Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đôi chân giả phi thường trong làng thể thao thế giới

Không có đủ chân tay như người bình thường nhưng họ không chịu đầu hàng số phận, quyết theo đuổi đam mê và trở thành những vận động viên phi thường nhất thế giới.

 1. Vận động viên điền kinh Aimee Mullins

Năm 1996, cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn Aimee Mullins khiến cả thế giới sửng sốt khi lập kỷ lục thế giới về chạy nước rút 100m, 200m và Paralympic bằng đôi chân giả bằng sắt. Bị khuyết tật bẩm sinh ngay khi mới chào đời, nhưng cô gái có gương mặt xinh xắn không chịu đầu hàng số phận. Sau khi được gắn chân giả, cô không những tập đi lại và làm việc như những người bình thường mà còn quyết tâm làm được những điều phi thường. Từ bơi lội, đạp xe, bóng mềm, bóng đá, cho đến trượt tuyết,… tất cả đều trở nên dễ dàng đối với Aimee.


Năm 17 tuổi, Aimee tốt nghiệp phổ thông với tấm bằng danh dự. Cô vượt qua hơn 40.000 ứng viên trở thành 1 trong 3 học sinh Mỹ nhận học bổng toàn phần của Bộ quốc phòng theo học trường Đại học Georgetown danh giá. Cô cũng là người trẻ nhất được nhận mã số an ninh tối mật của Lầu Năm Góc để trở thành nhà phân tích tình báo Mỹ.

Nhưng, Aimee đã từ chối công việc trong mơ đó để theo đuổi đam mê thời trang và thể thao. Không chỉ là một vận động viên Paragame chuyên nghiệp, với gương mặt xinh đẹp, vóc dáng gọn gàng, Aimee còn trở thành một người mẫu, diễn viên nổi tiếng thế giới. Bằng đôi chân giả, cô đã chinh phục hàng loạt các sàn catwalk và trở thành "nàng thơ" của nhà thiết kế tài năng Alexander McQueen. Một lợi thế là chiều cao của cô có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào kích thước đôi chân giả. Cô cũng đang là gương mặt đại diện của nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Tạp chí nổi tiếng People đã đưa tên cô vào danh sách “50 người phụ nữ có gương mặt đẹp nhất thế giới”. Ngoài ra, cô còn được vinh danh là "Người phụ nữ Mỹ vĩ đại nhất thế kỷ 20" với những đóng góp cho xã hội. Aimee muốn khẳng định với cả thế giới rằng, bằng nghị lực phi thường, cô có thể vượt qua mọi giới hạn và khiếm khuyết để làm được những việc tưởng chừng không thể.

2. Vận động viên trượt tuyết Amy Purdy 

Amy Purdy (33 tuổi) bỗng trở thành người khuyết tật khi bị cắt cả 2 chân chỉ sau một cơn sốt hồi năm 19 tuổi. Từng đau khổ, dằn vặt và tự nhốt mình trong bóng tối hàng tháng trời, nhưng cuối cùng cô gái trẻ đã quyết định bước ra ánh sáng, không chịu khuất phục số phận. Lắp đôi chân giả, Amy nhọc nhằn luyện tập từng bước đi, một lòng theo đuổi ước mơ trở thành vận động viên trượt tuyết.

"Đôi chân giả của tôi được gắn cố định vào ván trượt, mỗi lần nhìn thấy nó, tôi lại thấy như một phần cơ thể của tôi. Điều này thúc giục tôi ráp nó lại và trượt tuyết như một người bình thường đi bộ", Amy chia sẻ.
Cứ thế, Amy miệt mài tập luyện với đôi chân giả và tấm ván trượt.

Tất cả nỗ lực của cô đã được đền đáp một cách xứng đáng bằng 3 chiếc HCV cho môn trượt tuyết dành cho người khuyết tật. Ý chí và nghị lực phi thường của Amy chính là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.

3. Nhà leo núi Hugh Herr

Ở tuổi 17, Hugh Herr đang là 1 nhà leo núi tài năng và đầy triển vọng. Tuy nhiên, 1 tai nạn lở tuyết kinh hoàng đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân của ông. Đam mê chinh phục những đỉnh núi tưởng chừng chỉ còn là giấc mơ xa với. Nhưng người đàn ông trẻ tuổi quyết không để khó khăn ngăn cản tình yêu của mình dành cho bộ môn leo núi mạo hiểm.

Thay vì ngồi khóc than số phận, ông nhận ra rằng, chỉ có hành động mới thay đổi được số phận. Hugh Herr một mình tìm các chuyên gia y tế để hợp tác, nghiên cứu và chế tạo ra những đôi chân giả hiện đại và thông minh. Hơn 20 năm miệt mài, ở tuổi 48, Hugh Herr đã trở thành người sáng lập ra Viện Massachusetts chuyên nghiên cứu và chế tạo các bộ phận thay thế cho người khuyết tật.

Dù đôi chân thật không còn nhưng với đôi chân giả do chính mình chế tạo ra, Hugh vẫn có thể làm mọi việc ông muốn. Mới đây, nhà leo núi khuyết tật vừa chinh phục đỉnh núi đá dựng đứng cao hơn 70 mét trên chính đôi chân sắt của mình. 

4. Vũ công Adrianne Haslet-Davis


Năm 2013, sự nghiệp của vũ công Adrianne Haslet-Davis tưởng chừng tiêu tan sau vụ đánh bom kinh hoàng tại cuộc đua marathon ở Boston. Tuy nhiên, bom có thể cướp đi một bên chân nhưng không thể đánh cắp đam mê của cô với khiêu vũ. 
Xỏ vào đôi chân giả do giáo sư Hugh Herr chế tạo, Adrianne Haslet-Davis bắt đầu tập đi và nhảy lại từ đầu. Mỗi bước di chuyển trên đôi chân giả khiến cô đau đớn và khó nhọc, giấc mơ trở lại sân khấu tưởng chừng rất xa vời. 
Tuy nhiên, với nỗ lực phi thường cùng tình yêu cháy bỏng với bộ môn khiêu vũ thể thao, gần 200 ngày sau vụ nổ, Haslet-Davis đã tự tin bước lên sân khấu trên đôi chân bằng sắt. Cô vẫn đẹp, rạng ngời và uyển chuyển qua từng điệu nhảy làm sáng bừng cả sân khấu. Không chỉ vậy, Haslet-Davis cũng đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội đòi quyền lợi cho người khuyết tật.
5. Vận động viên lướt ván Mike Coots

Năm 1997, một thảm kịch đau lòng đã xảy ra đã làm thay đổi cả cuộc đời của chàng thanh niên 17 tuổi Mike Coots. Đang vui vẻ lướt sóng tại vùng biển Hawaii, Mike Coots bất ngờ bị một chú cá mập hổ - cơn ác mộng của biển khơi - từ đâu lao tới tấn công. Mike Coots đấu tranh tới cùng với con vật hung tợn để giành sự sống cho tới khi con cá bỏ đi. Mike Coots may mắn thoát khỏi lưới hái tử thần nhưng bàng hoàng nhận ra một bên chân của mình đã vĩnh viễn mất đi.

Không vì thế mà gục ngã, bằng đôi chân giả, Mike Coots tiếp tục đứng dậy và tiếp tục chinh phục đại dương. Trên đôi chân giả, Coots vẫn xách tấm ván ra biển và theo đuổi đam mê với bộ môn lướt sóng mạo hiểm. Dù đại dương mang tới cho anh những nỗi đau nhưng không vì thế, Mike quay lưng lại với biển.

Ngoài lướt ván, Mike còn trở thành nhiếp ảnh gia, chuyên ghi lại những khoảnh khắc đẹp và huyền bí nhất của đại dương. 

Anh còn rở thành nhà hoạt động xã hội tích cực cho chương trình bảo vệ cá mập. Anh mang câu chuyện cuộc đời của mình nhằm kêu gọi những thay đổi về pháp lý cũng như ý thức của người dân khắp hành tinh. Nỗ lực của anh đã được đền đáp khi năm 2010, Hawaii đã trở thành bang đầu tiên của nước Mỹ đặt lệnh cấm tàng trữ và mua bán vây cá mập.

6. Vận động viên bơi lội Philippe Croizon


Năm 1997, Philippe Croizon bị mất cả tứ chi sau khi giật điện. Trong những ngày tuyệt vọng nằm trong bệnh viện, Croizon bắt đầu đọc sách và bất ngờ tìm lại được tình yêu cuộc sống cũng như lý tưởng mới cho mình. Thay vì biến mình trở thành kẻ khuyết tật, ông bắt đầu thí nghiệm dùng hàng loạt các chân giả có gắn chân vịt để tập bơi.

Ông bỏ ra 5 tiếng mỗi ngày để tập bơi cùng các cảnh sát biển. Gần 2 thập kỷ sau đó, ông lên kế hoạch thực hiện giấc mơ bơi vòng quanh thế giới.

Tháng 9/2010, Croizon trở thành vận động viên không chân tay đầu tiên bơi thành công qua 34 km eo biển Manche nối giữa Pháp và Anh. Đây là một thành tích không tưởng vì từ trước tới nay, chỉ mới có 900 tay bơi chuyên nghiệp lành lặn đạt được thành tích này. Bằng tinh thần lạc quan, nỗ lực phi thường, Croizon muốn khẳng định, dù mình khuyết tứ chi nhưng không bao giờ tự biến mình thành tật nguyền, vô dụng.

Linh Anh

Ảnh: Multimedia

Bạn có thể quan tâm