Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tờ báo trên tuyến lửa

Cùng Thông tấn xã và Đài phát thanh, báo Văn Nghệ, báo Quân Giải phóng miền Nam và các báo ngành, báo địa phương hình thành một mặt trận truyền thông.

Năm 1966, để thích nghi với tình thế mới, báo Giải Phóng, từ một cơ quan của Trung ương Mặt trận trở thành một Tiểu ban của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Nhà báo Kỳ Phương trở thành Ủy viên Ban Tuyên huấn, Trưởng tiểu ban báo Giải Phóng (B18) cùng hai thành viên là Thư ký tòa soạn Trần Tâm Trí và nhà báo Tịnh Đức (Trương Quang Lộc, nguyên Ủy viên Ban biên tập báo Lao Động).

Tòa soạn báo được tăng cường nhiều biên tập viên từ Tạp chí Thời sự Nhân Dân của Tiểu ban tuyên truyền (B1) và một số cán bộ từ các báo địa phương, các tiểu ban trong Ban Tuyên huấn. Về với gia đình Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, hoạt động của báo thuận tiện hơn nhiều so với hai năm trước đó.

Tòa soạn gần nhà in Trần Phú, máy in bán tự động, có bộ phận làm bản kẽm, tốc độ in nhanh, nhiều hơn máy tự chế bằng gỗ, kéo tay. Ban Tuyên huấn sẵn có cơ quan hậu cần, tiếp liệu, phát hành khá mạnh đủ sức hỗ trợ cho báo. Có máy móc tốt hơn, sản phẩm mới ra đời với chất lượng cao hơn: Báo Giải Phóng bộ mới, khổ nhật báo, 10 ngày một số, mỗi số từ 4-6 trang.

Cùng với Thông tấn xã và Đài phát thanh, báo Văn Nghệ, báo Quân Giải phóng miền Nam và các báo ngành, báo địa phương hình thành một mặt trận truyền thông, là tiếng nói chính thống, đối đầu với lực lượng truyền thông hùng hậu của phương Tây và Sài Gòn. Dĩ nhiên, các cơ quan truyền thông cách mạng trở thành một trong những mục tiêu đánh phá của quân Mỹ trong cuộc hành quân mang tên Junction City mùa khô 1966-1967.

Máy bay B-52, máy bay trực thăng, xe tăng và đại bác hạng nặng đã dọn đường cho trực thăng đổ quân. Chúng đã đến được Thông tấn xã, Đài phát thanh nhưng chỉ thấy rừng không nhà trống, trong khi các cơ quan truyền thông ấy vẫn hoạt động bình thường ở cơ sở dự bị và giữ vững tiếng nói qua làn sóng điện.

Riêng báo Giải Phóng, chúng bỏ qua tòa soạn, chỉ tập trung lực lượng không quân cơ giới và quân nhảy dù đánh chính xác vào nhà in Trần Phú, nơi in báo chỉ cách tòa soạn hơn cây số. Nhà in đã thành bình địa, máy in bị máy bay cẩu về Sài Gòn, chữ in bị nghiền nát dưới xích xe tăng.

Bao chi cach mang anh 1

Báo Giải Phóng bộ mới khổ nhựt báo, số 19/5/1968 đang được xếp, đóng gói trước khi phát hành. Ảnh: liệu gia đình Nguyễn Hồ - Minh Hiền.

Đội du kích của công nhân nhà in thuộc loại mạnh, chiến đấu kiên cường, diệt nhiều xe tăng Mỹ, nhưng trước sức mạnh áp đảo của vũ khí hiện đại, du kích phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Đội du kích của báo Giải Phóng ít và yếu vì người khỏe mạnh đã đi các chiến trường trọng điểm. Người ở lại làm báo, từ thủ trưởng đến nhân viên, là phụ nữ ốm đau và thanh thiếu niên thuộc diện bắt buộc phải sơ tán.

Đội du kích bám trụ giữ cơ quan chỉ có năm chiến sĩ 1 đều bị sốt rét tê phù và đặc biệt là chưa ai từng đánh giặc bằng súng. Sau trận càn Junction City, nhà in cần thời gian để phục hồi, báo Giải Phóng tạm ngừng in, tòa soạn tạm nhập về đài phát thanh để tác chiến trên làn sóng.

Tuy công việc của tờ “báo nói” tác chiến hàng ngày luôn bận rộn nhưng Hiền vẫn ước mơ một ngày không xa sẽ được trở về với báo in, khi báo Giải Phóng tập hợp lại. Từ Đài phát thanh Giải Phóng (B5) Minh Hiền viết nhiều thư cho nhà báo Kỳ Phương, người đã dìu dắt Minh Hiền đi một chặng đường quan trọng đầu tiên trong nghề báo.

Thư được hồi âm từ địa chỉ cơ quan Văn phòng Trung ương Cục ngày 25/11/1967, vào thời điểm các cơ quan trong địa bàn căn cứ đang âm thầm chuẩn bị xuống đường trước Xuân Mậu Thân 1968.

“Cháu Hiền thương,

Chú nhận được thư cháu 4-5 hôm rồi, đọc thư thấy Hiền lớn lên nhiều. Ba năm theo cách mạng, cháu đã đi một đoạn đường khá dài nhứt là biết nhìn vào tâm hồn mình và đã có nguyện vọng ước mơ đáng quý.

Chú rất mừng nghe tin Hiền công tác tích cực và quan hệ với tập thể tốt. Phải nói rằng, cái hăng say công tác không phải là một chuyện tự nó đến đâu, mà đó là kết quả của quá trình rèn luyện mình và quan hệ tốt với chị em không phải (là) tránh đụng chạm, không dám phê bình, nhưng tình bạn bền chặt chỉ có thể có qua quá trình giúp đỡ nhau phát huy cái tốt và sửa chữa những khuyết điểm sai lầm. Chú chỉ nhắc thêm Hiền điều đó.

Hiền đang làm tư liệu về QS, CT và BV (Quân sư, Chính trị và Binh vận), ghê đấy chứ. Nhưng hãy cứ lao vào mà làm. Vừa làm vừa học, nếu muốn trở thành nhà báo của miền Nam, gặp khó khăn không có chút nào dao động.

“Mỗi lần gặp chị Phụng là chú nói chuyện về Hiền, xem chừng chị ấy mê lắm, lúc nào cũng muốn biết xem em gái mình đã sống và lớn lên như thế nào qua mấy năm xa cách. Sáng nay, chú có dịp đi qua chỗ của Phụng ở, chú có hỏi Phụng có thích Hiền về ở gần không, mắt cô ta như cười lên, hỏi chú có được không?

Chú đang ở một nơi mọi việc chưa vào nề nếp, (tuy nhiên) chú sẽ xem coi có sách gì quý thì gởi cho Hiền và các chú bên ấy xem. Thôi nhé, xa B18 nhưng không lúc nào chú quên các cháu đâu, vì chú biết chú có phần trách nhiệm đối với tương lai các cháu, tương lai công tác và tương lai đời sống. Chúc Hiền khỏe mạnh, lúc nào cũng khiêm tốn học tập và tiến bộ nhanh, chắc chắn ngày tiến bộ không xa.

Thương mến

10 Phương Địa chỉ của chú: 66200 YK/B21 A5”

Một tháng sau, ngày 26/12/1967, ông Kỳ Phương viết cho Hiền bức thư thứ hai:

“Cháu Hiền thân mến,

Nghe tin Hiền đau phải đi B14 (bịnh xá) truyền máu, chú rất lo. Hôm nay cháu đã đỡ chưa? Có phải do sốt rét không? Liên, Gương (hai đồng đội nữ) ở nhà có viết thư cho chú, chắc là các cô ấy định giấu chú khi viết thư cho chú? Nên đến khi chú Bảy Kỉnh (Giám đốc đài Phát thanh Giải Phóng) sang bên này, chú hỏi thăm mới biết…

Lúc nào bịnh thì cũng phải có cố gắng của người bịnh. Xa nhà, thế nào cũng có buồn nhưng phải phấn đấu để vui, lạc quan mới chóng lành bịnh được. Ostrovsky viết Thép đã tôi thế đấy trên giường bịnh. Xem thế mới hiểu tinh thần quyết định nhiều lắm.

Chị Phụng có thăm chú mấy lần, lần nào cũng nói chuyện về cô em gái. Chú có đưa thư Hiền cho chị Phụng xem. Chị ấy bảo, nó nói chuyện xem có vẻ người lớn quá và cười hả hê, xem chừng rất tự hào về cô em gái đang tiến lên và tiến bộ. Hiền phải biết như vậy để cố gắng hơn nữa để cho chị và ba má vui và hạnh phúc, biết con mình đứng vững và vượt qua nhiều hoàn cảnh khó khăn, thử thách.

Tình hình chuyển biến nhanh lắm, chắc là B18 không lâu nữa sẽ có dịp đoàn tụ để lao vào cuộc đấu tranh mới có lẽ gay go, phức tạp hơn. Hiền có muốn trở về cái gia đình B18 không, trước hết cần sức khỏe, nếu không thì không đi công tác được.

Xuân Mậu Thân nổ ra, B18 được tập hợp lại. Nhà in Trần Phú (B15) tách ra làm nhiều nhà in nhỏ. Trong đó, B15C trở thành nhà in riêng của báo Giải Phóng. Tháng 5/1966, nhà in báo Giải Phóng khởi động nhờ máy in, chữ chì và bộ phận bản kẽm chi viện từ Hà Nội, đủ sức ra báo khổ lớn hàng tuần.

Nguyễn Hồ - Minh Hiền và nhiều tác giả / NXB Trẻ

SÁCH HAY