Doanh nghiệp hiện là chủ thể chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 suốt thời gian qua, nhưng nhiều đơn vị vẫn sẵn sàng chia sẻ tiền của, vật chất cho cuộc chiến chống dịch bệnh.
Doanh thu giảm 50% vẫn đóng góp
Sáng 10/2, bệnh viện dã chiến phòng dịch Covid-19 đầu tiên tại TP.HCM chính thức đi vào hoạt động. Bệnh viện nằm bên trong Trường Quân sự TP.HCM (huyện Củ Chi), có quy mô 300 giường bệnh, chia thành 68 phòng, nhưng chỉ có khoảng 4-5 y bác sĩ.
Thực tế đó khiến anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh (chuyên phân phối khóa điện tử PHGLock) nảy ra ý định trao tặng chuông cửa camera cho bệnh viện dã chiến này.
"Trước đây, lúc mẹ tôi nằm bệnh viện ở Australia, tôi phải bay qua lại giữa hai nước. Mặc dù đã có người chăm sóc, nhưng tôi vẫn mong muốn theo dõi mẹ liên tục. Mẹ đói bụng, khát nước đều có thể trò chuyện với tôi, thông qua loại chuông cửa này. Tôi đã chăm sóc mẹ trong suốt 3 năm như vậy, nên tôi hiểu phần nào nhu cầu của người bệnh và tâm lý của người chăm sóc", anh chia sẻ.
Hoàng Tuấn Anh cho biết, chuông cửa này có tích hợp camera và kết nối với điện thoại của y bác sĩ. Nếu có vấn đề, người cách ly có thể nhấn chuông và đàm thoại 2 chiều với y bác sĩ. Còn y bác sĩ cũng có thể liên tục theo dõi tình hình bệnh nhân. Trong trường hợp y bác sĩ đến phòng cách ly, thì việc sử dụng chuông cửa này để trao đổi với bên ngoài sẽ đảm bảo an toàn hơn mang theo điện thoại di động.
Đến nay, công ty anh đã tiến hành lắp đặt thiết bị ở bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ và các phòng xét nghiệm virus ở Viện Pasteur. Đơn vị dự kiến lắp tổng cộng khoảng 1.000 bộ chuông cửa, với chi phí lên đến 3,6 tỷ đồng.
Nhân viên Công ty Vũ Trụ Xanh lắp đặt chuông cửa camera tại bệnh viện dã chiến Cần Giờ hôm 15/3. Ảnh: NVCC. |
Tuy vậy, trao đổi với Zing.vn, anh tỏ ra do dự về tương lai của dự án hỗ trợ này: "Trước đây tôi nghĩ sẽ ổn thỏa vì đã dự trù nguồn thu. Nhưng thực tế là doanh thu tháng này của chúng tôi đã giảm 50% do tác động của dịch. Chúng tôi đang cố gắng cầm cự để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, đồng thời hỗ trợ địa bàn TP.HCM trước. Hỗ trợ được bao nhiêu hay bấy nhiêu vậy".
Do đó, anh mong muốn nhận được sự đóng góp của nhiều mạnh thường quân khác, để triển khai lắp đặt thiết bị này tại các bệnh viện cách ly, điều trị Covid-19 khắp toàn quốc. "Như vậy sẽ giảm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ, qua đó công tác nghiên cứu, phòng chống dịch được đảm bảo hơn", anh chia sẻ.
Vị giám đốc dùng khách sạn làm nơi cách ly
Trong khi đó, ở một vùng quê nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh - nơi hàng trăm người lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... vừa trở về tránh dịch, có một giám đốc trẻ tự nguyện tạm ngừng kinh doanh, biến khách sạn thành nơi cách ly tập trung.
Đợt cách ly ở xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra từ ngày 27/2 đến 12/3. Nhưng trước đó, anh Nguyễn Xuân Phúc - Giám đốc khách sạn Hanvet đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chăm sóc 16 người, gồm 10 người trở về từ Hàn Quốc (7 người lớn, 3 trẻ em) và 6 người thân đi cùng.
Không chỉ dành toàn bộ khuôn viên khách sạn làm nơi cách ly miễn phí cho con em quê hương từ các vùng dịch trở về, anh Phúc còn bỏ tiền túi để thuê 5 nhân viên hỗ trợ. Hàng ngày, anh cùng nhân viên và lực lượng chức năng túc trực tại khách sạn để kịp thời giúp đỡ những người cách ly khi cần thiết.
Anh Nguyễn Xuân Phúc luôn là người đi đầu trong các chương trình từ thiện ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: BHT. |
“Trong hơn 15 ngày qua, tôi ăn ở tại khách sạn, không dám ra ngoài. Nhiều lúc muốn đi cắt tóc, về nhà thăm vợ con, nhưng tôi đành gác lại dự định của mình", anh chia sẻ về những ngày chăm sóc người dân cách ly.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả, nhiều người tỏ ra e ngại về nguy cơ lây nhiễm virus khi lưu trú tại khách sạn về sau, nên chính anh Phúc cũng lường trước khó khăn có thể gặp phải. Một số người dân thậm chí còn cho rằng anh "gàn dở", tự rước họa vào thân và cho những người xung quanh.
Mặc dù vậy, người đàn ông này vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. "Đây chỉ là một hành động nhỏ, đóng góp vào việc chung của toàn xã hội, tôi không muốn mọi người nhắc đến nhiều. Chắc chắn là có thiệt hại rồi, nhưng làm việc thiện thì có ai nghĩ nhiều đến lợi nhuận?", anh phân trần.
Hơn 230 tỷ đồng từ doanh nghiệp
Hiện tại, đầu mối tiếp nhận quyên góp từ doanh nghiệp là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sáng 17/3, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ công bố, tổng số tiền các doanh nghiệp và ngân hàng đã quyên góp là 230,2 tỷ đồng.
Trong đó, nổi bật là ngân hàng VPBank và công ty con FE Credit hỗ trợ 15 tỷ đồng. Khối ngân hàng gồm Viettinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank, Maritime, VIB, Techcombank quyên góp 10 tỷ đồng mỗi bên. Các ngân hàng SeABank, Bắc Á, tập đoàn Vingroup, FLC, Hòa Phát, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng quyên góp mỗi bên 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Quỹ đổi mới sáng tạo và Viện nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19. Công ty Vinamilk ủng hộ 10 tỷ đồng mua vật tư thiết bị sinh phẩm y tế phục vụ công tác xét nghiệm, phát hiện nhanh virus Covid-19; Hội doanh nhân trẻ Việt Nam với sự phối hợp của các doanh nghiệp như Tập đoàn Hưng Thịnh huy động 5 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất 10.000 bộ kit phát hiện nhanh...
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác ủng hộ bằng hiện vật. Tập đoàn TH trao tặng 1 triệu ly sữa, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tặng 200.000 khẩu trang y tế, Grab Việt Nam tặng 100.000 khẩu trang y tế, Danameco tặng 30.000 khẩu trang y tế, 1.000 bộ đồ chống dịch cùng 5 máy monitor theo dõi bệnh nhân...
"Chúng tôi hy vọng sẽ có thật nhiều doanh nghiệp cùng chung tay hơn nữa để đảm bảo nguồn kinh phí trong công tác kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và tình hình sớm ổn định để mọi người có thể trở về cuộc sống bình thường” - ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, nói.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều nghệ sĩ cũng chung tay đẩy lùi Covid-19. Ca sĩ Hà Anh Tuấn là một trong những người đầu tiên trong làng giải trí đứng ra kêu gọi ủng hộ. Anh tài trợ 1,95 tỷ đồng để thiết lập 3 phòng cách ly áp lực âm, còn ca sĩ Chi Pu cũng trao tặng 1 tỷ đồng xây dựng loại phòng này, cùng 5.000 bộ đồ bảo hộ.Trong khi đó, ca sĩ Hồ Ngọc Hà đóng góp 1 tỷ đồng, Tóc Tiên ủng hộ 100 triệu đồng. Các ca sĩ Min, Tùng Dương, Phạm Thùy Dung cũng trao tặng số lượng lớn nước rửa tay, khẩu trang và đồ bảo hộ chống dịch...
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hoan nghênh hành động đóng góp của các doanh nghiệp khi chung tay chống dịch Covid-19. Điều này thể hiện tinh thần của các doanh nhân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Chính phủ và cộng đồng.
Ông cũng cho biết đang phát động phong trào ủng hộ quyên góp tại cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho mượn trụ sở để cơ quan chức năng lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết. Một số khác sẵn sàng cung cấp khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết kết quả tổng hợp quyên góp sẽ được Hiệp hội tổng kết trong thời gian gần nhất và chuyển tới các cơ quan chức năng.