Ngày 6 và 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa nhậm chức chưa tới 10 tuần, sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã trau dồi chiến lược về Mỹ kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2013.
Các quan chức Trung Quốc chú ý đến những tình huống phát sinh nếu ông Trump trao đổi về những điều không nằm trong kịch bản, trong khi các quan chức Mỹ quan ngại rằng ông Trump có thể chưa sẵn sàng cho cuộc gặp mặt như Chủ tịch Tập.
Những điều gì có thể xảy ra trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có quá nhiều khác biệt về tính cách này?
Phong cách bắt tay của ông Trump
South China Morning Post cho biết phong cách bắt tay đầy sức mạnh của ông Trump đã được phân tích bởi các chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông muốn thống trị và cho thấy ông là ông chủ.
"Việc vỗ tay đối phương sau khi bạn đã nắm lấy, bắt tay và không để cho họ thả tay ra cho thấy mong muốn tiếp tục bắt nạt đối phương, mỗi cái vỗ tượng trưng cho câu 'tôi đánh này, tôi đánh này'", Patti Wood, huấn luyện viên ngôn ngữ cơ thể người Mỹ, phân tích cách bắt tay của ông Trump.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã "mắc kẹt" trong cú bắt tay kéo dài, không mấy thoải mái với ông Trump tại Nhà Trắng vào tháng 2. Đến tháng 3, ông Trump lại dường như phớt lờ đề nghị bắt tay của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp.
Cái bắt tay gây bối rối giữa ông Trump và Thủ tướng Abe tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, ông Trump chắc chắn không phải là nhà lãnh đạo duy nhất tìm cách gửi thông điệp thông qua việc bắt tay.
Nhiều người hẳn còn nhớ vẻ mặt "không biểu cảm" của Chủ tịch Tập Cận Bình khi bắt tay với ông Abe tại hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 11/2014. Đây được xem là lần ông Tập tỏ thái độ lạnh nhạt nhất xuyên suốt hội nghị. Trước đó, Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Điều gì thay thế ngoại giao sân golf?
Hoạt động ngoại giao sân golf, như chuyến thăm của ông Abe tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida vào tháng 2, sẽ không diễn ra. Chủ tịch Tập Cận Bình xem việc chơi golf là vỏ bọc của những giao dịch mờ ám và đã cấm các quan chức chơi môn thể thao này. Đây là một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng tại Trung Quốc.
Ông Trump chơi golf với Thủ tướng Abe hồi tháng 2 tại Florida, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Tập và ông Trump cũng khó có khả năng cụng ly với nhau. Mặc dù ông Tập đã cùng uống bia với cựu thủ tướng Anh David Cameron vào năm 2015, hoạt động này sẽ không thể áp dụng với ông Trump, người được cho là đã từ bỏ bia rượu kể từ cái chết của anh trai ông vì bệnh liên quan đến rượu vào năm 1981 ở tuổi 43.
Ông Leow Chee Seng, giáo sư về giao tiếp và hành vi phi ngôn ngữ tại Học viện Hành vi Con người ở Malaysia, nói với SCMP rằng ông Tập Cận Bình nên tặng quà là trà và hai nhà lãnh đạo nên giảm thiểu nguy cơ rơi vào cảnh khó xử bằng cách hạn chế hoạt động xã hội.
Cuộc gặp của hai đệ nhất phu nhân
Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện, từng là ca sĩ nổi tiếng của quân đội Trung Quốc, sẽ đi cùng Chủ tịch Tập trong chuyến thăm Mỹ lần này. Mặc dù phần lớn chi tiết về lịch trình ở Florida được giữ kín, bà Bành và ông Tập được cho là sẽ dùng bữa với ông Trump và đệ nhất phu nhân Melania vào thứ năm.
Bà Bành Lệ Viện đã trở thành một nhân vật quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu kể từ năm 2013. Báo China Daily của Trung Quốc từng so sánh bà Bành với cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, gọi họ là những biểu tượng của vẻ quyến rũ, "không bị lu mờ bởi những người chồng mạnh mẽ của họ".
Bà Bành Lệ Viện (trái) từng là một ca sĩ trong khi bà Melania Trump là một cựu người mẫu. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, bà Melania, một cựu người mẫu, hầu như luôn vắng mặt kể từ khi chồng bà lên nắm quyền hôm 20/1. Bà dành phần lớn thời gian ở New York, chăm sóc cậu con trai 11 tuổi Barron.
Tuy nhiên, bà đã tổ chức một bữa trưa sang trọng tại Nhà Trắng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ vào tháng trước. Tuần trước, bà tham dự một sự kiện tại Nhà Trắng dành cho các thượng nghị sĩ và bạn đời của họ. Bà cũng thuê một giám đốc truyền thông cho mình là Stephanie Grisham.
Một bài hát tiếng Trung từ cháu gái của Trump?
Vào tháng 2, khi nhiều người tự hỏi tại sao ông Trump không tuân theo tiền lệ và gửi một lời chúc Tết Nguyên Đán cho cộng đồng người Hoa tại Mỹ, "đại tiểu thư" Ivanka Trump đã bất ngờ tới thăm Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington cùng con gái Arabella Kushner 5 tuổi.
Ivanka cũng đăng lên Instagram video bé Arabella hát một ca khúc chúc mừng năm mới bằng tiếng Trung phổ thông. Trong đoạn video, cô bé lắc lư, cầm một con rối múa lân màu đỏ điều khiển bởi các sợi dây.
Bé Arabella xuất hiện trong đoạn video đọc thơ Lý Bạch. Ảnh chụp từ clip. |
Ái nữ của ông Trump cũng từng đăng đoạn video bé Arabella đọc thơ Lý Bạch khiến cư dân mạng Trung Quốc thích thú. Theo Daily Mail, Arabella đã học ngôn ngữ này từ khi cô bé 18 tháng tuổi.
Vậy lần này, liệu Arabella sẽ hát một bài hát tiếng Trung với đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện? Ngoại giao ca hát có thể làm nên những điều kỳ diệu với quan hệ song phương tựa như ngoại giao bóng bàn từng đem đến bước ngoặt trong quan hệ Trung Mỹ vào đầu những năm 1970?