và châu Phi. Tất cả đồng minh của hòn đảo đều có quyền tiếp cận học bổng toàn phần giáo dục đại học mỗi năm.
Tất cả người đại diện đều chỉ ra học bổng giáo dục - đặc biệt là học bổng trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và y học - mang lại lợi ích lâu dài. Khi các quốc gia cắt đứt quan hệ, những sinh viên này thường là nhóm đầu tiên chịu thiệt.
Sau thông báo của Honduras, cơ quan đối ngoại Đài Loan đã xác nhận 170 sinh viên Honduras sẽ bị cắt học bổng ngay sau khi kết thúc học kỳ hiện nay.
Áp lực
Bắc Kinh yêu cầu các nước có quan hệ ngoại giao chấm dứt công nhận Đài Loan. Nước này coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ việc dùng vũ lực để thống nhất.
Trong khi Đài Loan cung cấp nhiều khoản hỗ trợ nhằm níu chân các đồng minh, rõ ràng Trung Quốc đại lục có thể ưu đãi nhiều hơn nữa về các cơ hội thương mại, du lịch và kinh tế.
Khi Cộng hòa Dominica quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào năm 2018, nước này viện dẫn lý do “lịch sử và thực tế kinh tế xã hội”. Năm 2007, Tổng thống lúc đó của Costa Rica, Oscar Arias, cũng đề cập tới nguyên nhân kinh tế khi làm vậy.
Quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan của Quần đảo Solomon vào năm 2019 làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Manasseh Sogavare cho biết sẽ “vô trách nhiệm nếu cô lập một người chơi toàn cầu sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển nhất”.
Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh ngày 31/3. Ảnh: Reuters. |
Dẫu vậy, các biện pháp tiếp cận của Trung Quốc đại lục không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ông Bowman xác nhận St Vincent and Grenadines được Bắc Kinh “tiếp cận”, nhưng không nêu chi tiết. Vào năm 2019, Tuvalu cũng từ chối lời đề nghị hỗ trợ xây dựng đảo nhân tạo.
Vào năm 2017, Trung Quốc đại lục đưa lệnh cấm các chuyến du lịch trọn gói đến Palau. Du lịch chiếm hơn 40% GDP của Palau.
“Chúng tôi thực sự cảm nhận được điều đó”, người đại diện Palau tại Đài Loan, David Adams Orrukum, nói. “Nhưng tôi muốn thấy Palau là quốc gia kiên cường”.
Nội bộ Đài Loan vẫn đang tranh luận về bản chất của các liên minh, nhưng các đồng minh nói điều đó mang lại cho hòn đảo tiếng nói trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tiếng nói này có thể yếu ớt hơn nữa ngay trong tháng tới, khi Đài Loan đối mặt với việc mất thêm “một quốc gia thân thiện”. Đảng đối lập của Paraguay cho biết họ sẽ thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 30/4, viện dẫn các cơ hội thương mại.
Thêm một thất bại sẽ là động lực mạnh mẽ để Quốc dân đảng (KMT), đảng đối lập chính ở Đài Loan, tiếp tục vận động bầu cử. KMT ủng hộ mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc đại lục, cho rằng mọi thứ sẽ diễn biến chậm lại nếu đảng này lên làm lãnh đạo.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.