Lãnh đạo hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) vào ngày 6 và 7/4 tới. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập dự kiến thảo luận các vấn đề từ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đến việc giao thương hai nước.
Với một vị tổng thống khó đoán như ông Trump, các nhà quan sát đã nhìn vào các cộng sự của ông để dự đoán về cuộc gặp sắp tới.
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Trump sẽ là địa điểm cho cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo. Ảnh: Reuters. |
Khi con rể cạnh tranh với ngoại trưởng
Về phía Mỹ, nhân vật được cho có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump là Jared Kushner, con rể và đồng thời là cố vấn cấp cao của tổng thống.
Trước khi cha vợ vào Nhà Trắng, Kushner không có chút kinh nghiệm chính trị nào. Dù vậy, trong 2 tháng đầu cầm quyền của ông Trump, Kushner chính là người đã cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải sắp xếp cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập.
Ông Trump, vốn gây căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh sau khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, đã hứa với ông Tập sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc".
Trước cuộc gặp sắp tới, New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết chính Kushner và Đại sứ Thôi là người đã chọn Mar-a-Lago. Cũng chính ông Thôi đã gửi đến cố vấn Kushner bản dự thảo tuyên bố chung sau cuộc gặp. Sau đó, Kushner đã chuyển dự thảo này đến Ngoại trưởng Rex W. Tillerson.
Báo chí phương Tây nhận định Kushner đang là người được Tổng thống Trump lắng nghe trong các vấn đề đối ngoại. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Trump cũng tiết lộ Ngoại trưởng Tillerson đã nắm vai trò lãnh đạo trong hoạch định chính sách, ra quyết định về chương trình nghị sự cho cuộc gặp tại Mar-a-Lago.
Chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 của Ngoại trưởng Tillerson được cho là khâu chuẩn bị quan trọng cuối cùng cho cuộc gặp Trump - Tập. Ông Tillerson đã có 30 phút nói chuyện với Chủ tịch Tập. Ngoại trưởng Mỹ sau đó bị chỉ trích vì lặp lại cụm từ "tôn trọng qua lại" và "giải pháp đôi bên cùng có lợi", vốn lấy từ thuật ngữ ngoại giao Trung Quốc và được diễn giải để áp đặt sự ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Biển Đông và nhiều khu vực tranh chấp khác.
Ngoại trưởng Tillerson gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho lần gặp gỡ của ông Trump và ông Tập. Ảnh: Reuters. |
Trong thời gian qua, quyền lực của Bộ Ngoại giao Mỹ bị suy yếu do nhiều vị trí chủ chốt vẫn phải để trống. Bản thân Ngoại trưởng Tillerson đang khá "kín tiếng". Tuy nhiên, các quan chức tiết lộ ông có cố gắng thắt chặt quan hệ với tổng thống bằng các bữa ăn trưa và ăn tối.
Nhóm cứng rắn trong Nhà Trắng
Một câu hỏi bị bỏ ngỏ trước cuộc gặp là những người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc đang đứng đâu sau sự kiện này. Ông Trump đắc cử tổng thống bằng lời hứa về một chính sách cứng rắn với Trung Quốc, trong đó có việc áp đặt thuế suất 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Người đứng sau chính sách này là chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen K. Bannon và Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro. Tháng 3/2016, Bannon từng nói trên sóng phát thanh rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ có chiến tranh trong 10 năm nữa liên quan đến xung đột tại Biển Đông. Trong khi đó, ông Navarro cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa cho nền an ninh Mỹ.
Chiến lược gia trưởng Bannon là người đàn ông quyền lực đứng sau rất nhiều chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump như lệnh cấm nhập cư nhưng chưa để lại nhiều dấu ấn trong các vấn đề đối ngoại. Ảnh: AFP. |
Về công khai, 2 nhân vật trên không can thiệp nhiều vào chính sách đối ngoại của Mỹ thời gian qua. Dù vậy, hôm 29/3, Tổng thống Trump đã cảnh báo trên Twitter rằng ông nghĩ cuộc gặp sắp tới với ông Tập sẽ "rất khó khăn" vì Mỹ sẽ không chịu "thâm hụt thương mại lớn" nữa.
Chính vì vậy, thái độ sắp tới của ông Trump sẽ làm sáng tỏ ai là nhân vật đang có lòng tin của tổng thống Mỹ nhất vào thời điểm này.
Những cố vấn của ông Tập
Về phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì là người có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, vượt Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông Dương được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị cuộc gặp.
Ngay từ đầu, Dương luôn thúc đẩy cho lãnh đạo 2 cường quốc sớm gặp nhau. Ông cũng là vị khách Trung Quốc đầu tiên đến Nhà Trắng sau khi ông Trump nhậm chức và đã có cuộc gặp 5 phút với tân tổng thống.
Gần đây, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nói rằng quan hệ Trung - Mỹ "đang chuyển hóa nhanh chóng và phát triển theo hướng tích cực".
Quan hệ Trung - Mỹ những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump còn có dấu ấn mạnh mẽ của Đại sứ tại Washington Thôi Thiên Khải. Ngay sau khi ông Trump nhậm chức, ông Thôi đã cảm thấy cần phải tiếp cận một nhân vật có tiếng nói trong Nhà Trắng, trong bối cảnh tổng thống thứ 45 của nước Mỹ luôn lớn tiếng sẽ cứng rắn với Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải. Ảnh: AFP. |
Khi tân Tổng thống Trump không gửi lời chúc mừng năm mới Âm lịch đến Chủ tịch Tập, phá vỡ truyền thống của người tiền nhiệm, Đại sứ Thôi đã ngay lập tức mời Ivanka Trump, con gái tổng thống, đến dự buổi tiệc năm mới tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington. Ông cũng thiết lập được một kênh giao tiếp không chính thức nhưng cực kỳ quan trọng với con rể tổng thống.