Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Những đoản khúc nhẹ nhàng, đậm chất thơ của tác giả đất Phú Yên

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” - mưa không có then chốt mà có thể lưu chân khách. Xuyên suốt tác phẩm, mưa hiện diện khắp nơi, từ miền biển vắng đến cao nguyên mộng mơ Đà Lạt.

Nhận xét về Cao Vĩ Nhánh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có nói “Ở thế kỷ hội nhập của khó người khôn, cái chân thành luôn bị bủa vây giữa những cái tinh ranh. Bất kỳ ai chậm chân cũng loay hoay trong cô đơn. Cao Vĩ Nhánh không ngoại lệ. Thế nhưng, anh may mắn còn có văn chương làm bạn đồng hành”.

Văn thể hiện người, đó cũng chính là câu nói ứng với Cao Vĩ Nhánh. Tập tản văn Có hẹn với thanh xuân (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2023) của tác giả là những tiếng nói trầm lắng, nhưng lại có khả năng thấm sâu vào lòng người, bồi đắp cho tâm hồn thêm đa cảm, thêm phong phú.

Thật vậy, nếu không có văn chương làm bạn đồng hành thì có lẽ không chỉ riêng Cao Vĩ Nhánh mà nhiều người cầm bút khác cũng sẽ phải loay hoay, tư lự lắm trước những biến đổi của thời cuộc. Cao Vĩ Nhánh chọn sống chậm, nhìn dòng đời chầm chậm trôi mà nhiều lúc bạn bè thân hữu phải thúc giục.

Thanh xuan anh 1

Sách Có hẹn với thanh xuân. Ảnh: Bửu Nguyễn.

Nhà thơ Đào Đức Tuấn cho rằng nguồn cảm hứng cho tác phẩm Có hẹn với thanh xuân của Cao Vĩ Nhánh xuất phát từ những ký ức, những rung động, những khát vọng, những trải nghiệm của tác giả về cuộc sống, về tình yêu, về gia đình, về quê hương, đất nước và chính những trải nghiệm ấy đã tạo nên chất liệu phong phú cho tác phẩm của tác giả.

“Dòng sông Ba bao dung và rộng lượng cứ thao thiết chảy cuốn trôi đi bao hoài niệm tuổi thơ cùng những gì cay đắng nhất của đời người. Cha tôi bỏ đi; mẹ tôi, người con gái thị thành chưa một ngày dãi nắng dầm sương, phải ngày lại ngày chèo đò đưa khách sang sông” (Mẹ và dòng sông).

“Tôi chỉ ước cho thời gian quay ngược trở lại, để được trở về nhà những mùa Tết rộn ràng hạnh phúc ấu thơ, vì cũng chỉ có Tết mới đoàn viên đầy đủ bốn chị em tôi. Những cái Tết khi tôi đã lớn, các anh chị có cuộc sống riêng, thường quanh đi quẩn lại chỉ có hai mẹ con” (Thương nhớ Tết xưa). Đọc đến đây, ta bỗng thấy đâu đó lời thơ của Yến Lan ngày trước “Khế chua chị nấu lá mồng tơi / Em ước cùng ăn đến trọn đời / Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục / Chị đi - bát đũa cũng mồ côi”.

Với Sài Gòn, anh phải thốt lên “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”. Thật vậy, mưa không có then chốt mà có thể lưu chân khách. Có lẽ quá ngỡ ngàng trước mưa phố thị mà anh đã thổn thức: “Tại sao em thích mưa đến thế. Phải chăng bởi mưa cũng hồn nhiên và đôi khi khó hiểu như chính tâm hồn của thiếu nữ. Mưa thuần khiết và thánh thiện như trái tim con gái mới lớn. Đích thị mưa trong sáng và đầy tin cậy (Tên một cơn mưa).

Hay trong Mưa tháng sáu: “Lâu hơn mọi bữa Sài Gòn chiều nay mưa nhiều. Hàng me hôm nào ta qua đứng co ro, lạnh lẽo trong mưa. Có tiếng ai đó ném vào trong mưa: “Thằng đó khùng!”. Mặc kệ, trời mưa cứ một mình lang thang xuống phố để tắm mưa, để gột rửa, để tìm hương vị mưa đầu mùa. Để hít thở cùng cỏ cây…”

Với vùng đất mộng mơ thì :“Mưa hiện diện mọi nơi nhưng lạ lùng thay, chỉ ở Đà Lạt, mưa mới khiến người ta chạm đến nỗi buồn trong trẻo rất riêng. Cũng như khói sương bảng lảng, thông reo bốn mùa, mưa như một thứ gia vị làm đậm đà hơn chất mộng mơ cho xứ sở sương mù. Không rào rạt như mưa xứ biển, không dồn dập như mưa phương Nam, mưa Đà Lạt cứ nhẹ nhàng, miên man tựa một lời tỉ tê…” (Có hẹn với Đà Lạt).

Xa hơn về phương Nam, cái tình của Cà Mau bỗng trở nên đậm đà. “Dường như sống giữa bao la trời bể, họ học cách thương nhau để không lạnh lẽo, cô độc. Tính cách nghiêng về gam màu đậm. Thương là thương lún thương lụn, nhớ là nhớ da nhớ diết, sầu là sầu não sầu nuột. Cái cách yêu thương của họ nồng nã, hết mình chứ không dè sẻn, nửa vời. Ta thương sao những con người” (Về Cà Mau nghe em).

Sinh năm 1982 tại Phú Yên, Cao Vĩ Nhánh tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng không trở thành giáo viên. Anh trải qua nhiều công việc khác nhau rồi về Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Dù cuộc sống mưu sinh có khó khăn, đam mê sáng tác vẫn luôn là niềm tin và hy vọng của anh.

Nói như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, “Tác giả Cao Vĩ Nhánh hoạt động văn nghệ ở Phú Yên. Giới hạn địa bàn sáng tạo và bản tính cá nhân hiền lành không cho phép anh tung tẩy chữ nghĩa ra khỏi biên độ nhất định. Vì vậy, tác giả Cao Vĩ Nhánh chấp nhận những đoản khúc ngăn ngắn cho hành trình của mình, như những món quà nho nhỏ của số phận. Đấy cũng là một sự chọn lựa. Đấy cũng là một thái độ sống”.

Vẫn vững chãi kiên trì chậm bước giữa thời cuộc ào ạt như thác đổ này, Cao Vĩ Nhánh có lần tự nhận: “Trong những trang tản văn của tôi không ồn ào với lối viết đầy cái tôi, không lên gân với nỗi buồn nhân thế, tôi chọn lối viết nhẹ nhàng, thiên về chất thơ, đôi lúc là những chiêm nghiệm về cuộc sống an nhiên. Nhiều bạn đọc nhận xét những trang viết của tôi không khiến độc giả ưu tư hay dằn vặt, ở đó bàng bạc không khí tinh khôi, trong trẻo”.

Bài viết của độc giả Bửu Nguyễn, được gửi từ hòm thư "buu...writer@gmail.com".

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bửu Nguyễn

Bạn có thể quan tâm