Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HLV ở V.League và muôn màu quản quân mùa World Cup

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang bước dần vào cao trào cũng là lúc các nhà cầm quân ở V.League như ngồi trên đống lửa bởi nỗi lo cầu thủ ‘bệnh’ ở giai đoạn nước rút.

Cầu thủ Việt Nam nhìn chung vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, rất dễ đánh mất mình nên hầu hết các đội bóng đều áp dụng chế độ “quân quản” trong mùa World Cup.

Hai HLV Huỳnh Đức và Hữu Thắng là những bậc thầy quản quân bằng triết lý "bàn tay sắt".

Sông Lam Nghệ An (SLNA) có thể xem là một ví dụ khá tiêu biểu của điều này. Vừa đá thắng Than Quảng Ninh chiều chủ nhật, trong khi các cầu thủ còn đang hí hửng chờ đợi phần thưởng là một buổi xả trại thì HLV Nguyễn Hữu Thắng ra lệnh: “Sáng mai tập bình thường!” khiến khuôn mặt đám học trò ỉu xìu.

Không phải Hữu Thắng khắt khe với cầu thủ! HLV trưởng của SLNA hiểu quá rõ những cạm bẫy đang chờ đợi các học trò của anh trong mùa World Cup mà đội bóng xứ Nghệ từng không ít lần phải trả giá trong quá khứ.

Ánh mắt tinh tường của cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam khiến anh nhận ra ngay cầu thủ nào ra sân tập có vấn đề, căn cứ vào thái độ tập trung của họ. Thế nên tăng cường độ luyện tập, thực hiện nghiêm giờ giấc sinh hoạt cũng chính là một cách bảo vệ cầu thủ trong mùa World Cup.

Ở SLNA ai cũng sợ Hữu Thắng giống như ở Đà Nẵng cầu thủ nào cũng sợ Huỳnh Đức. Ba câu hỏi mà đám học trò có nghĩa vụ phải trả lời thành thật trước mặt 2 nhà cầm quân là: “Đi đâu? Làm gì? Với ai?”. Nếu trả lời sai họ sẽ nhận hậu quả thích đáng.

Cựu tuyển thủ U23 Trương Đắc Khánh đánh mất cả sự nghiệp vì thói đỏ đen trong kỳ World Cup.

Vì xuất thân là cầu thủ, Hữu Thắng và Huỳnh Đức hiểu quá rõ những “ngón nghề” của đám hậu bối. 2 cựu danh thủ thuộc thế hệ vàng lại có rất nhiều mối quan hệ xã hội rộng rãi nên chỉ cần vài cuộc điện thoại là “vụ án” sẽ được phá ngon lành với tang chứng, vật chứng không thể chối cãi.

Tuy vậy, chiến thuật “bàn tay sắt” không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu. SLNA từng phải trả giá với trường hợp của cựu tuyển thủ U23 Trương Đắc Khánh ở World Cup 2010. Tài năng trẻ xứ Nghệ dính vào cá độ dẫn đến nợ nần chồng chất để rồi sau này mất luôn sự nghiệp.

Còn ở Đà Nẵng, chuyện một tuyển thủ bị kỷ luật xuống tập cùng đội trẻ và chỉ vừa mới được quay trở lại đá V.League cũng bị đồn đoán là do tiền vệ này dính vào thú đỏ đen.

Cũng có những đội bóng để chế độ “open” trong kỳ World Cup. Bình Dương có dạo được ví như “Chelsea Việt Nam” một phần vì tiền bạc và một phần là chế độ quản lý cầu thủ theo kiểu các CLB nước ngoài. Cầu thủ ngoại không phải ăn ở tập trung, còn các cầu thủ nội chỉ 2 ngày trước trận đấu mới phải điểm danh giờ ngủ.

Trung vệ Chí Công bị chém phải nhập viện.

Trong chu kỳ thành công, các nhà làm bóng đá ở đất Thủ từng có lúc tự tin rằng mô hình của họ là kiểu mẫu vì cầu thủ lĩnh lương cao nhất nhì V.League thì đương nhiên sẽ song hành cùng ý thức chuyên nghiệp.

Song Bình Dương đã phải trả một cái giá khá đắt vì World Cup 2010. Đang băng băng về đích thì bất ngờ là sau quãng nghỉ tránh World Cup, Bình Dương bỗng chững lại rất khó hiểu và để cho Hà Nội T&T vượt lên trong cuộc đua vô địch.

Sang năm sau, trung vệ Chí Công trên đường đi tập về đã bị một nhóm người tấn công bằng dao và vụ việc đến giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ. Song cũng có những nghi ngờ về việc đấy là hậu quả của những “thú vui” nhân dịp ngày hội bóng đá trên đất Nam Phi.

Một đội bóng khác cũng không đi theo xu hướng “bàn tay sắt” là HAGL. Thành phố Pleiku cách biệt với bên ngoài khiến những cánh tay nối dài của bầu Đức có lúc tin tưởng rằng cầu thủ của họ có thả ra ngoài cũng không biết đi đâu. Mặt khác, về cơ bản các cầu thủ của đội bóng phố núi cũng được đánh giá là lành.

Các cầu thủ HAGL đang thể hiện sự rệu rã, bạc nhược trong lối chơi vào đúng kỳ World Cup.

Tuy vậy, sau sự cố xảy ra với một hậu vệ trụ cột trong kỳ Euro 2012 khiến cầu thủ này bị thanh lý hợp đồng và chuyển xuống chơi cho Cần Thơ ở giải hạng Nhất, ban lãnh đạo và ban huấn luyện HAGL đã không còn có thể tự tin trong công tác quản quân như trước.

Sự uể oải và bạc nhược mà HAGL thể hiện trong trận thua tan nát trước Đồng Nai ngay trên sân nhà chiều qua khiến nhiều cổ động viên đặt ra câu hỏi liệu nó có liên quan gì đến World Cup? 

Liên tưởng đến nhiều ví dụ tai tiếng khác sa đà vào tệ nạn dẫn đến mất nghiệp như Như Thành, Huy Hoàng, Công Danh, Ngọc Huy, Phong Hòa..., các HLV đều có chung nhận định rằng nếu quản quân không khéo thì CLB chắc chắn sẽ phải trả giá đắt. Một ví dụ vẫn còn nóng hổi là vụ án cá độ và dàn xếp tỷ số ở Ninh Bình, đội bóng đã buông lỏng quản lý cầu thủ trong thời gian dài.

Phương pháp quản lý của Hà Nội T&T là phòng chống từ xa.
Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội chia sẻ: “Không thể cấm cầu thủ xem World Cup vì không ai đủ sức theo dõi họ suốt cả đêm được. Thậm chí, cấm họ cá độ vài “quả” mang tính chất vui vẻ giao lưu cũng không xong. Với môi trường bóng đá hiện tại, những hành động cấm đoán như vậy rất dễ phản tác dụng vì nó bị xem là động chạm đến quyền tự do riêng tư”.

Bài học thành công của Hà Nội T&T trong vài năm qua gắn liền với việc xây dựng được một môi trường khá chuyên nghiệp trong quản lý cầu thủ. Ông Nguyễn Quốc Hội nói tiếp: “Đợi đến World Cup mà phòng chống thì muộn! Bí quyết của Hà Nội T&T là xây dựng hàng ngày, hàng giờ để cầu thủ thấm nhuần ý thức chuyên nghiệp; có luyện tập tốt, thi đấu tốt thì mới có những chế độ đãi ngộ tốt. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất khiến cầu thủ tự giác tránh xa tệ nạn và giữ gìn sức khỏe, phong độ cho bản thân”.

Từ tuyển thủ U23 quốc gia thành bảo vệ

Thời đỉnh cao, Đắc Khánh từng được đề nghị chuyển nhượng với phí lót tay 5 tỷ đồng nhưng cơn say đỏ đen khiến anh lâm vào cảnh nợ nần và bị chủ nợ truy đuổi.

Hoàng Minh

Bạn có thể quan tâm