Những trận đấu đầu tiên tại World Cup 2014 đi kèm với làn sóng chỉ trích trọng tài xuất phát từ những quyết định thiếu chính xác của các vị vua sân cỏ. Một ví dụ khá tiêu biểu của điều này là việc trọng tài người Nhật Bản Nishimura bị “ném đá” tơi bời sau khi thổi quả penalty tưởng tượng cho Brazil trong trận khai mạc gặp Croatia.
Sai sót của trọng tài Nishimura thuộc về lỗi nhận định nên có thể được thông cảm. |
Tuy vậy, xuất phát từ góc nhìn của một người làm chuyên môn, giám sát trọng tài của VFF Đoàn Phú Tấn đánh giá: “Ở nước ngoài, họ không gắn lỗi nhận định của trọng tài với vấn đề tư tưởng như Việt Nam ta. Nên sai sót của trọng tài được nhìn nhận là chuyện hết sức bình thường, dù thỉnh thoảng đối với các đội thua cuộc hay với các cổ động viên thì nó luôn là một vấn đề hết sức trầm trọng”.
Thế nhưng kể cả khi châm chước với lỗi nhận định của các vị vua sân cỏ ở World Cup, chuyên gia được ví là thầy của các trọng tài Việt Nam cho rằng, các trọng tài ở đẳng cấp cao của FIFA vẫn mắc phải những sai lầm rất khó tha thứ.
Chuyên gia Đoàn Phú Tấn cho rằng các trọng tài ở đẳng cấp cao của FIFA vẫn mắc phải những sai sót khó chấp nhận. |
Ví dụ đầu tiên được chuyên gia Đoàn Phú Tấn phân tích là trường hợp trọng tài người Anh Howard Webb điều khiển trận đấu Colombia – Bờ Biển Ngà. Trong trận đấu này, ông Howard Webb đã có hành động dẫn cầu thủ Colombia rời khỏi sân khi đang dẫn trước Bờ Biển Ngà 2-0.
Chuyên gia Đoàn Phú Tấn nhận xét đấy là một hành động không cần thiết vì: “Khi một cầu thủ được thay ra, nếu đội ấy đang dẫn điểm, hầu như ông trọng tài nào cũng làm động tác thúc giục, thậm chí kèm sát người ta ra tới đường biên dọc. Đấy là một hành động bắng nhắng nhằm lấy lòng đội đang thua nhưng vô tình đã thể hiện sự thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng cầu thủ”.
Trọng tài Howard Webb dẫn cầu thủ Colombia rời sân giống như một cách lấy lòng Bờ Biển Ngà đang bị dẫn 0-2. |
Giải pháp được đưa ra trong trường hợp này, theo chuyên gia Đoàn Phú Tấn là: “Nếu cầu thủ tỏ ra lề mề, lộ rõ ý định kéo dài thời gian mới cần phải nhắc. Nếu cần có thể sử dụng thẻ nhưng đừng áp tải người ta như áp tải tù nhân. Việc tốn bao nhiêu thời gian, bù bao nhiêu thời gian hoàn toàn do trọng tài quyết định, cầu thủ có quyết định được đâu”.
Ví dụ thứ hai được chuyên gia Đoàn Phú Tấn phân tích là trận đấu Argentina – Iran được điều khiển bởi trọng tài người Serbia, Milorad Mazic. Trong trận đấu này đã xảy ra tình huống tiền đạo Sergio Aguero bên phía Argentina do khống chế bóng không như ý nên nhổ cột cờ phạt góc ném xuống sân, còn trọng tài Milorad Mazic thì chạy từ gần giữa sân xuống để… lắp lại.
Trọng tài Milorad Mazic đã có hành động chạy từ giữa sân xuống góc sân lắp lại cột cờ bị cầu thủ nhổ lên. |
Ông Tấn dí dỏm bình luận về điều này: “Trọng tài dư sức quá, không hiểu làm như thế thì có được khen là nhiệt tình không?!”. Vị giám sát trọng tài của VFF tỏ ra nghiêm khắc với tình huống vừa nhắc: “Kỷ cương trên sân cần phải được duy trì! Cầu thủ làm động tác nhổ cột cờ là vô kỷ luật, chưa đến mức cảnh cáo nhưng trọng tài phải bắt anh ta tự cắm lại cột cờ, sửa chữa, khắc phục sai sót của mình. Nếu anh ta không đồng ý thì có thể rút thẻ vàng”.
Những phân tích hợp lý của chuyên gia Đoàn Phú Tấn nhận được sự tán thưởng của rất đông học trò của ông, những người đang làm nghề cầm cân nảy mực trên sân cỏ nội.
“Trọng tài cũng là con người nên mắc sai sót là chuyện bình thường”, còn trọng tài World Cup thì cũng không là siêu nhân nên không phải hành động nào của họ cũng được đưa vào sách giáo khoa bóng đá.