Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo và Tạp chí Cộng sản ôn lại lịch sử báo chí

Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản đã đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Ngày 19/6, Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Chi đoàn 2, Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản đã đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam và tổ chức sinh hoạt chính trị chủ đề “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Tại buổi tham quan, các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã giới thiệu về lịch sử báo chí Việt Nam, lịch sử Việt Nam thông qua công việc của những người làm báo Việt Nam. Giới thiệu nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm 5 phần trải dài từ năm 1865 đến nay.

Bao chi cach mang anh 1

Bảo tàng Báo chí Việt Nam nơi lưu giữ tài liệu báo chí thành điểm đến hấp dẫn.

Không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 và được trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh, truyền hình, số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng.

Bảo tàng sử dụng nhiều công nghệ thông minh như hệ thống màn hình tra cứu số hóa trải dài tại không gian trưng bày, có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam có những hiện vật rất ấn tượng, như ở những trang đầu của lịch sử báo chí Việt Nam, các tờ báo như Gia Định báo, Nam Phong, Đông Pháp thời báo…

Bao chi cach mang anh 2

Bảo tàng Báo chí Việt Nam dần trở thành điểm hẹn của người làm báo.

Từng khu vực được trưng bày được thiết kế ấn tượng với các nhóm chủ đề riêng biệt, qua đó giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Được biết, thời gian qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được hơn 36 nghìn tài liệu, hiện vật từ 15 cuộc vận động hiến tặng và những chuyến đi sưu tầm ở gần 60 tỉnh thành phố; gần 30 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã được tổ chức tại Bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác (Bảo tàng Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh…).

Các hiện vật được trưng bày đều có giá trị lịch sử... Thông qua các câu chuyện, các đoàn viên thanh niên báo chí hiểu thêm về truyền thống đáng tự hào của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Bao chi cach mang anh 3

Bảo Tàng báo chí Việt Nam nơi lưu giữ những thông tin và hiện vật của Hội nhà báo Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Ba - Bí thư Chi đoàn 2, Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Thông qua buổi tham quan nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng cho đoàn viên, hội viên nhà báo; đồng thời là dịp để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của nền báo chí Việt Nam, về chân dung của Bác Hồ vĩ đại...

Phát biểu tại buổi thăm quan và sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Nguyễn Ngọc Long - Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Đến thăm quan khu trưng bày hiện vật báo chí của các nhà báo thời kỳ trước - trong khói lửa của các cuộc kháng chiến, các nhà báo yêu nước là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, dùng ngòi bút để khơi dậy lòng yêu nước đã thực sự tiếp lửa cho các thế hệ sau - những nhà báo trong thời bình góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc tổ chức tham quan bảo tàng và sinh hoạt chính trị chuyên đề “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn” đã góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm của đoàn viên đối với Bác Hồ đồng thời giáo dục đạo đức, tình yêu quê hương đất nước, xây dựng hoài bão, khát vọng cho thế hệ trẻ.

Bao chi cach mang anh 4

Bức tường tưởng nhớ những người làm báo đã hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Sau khi tham quan bảo tàng và sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Lê Khánh Ly - Bí thư Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản cho biết, qua chuyến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam tôi thấy được bức tranh tổng thể về các giai đoạn phát triển của báo chí nước nhà. Chuyến tham quan là thật sự rất cần thiết với mỗi người làm báo trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Theo đồng chí Lê Khánh Ly: “Từ những tư liệu, hiện vật giá trị chúng tôi bày tỏ lòng tri ân với những nhà báo hi sinh cho nền báo chí Việt Nam. Những người làm báo trẻ ngày hôm nay thấy cần phải có trách nhiệm thế hệ tiền bối cha ông, phải nỗ lực hơn trong từng chặng đường, cố gắng với công việc mình đang làm. Mỗi người làm báo hôm nay cần làm tốt công việc của mình dù là nhỏ nhất. Tôi tin tưởng rằng từ những việc làm nhỏ nhất của đoàn viên thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản sẽ tiếp tục truyền nhiệt huyết đến với nhiều hội viên nhà báo hơn nữa, tiếp tục xây dựng hình mẫu thanh niên trong thời đại mới”.

Bao chi cach mang anh 5

Đồng chí Nguyễn Ngọc Long - Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại buổi tham quan và sinh hoạt chuyên đề.

“Qua chuyến tham quan bảo tàng và sinh hoạt chính trị chuyên đề “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn” tôi cảm thấy tự hào, vinh dự để rồi thấm nhuần sâu sắc về lịch sử. Thế hệ trẻ hôm nay là những người được thừa hưởng những thành quả của biết bao thế hệ cha ông để lại để chúng tôi tiếp bước những cống hiến của thế hệ cha anh đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để giành lại nền độc lập”, đồng chí Lê Khánh Ly chia sẻ.

Lê Tâm/ Nhà Báo & Công Luận

Bạn có thể quan tâm