Không nhiều người thành thị biết dơn thóc - loài hoa chỉ nghe cái tên cũng thấy chất phác. Đôi chỗ, người ta gọi nó là hoa dơn lúa, cũng thân thương không kém. Loài hoa từng mọc dại ven đường, ven núi vùng Hoàng Liên hay Đà Lạt. Mùa hoa nở, cả một vạt núi trổ màu cam đỏ, sáng rực giữa màu mây trắng và nền cây xanh.
Tháng 9 này, đỉnh Fansipan nở một cánh đồng hoa dơn thóc. Đó không phải điều ngẫu nhiên.
“Người ta bảo với sương gió ở trên đó, không loài cây nào sống được, chỉ có hoa đỗ quyên và trúc lùn. Tôi vẫn nuôi niềm tin rằng kiểu gì cũng phải có loài hoa phù hợp. Chúng tôi đã thử nghiệm hàng trăm loài hoa trên đỉnh Fansipan”, anh Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch vùng Tây Bắc của Sun Group, nhớ lại.
Họ thử, thất bại, lại thử. Từ những loài hoa nhập xứ lạnh đến loài bản địa, không biết ở lần thứ bao nhiêu, họ tìm thấy hoa dơn thóc. Hàng trăm nghìn tấn đất được “cõng” lên đỉnh núi và đổ xuống nơi chỉ có đá xanh. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một cánh đồng dơn thóc mọc lên trên đỉnh Fansipan, nơi khí hậu khắc nghiệt, chỉ có hoa đỗ quyên và trúc lùn có thể trụ lại.
“Hoa dơn thóc mọc thấp, giống như cỏ, gió mạnh cũng không quật ngã được”, anh Chiến mô tả về loài hoa như bông lúa màu cam. Cánh hoa đó chỉ là chi tiết tô điểm cuối - như một biểu tượng - cho biết bao nhiêu dấu ấn mà những người như anh Chiến đã đặt lên các vùng đất trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Anh Nguyễn Xuân Chiến gia nhập Sun Group năm 2015, ở thời điểm tập đoàn đang triển khai dự án Fansipan Legend. Trước đó, anh chủ yếu làm việc tại các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới.
“Phỏng vấn xong tôi cũng chưa quyết định hoàn toàn. Lúc đó, tôi muốn xem tập đoàn đầu tư tại Sa Pa như thế nào. Mình đang ở Hà Nội mà gọi lên vùng sâu vùng xa, tù mù, cũng phải tìm hiểu”, anh Chiến kể.
Tuy vậy, ấn tượng của nhân sự mới này trước “công trình vĩ đại” - cách gọi của chính anh Chiến - trên đỉnh Fansipan đã đập tan tất cả. Cáp treo Fansipan, công trình từng khiến những công ty cáp treo lớn trên thế giới phải ngần ngại khi băng qua một vùng gió quật và tuyết rơi, khiến anh Chiến chỉ còn nghĩ về việc làm thế nào để cống hiến được cho mảnh đất này.
Những ngày tháng sau đó là thời gian xây dựng hạ tầng, dịch vụ cho Sun World Fansipan Legend.
“Có ngày, khách chỉ đếm theo đầu ngón tay”, anh Chiến nhớ về những mùa thấp điểm du lịch đầu tiên. Nhiều nhân sự tuyển dụng vào chưa nói sõi tiếng Kinh. Chính sách tuyển dụng ưu tiên cộng đồng bản địa của Sun Group tạo ra một cuộc “huấn luyện” mà anh chưa bao giờ trải qua trong đời làm dịch vụ.
“Thời gian đầu, những buổi đào tạo giống như huấn luyện trong quân đội vậy. Mình phải tuýt còi, cầm thước để chỉnh cho các bạn đứng thẳng, đi đúng, nhìn thẳng, chào khách, 15, 30, 45 độ.
Song chính sự chịu thương, chịu khó của các bạn cũng lại truyền động lực cho mình. Ở những nơi sương gió, vất vả như thế, các bạn vẫn không bỏ cuộc. Các bạn vẫn tươi cười. Những gì mình dạy, truyền thụ, các bạn luôn thực hiện thật tâm nhất”, anh nhớ lại.
Và rồi chỉ sau mấy năm, bỗng nhiên người đàn ông thành thị phải thú nhận rằng đi đâu cũng thấy nhớ Sa Pa, chỉ mong chóng được quay về với Tây Bắc: “Nó giống như cuộc sống của mình, hơi thở của mình vậy”.
Với anh Hoàng Minh Vỷ - Phó tổng giám đốc Khối Xây dựng Sun Group, hơi thở và cuộc sống dễ nhận ra hơn trong những dự án. Công trình đầu tiên mà anh Vỷ cùng kiến tạo là Novotel Danang Premier Han River - khách sạn đầu tiên được quản lý bởi Accor ở thành phố bên sông Hàn. Ngay khi công trình mọc lên, đứa con gái nhỏ đã biết chỉ cho người quen: “Khách sạn do ba con xây”.
Để có niềm tự hào nhỏ ấy lại là nhiều thử thách khác. Novotel Danang Premier Han River xây ở giai đoạn kinh tế đang khủng hoảng, quãng năm 2011. Ngành xây dựng khi ấy đói vốn. Anh Vỷ, ngày đó làm trưởng ban thanh quyết toán, vẫn nhớ những ngày cận Tết ngồi ở ngân hàng chờ đợi, hối thúc để có tiền trả cho đối tác, nhà thầu.
Trong quãng thời gian làm quản lý dự án, từ Đà Nẵng đến Phú Quốc, có rất nhiều giai đoạn anh Hoàng Minh Vỷ thú nhận rằng mình “mất trí nhớ tạm thời” vì căng thẳng.
Anh lấy ví dụ thời điểm xây dựng Sky36, bar sân thượng cao nhất Việt Nam, chỉ kéo dài trong vỏn vẹn 3 tháng. “Áp lực công việc khiến có những ngày, mình đi xe máy mà không biết đang đi đâu”, anh Vỷ tâm sự.
Giai đoạn khai mở những dự án ở Phú Quốc, anh cũng không dám tự lái xe: “Nhất là ở thời điểm các dự án sắp về đích, mình suy nghĩ về nó rất nhiều, suy nghĩ về cách hoàn thành được mục tiêu”.
Thời điểm cuối năm, anh Vỷ đang ở trong một giai đoạn như thế. Việc thi công Cầu Hôn của KTS Marco Cassamonti - công trình được dự đoán là biểu tượng tương lai của du lịch Phú Quốc - đang trong quãng nước rút. “Tuy nhiên, sau tháng 6, bờ biển phía tây của đảo có sóng mạnh. Chúng tôi đang phải thi công kiểu du kích”, anh nói.
Họ đồng ý với nhau ở một điểm: Đồng lương không phải là thứ làm nên tất cả động lực đó.
Một ngày cuối năm 2016, anh Nguyễn Xuân Chiến đứng trước phòng cấp cứu của bệnh viện Sa Pa, mắt nhìn lên trời trống rỗng. Phía bên trong, đứa con trai thứ hai đang cấp cứu. Vợ anh đứng bên cạnh gào khóc. Hôm ấy, đứa trẻ bỗng co giật, sùi bọt mép, gặp vấn đề về hô hấp nặng. Họ không đủ thời gian đưa con về bệnh viện tuyến tỉnh hay Hà Nội, chỉ biết đưa vội cháu vào bệnh viện Sa Pa và cầu nguyện.
“Lúc đó mình nghĩ, quyết định đưa gia đình mình lên đây có đúng hay không. Dù yêu tập đoàn hay yêu đất nước đến đâu, nếu con ra đi, mình sẽ ân hận cả đời”, người cha nghĩ.
Khi anh Chiến đưa cả gia đình lên Sa Pa, họ hàng hai bên đã phản đối. Song, đó là những ngày tháng thử thách nhất của dự án Sun World Fansipan Legend khi cáp treo mới được khai trương chưa lâu, chưa có khách và hạ tầng dịch vụ chưa hoàn thiện.
Với tư cách chỉ huy, anh Chiến muốn toàn tâm toàn ý với dự án nhưng ở tư cách người chồng, người cha, anh cũng muốn có thời gian chăm sóc gia đình.
Rất may, sau khi bác sĩ tiêm thuốc, cháu thở lại được bình thường. Những suy nghĩ tiêu cực không trở thành hiện thực.
Trong hành trình “làm đẹp những vùng đất”, các thành viên Sun Group hơn một lần phải đối mặt với phút xao lòng. Việc hy sinh thời gian dành cho cá nhân, gia đình là một phần gần như tất yếu của công việc khi những vùng đất cần “làm đẹp”, cần hạ tầng để phô bày tiềm năng lại xa xôi như Sa Pa, Phú Quốc.
Anh Hoàng Minh Vỷ vẫn nguyên cảm giác về những lần con đau ốm, không thể về thăm. Là người phụ trách các dự án ở Phú Quốc của Sun Group, trực tiếp chỉ huy hàng trăm con người, anh không thể về đất liền liên tục. Vợ con vẫn ở Đà Nẵng, anh Vỷ chỉ có thể về nhà vài ba tháng một lần.
“Tôi tự hỏi mình chịu vất vả như thế có đáng không”, anh Phạm Đức Hùng, ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Khối Xây dựng Sun Group, nhủ lòng khi chứng kiến những sự cố diễn ra.
Áp lực về thời gian, khối lượng công việc, cuộc sống xa gia đình đã nặng nề, công việc lại không phải cứ cố là xong. Có lần, một hạng mục rất lớn của công trình cáp treo Fansipan gặp sự cố trong quá trình xây dựng. Hạng mục được làm theo công nghệ của nhà thầu lớn nhất thế giới nhưng “ngay cả đối tác Tây cũng không thể tính hết được”.
Chứng kiến nỗi khổ, sự vất vả của anh em đồng nghiệp, những giây phút khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua ở thời điểm đó, anh tự hỏi mình có thể đi tiếp con đường này không.
“Cũng có lúc xao lòng nhưng mình vẫn phải vượt qua. Mình còn trách nhiệm với những cán bộ của mình”, anh Hùng quả quyết.
Những chỉ huy công trường trên đảo, trên núi của Sun Group không chỉ có trách nhiệm phải nghĩ cho bản thân, phía sau họ là hàng trăm con người cũng đang sống xa gia đình và cùng đi theo tiếng gọi của sứ mệnh xây lên công trình lớn cho đất nước và cả sức nặng lời hứa với lãnh đạo, địa phương.
Thứ giữ chân họ không phải đồng lương. Đó là sự gắn bó, quan tâm và động viên nhau vì một niềm tin chung. “Người dân Phú Quốc rất trân trọng mình, vì mình làm đẹp vùng đất của họ. Trách nhiệm của mình giờ đây không chỉ là với tập thể mà còn với cả địa phương. Đó là dòng máu của Sun Group”, anh Vỷ nói.
Khi trồng hồng leo tặng thị xã Sa Pa tại khu vực bờ hồ, anh Chiến và đồng nghiệp đã nghĩ đến ngày hôm nay. Các giàn hoa hồng leo bung nở rực rỡ và lan tỏa tình yêu đến mọi người. Từ những giàn hoa đầu tiên đó, người dân địa phương cũng bắt đầu trồng hoa hồng, khiến Sa Pa đâu đâu cũng thấy hoa hồng leo nở rộ, đẹp mắt.
“Năm vừa rồi tổ chức lễ hội hoa hồng, chính quyền và người dân rất hưởng ứng. Các đơn vị kinh doanh đều lấy đó làm tư liệu truyền thông. Họ còn đóng góp hoa hồng miễn phí để làm bức tường hoa mà không phải mua thêm”, anh Chiến hào hứng khi nhắc đến điều mình đã làm ở Sa Pa.
“Tôi đã chung tay làm đẹp cho vùng đất bằng chính những cành hoa nhỏ bé”, anh nói.
Những cánh hoa không chỉ là biểu tượng của phong cách làm du lịch mới, bài bản hơn, tạo ra giá trị cho điểm đến mà còn truyền cảm hứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn về cách làm du lịch bền vững, lan tỏa.
Anh Chiến nhớ lại thời mới làm chương trình kích cầu du lịch “Đến Sa Pa, bay giữa mùa hoa”, rất nhiều khách sạn, doanh nghiệp trên địa bàn không đồng ý tham gia. Anh phải nhờ bạn bè, người quen cùng vận động. Số lượng ban đầu chỉ 11 đơn vị tham gia, rồi 20, 30 và dần dần lên tới 60 đơn vị. Có thể nói, những cánh hoa nhỏ bé đã gắn kết các doanh nghiệp du lịch Sa Pa trong một tinh thần mới.
Giờ đây, Sa Pa nói riêng, Lào Cai nói chung đã ở một vị thế khác nhiều so với ngày đầu tiên anh Chiến đến. Năm 2019, tỉnh Lào Cai đón hơn 5,1 triệu lượt khách, doanh thu tương ứng hơn 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2015 - thời điểm chưa có cáp treo Fansipan. KDL Sun World Fansipan Legend mới đi vào hoạt động 6 năm nhưng tới 3 lần được World Travel Awards vinh danh.
Còn anh Vỷ đến giờ vẫn nhớ khoảnh khắc đứng ở mũi Ông Đội (Phú Quốc). Lần đầu tiên chàng trai quê miền Trung nhận ra mình yêu thiên nhiên đến mức nào: “Ngày bé tôi chưa cảm nhận tình yêu với thiên nhiên. Cho đến khi làm dự án ở Phú Quốc, tôi mới cảm nhận rõ vẻ đẹp của đất nước này và mong muốn được tôn vinh nó”.
Đó cũng là lý do người chỉ huy dự án tuyệt đối tuân thủ việc bảo tồn từng cái cây, phiến đá trên hiện trường - một tinh thần chung của Sun Group.
Giờ đây, mảnh đất Phú Quốc mà anh Vỷ và đồng đội đem lòng yêu mến, dốc sức làm đẹp, đã trở thành điểm đến ao ước của nhiều du khách trong nước, quốc tế. Từ con số chưa đến 1 triệu lượt khách vào năm 2015, đến năm 2019, Phú Quốc đón hơn năm triệu lượt khách.
Ngay cả trong năm 2020, khi mà dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, Phú Quốc vẫn được coi là điểm đến an toàn nhiều người yêu thích. Giải thưởng World's Best Awards 2022 của tạp chí Travel & Leisure mới đây gọi tên Phú Quốc ở Top 25 hòn đảo hàng đầu thế giới. Đảo ngọc là đại diện duy nhất của Việt Nam ở hạng mục này.
Anh Chiến, anh Hùng hay anh Vỷ đều nuôi những tầm nhìn xa hơn, không chỉ cho bản thân mình mà cho những mảnh đất họ coi là “cuộc sống và hơi thở”.
“Chúng ta có quy hoạch bài bản, sắp tới chúng ta sẽ mở rộng đường, xử lý nước biển, nước thải... Tôi nghĩ trong thời gian tới, Sun Group hoàn toàn có thể làm được nhiều dự án ấn tượng, đặc biệt cải thiện môi trường”, anh Vỷ nghĩ về bức tranh đảo ngọc trong tương lai.
“Chúng ta hoàn toàn có thể khiến đảo Phú Quốc không thua kém gì Singapore”, anh quả quyết.