Nhà báo Đỗ Đình Tấn. Ảnh: Q.M. |
Trong tác phẩm "Câu view" & Kinh tế chú ý, tác giả Đỗ Đình Tấn viết rằng Benjamin H. Day, ông chủ của tờ báo lá cải New York Sun, là người đầu tiên bán "diện tích" trên trang báo cho nhà quảng cáo. Bằng cách này, ông ta bán nội dung (tin tức) cho độc giả cùng lúc bán sự chú ý (theo dõi) của họ cho nhà quảng cáo.
Khi biến độc giả từ người tiêu thụ (mua báo) sang thành sản phẩm để bán, Day đã chứng minh cho thấy một doanh nghiệp truyền thông có thể được xây dựng dựa trên việc bán lại sự chú ý để thu lợi nhuận.
Hơn hai thế kỷ sau, mô hình kinh doanh của Day được nhiều thế hệ bắt chước, từ mạng phát thanh và truyền hình đến các mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube, TikTok… Họ cũng có nhiều cách thức hơn, chẳng hạn, sự miễn phí.
Nhiều người dùng trong thời đại hiện nay thấm thía câu nói rằng: “Nếu sản phẩm miễn phí thì người dùng chính là sản phẩm”. Không lạ gì khi những công ty công nghệ, doanh nghiệp truyền thông có thể kiếm được lợi nhuận lớn nhờ lượng thông tin khách hàng sử dụng.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn là tác giả của Fake News & chống Fake News và Người kể chuyện trên báo. Trong cuốn sách mới đây - "Câu view" & Kinh tế chú ý, ông tiếp tục phân tích về cách mà các tổ chức hay cá nhân đã đẩy mạnh chiến lược quảng bá để thu hút sự chú ý của con người trên mọi nền tảng xã hội.
Tác phẩm "Câu view" & Kinh tế chú ý của tác giả Đỗ Đình Tấn. Ảnh: Q.M. |
Nhà báo Đỗ Đình Tấn mở đầu cuốn sách bằng cách đưa ra lịch sử xuất hiện của nền kinh tế chú ý. Từ những "diện tích" đầu tiên được bán cho nhà quảng cáo, cho đến sự xuất hiện của những nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay. Ông chứng minh rằng, các nhà buôn chú ý xưa và nay đều tìm cách thu hút và kiểm soát sự chú ý của chúng ta. Tuy nhiên, kinh tế chú ý mới chỉ được đem ra thảo luận trong thời gian gần đây. Đó là khi sự chú ý ngày càng có vai trò quan trọng đến mức chi phối và thống trị lãnh vực sản xuất - kinh doanh.
Với kinh nghiệm gần 40 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, cùng với nhiều nguồn tư liệu nghiên cứu, nhà báo Đỗ Đình Tấn đã chỉ ra góc khuất của các nền tảng mạng xã hội, những điều không thể nhìn thấy đằng sau các nội dung câu view. Ông cũng giải thích cách chúng được thiết kế để thuyết phục, lôi kéo sự chú ý của người dùng. Thậm chí, một số công nghệ được tạo ra nhằm thay đổi quan điểm, thái độ hoặc hành vi của người dùng.
Trong hàng trăm ngàn năm tiến hóa, con người đã tạo ra vô số công cụ. Phần lớn trong số chúng thường nằm “chết dí” một chỗ cho đến khi được sử dụng. “Thế nhưng, điện thoại lại là một công cụ thông minh, nghĩa là nó còn biết thông báo, đề nghị, khuyến dụ, thuyết phục và dẫn dắt bạn”, ông viết.
Sự chú ý của con người là một nguồn tài nguyên phi vật chất, không dễ nhận thấy. Nhưng bằng sự khéo léo và cách giải thích dễ hiểu, nhà báo Đỗ Đình Tấn đã phần nào giúp độc giả hiểu được bản chất của nền kinh tế chú ý và vì sao khái niệm “câu view” ngày nay trở nên phổ biến.
Phần cuối cùng trong sách mang tới thông điệp “cùng hành động cho lợi ích tốt nhất của con người”. Trong đó ông khẳng định không thể chối bỏ những lợi ích mà thời đại thông tin và kinh tế chú ý mang lại.
Thế nhưng, để chống lại những hậu quả tiêu cực mà nó gây ra, cần phải có tiếng nói và tác động đúng mực để thay đổi những gì không phù hợp. Ông cũng nhắn nhủ người đọc cũng cần xem xét một cách sâu sắc những thói quen đã có và tìm ra những cách mới để kết nối với những gì là quan trọng đối với mỗi người.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.