Tết 1967, chính quyền Sài Gòn tuyên bố ngừng bắn 3 ngày cho Nhân dân ăn Tết và đề nghị phía Mặt trận Giải phóng cũng làm như vậy. Ai ngừng bắn thì cứ ngừng, riêng quân đội Mỹ thì không đếm xỉa gì đến lịch ngừng bắn ấy của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc hành quân Cedar Falls với hơn 25.000 quân Mỹ trên khắp vùng Củ Chi - Bến Cát được mở ra từ đầu tháng 01/1967, đến Tết vẫn tiếp diễn ráo riết hơn.
Cụm tình báo H.63 chúng tôi vẫn bám trụ địa đạo xã Phú Hòa Đông để làm nhiệm vụ. Liên lạc với các điệp viên trong Sài Gòn vẫn thông suốt. Ban ngày thì nằm trong địa đạo, ban đêm khi lực lượng xe ủi và bộ binh Mỹ rút về “chốt” của chúng thì các chiến sĩ trinh sát liên lạc mò vào ấp chiến lược gặp cô liên lạc thành phố để nhận báo cáo của điệp viên và trao các chỉ thị điều tra của cấp trên. Còn tại địa đạo thì các chiến sĩ điện đài rải dây ăng-ten để đài trưởng vô tuyến điện lên máy nối liên lạc với trung tâm trên rừng biên giới.
Thằng thông ngôn nói với dân trong xóm: “Quân đội Mỹ quyết xóa sổ toán Việt Cộng có máy vô tuyến điện này cho bằng được rồi mới rút quân”. Thế là đã rõ. Bọn Mỹ vô cùng tức tối vì chúng biết rõ Việt Cộng kiên trì bám trụ trong địa đạo, đêm đêm vẫn nghe tiếng máy vô tuyến điện dội vào máy của chúng chỉ cách chốt đóng quân của chúng mấy trăm mét mà chúng không làm gì được.
Các bụi tre gai um tùm bị ủi trơ gốc, cây cối bị ủi sạch, địa hình bị phá nát. Khoảng đất có địa đạo bên dưới bị thu hẹp lần lần. Đến chiều ba mươi Tết thì xe ủi cán sụp một đoạn, làm cho chúng tôi bên dưới bị ngạt vì không còn đủ dưỡng khí để thở. Cũng may là trời sụp tối, đoàn xe ủi rút về “chốt”, chưa kịp làm gì thêm.
Tình hình này thì nay mai mồng một Tết sẽ gay go lắm. Bọn Mỹ sẽ mang thuốc nổ mạnh đến và dò theo các lỗ bị xe cán sụp mà đánh lần tới. Phương pháp này chúng đã áp dụng và đánh thiệt hại nặng cụm tình báo V.4 đóng quân tại đình Bến Liễu bên huyện Bến Cát. Lần ấy cả Cụm trưởng Hai Thăng và toàn bộ tổ điện đài, trinh sát liên lạc gồm 7 đồng chí bị hy sinh vì sức ép của thuốc nổ.
Đêm ba mươi, trời tối đen, điện đài vừa bắt liên lạc với trung tâm, tôi điện xin phép cấp trên cho cụm chúng tôi đêm nay rời địa bàn xã Phú Hòa Đông để chuyển về căn cứ dự bị trên rừng Bời Lời (Trảng Bàng). Và điện trả lời của đồng chí Sáu Trí, thủ trưởng phòng tình báo Miền: đồng ý cho cụm ý chuyển về Bời Lời. Riêng cụm trưởng Tư Cang vào ngay Sài Gòn và có một báo cáo chi tiết về sự bố phòng của giặc trong Sài Gòn những ngày Tết.
Chấp hành chỉ thị của cấp trên, có sự chia tay. Tổ điện đài và trinh sát liên lạc 6 đồng chí trong đêm dò đường về Nhuận Đức và lên căn cứ Bời Lời. Riêng cụm trưởng ngày mai mồng một Tết phải có mặt trong Sài Gòn để làm nhiệm vụ.
Anh em đi rồi, còn một mình tôi buồn bã đậy nấp hầm bí mật lại rồi lợi dụng đèn dù, pháo sáng của Mỹ mà lò dò đi vào nhà dượng Hai Biểu trong ấp Phú An, một cơ sở tin cậy của cụm tình báo, nơi đó luôn có sẵn một bộ quần áo người thành phố và giấy tờ (giả) cho tôi. Thím Ba Đệt, dâu dượng hai là người liên lạc có giấy tờ hợp pháp đi lại trong Sài Gòn. Tôi giao nhiệm vụ: Sáng mai, em đi Sài Gòn nói với anh Hai Hoành 2 giờ chiều mai đem ô tô lên tại ngã ba ông Tới đón anh về thành phố.
Biết được ý định của tôi là ở lại nhà dượng cả buổi sáng mai, dượng Hai nói: Không được đâu, chú Tư ơi! Sáng nào bọn Mỹ cũng đi ngang đây để vô đánh phá địa đạo của chú...
Không sợ gì cả. Tôi sẽ ngồi bàn giữa nhà uống rượu với dượng, không trốn tránh đi đâu. Mỹ tôi không sợ. Có lính Sài Gòn thì dượng nói có thằng cháu dưới Sài Gòn lên mừng tuổi, chúc Tết. Tôi mặc đồ này vô thì coi được rồi, chỉ có râu, tóc hơi dài...
- Vậy để tôi đi gọi chú Tám Tần hớt tóc cho chú ngay bây giờ, còn râu thì lưỡi lam đây, chú tự giải quyết.
Tội cho hai ông già, dượng Hai cầm cây đèn dầu phục vụ cho chú Tám, còn chú Tám thì tra đôi kính lão vào làm việc một cách nghiêm túc, cẩn thận. Thế cũng xong, có dáng vẻ dân Sài Gòn rồi. Tôi yên tâm, sẵn sàng đối phó với bọn Mỹ.
Trời hừng sáng. Có tiếng bà Năm bên nhà hàng xóm chộn rộn cho heo ăn: “Cảnh ơi! Con heo mọi đâu rồi, mày dậy phụ tao đi kiếm coi. Ẹc, ẹc..” Có quy ước nhau, đó là báo động giặc đang tiến vào xóm. Dượng Hai nói: “Cha! Hôm nay tụi nó đi sớm dữ!”
Mâm cơm cúng ông bà xong được thím Ba Đệt dọn xuống bàn giữa nhà. Tôi và dượng Hai ngồi vào bàn cầm đũa, rót rượu nhâm nhi. Một tiểu đội lính Mỹ vừa qua khỏi sân thì hai sĩ quan Mỹ tiến đến. Thấy có đàn ông trong nhà, hai tên chỉ huy bước vào. Lập tức, toàn bộ trung đội lính Mỹ dàn ra, nằm xuống, mũi súng chĩa ra ngoài đề phòng Việt Cộng. Tên đi đầu đã vào đến thềm, bàn tay đặt trên bao súng ngắn bên hông. Tôi đứng dậy, lịch sự chào bằng tiếng Mỹ: - Hello! Happy new year! (xin chào! Chúc mừng năm mới!)
Tên sĩ quan Mỹ không còn thái độ hung hăng như ban đầu, vui vẻ chào đáp lại. Được thế tôi tấn công tiếp. Tay phải tôi cầm nhạo rượu lên và mời:
- A little rice wine, please! (Xin mời ông vui lòng nhấm một tí rượu nếp).
Tên sĩ quan cười, xua tay:
- Thank you very much! We are busy! (Cám ơn ông nhiều, chúng tôi đang bận).
Tôi uống cạn ly rượu. Tên Mỹ đưa một ngón tay cái lên tỏ ý khen ngợi, rồi cùng đồng đội bước ra. Trung đội lính Mỹ đứng dậy rồi cùng hai tên chỉ huy đi về phía địa đạo mà hôm qua chúng còn phá dang dở.
Dượng Hai cười, khen tôi: - Chú khá lắm chú Tư. Tôi nói vui: - Đời làm tình báo vậy đó dượng Hai.
Dọn dẹp xong, thím Ba Đệt đi Sài Gòn. Đúng như kế hoạch, chiều cô Hai Ánh - một nữ giao liên thành phố của cụm tình báo chở tôi ra ngã ba ông Tới và xe ôtô của chú Hai Hoành chở tôi vô Sài Gòn để quan sát sự phòng thủ của giặc trong ba ngày Tết ngưng bắn như thế nào.
Tết này là Tết 1967. Có thể cấp trên đã có ý định hành động vào Tết 1968 (Xuân Mậu Thân) nên phái tình báo đi trước.