Cơn sốt AI ChatGPT vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: Unsplash. |
Xuất hiện từ tháng 11/2022, ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt công nghệ, không chỉ được giới chuyên gia mà người dùng phổ thông cũng quan tâm. Nhiều người cho rằng tương lai của công nghệ điện toán sẽ phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT và thực tế tăng cường (AR) như bộ kính thông minh Vision Pro gần đây của Apple.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, những công cụ này vẫn còn nhiều khuyết điểm. ChatGPT cũng không phải ngoại lệ bởi OpenAI đã thiết lập một vài giới hạn để nó không trở thành công cụ phục vụ cho những mục đích xấu.
ChatGPT không phải lúc nào cũng đúng
Theo BGR, các công cụ AI tạo sinh hiện nay vẫn có thể mắc sai lầm. Ngay tại sự kiện ra mắt hồi tháng 2, chatbot AI Bard của Google đã khiến khán giả thất vọng khi đưa ra những câu trả lời thiếu chính xác. Bard nói rằng JWST là kính viễn vọng đầu tiên chụp được "những bức ảnh đầu tiên về hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời”.
Trên thực tế, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại bán cầu nam (ESO) mới là đơn vị đầu tiên phát hiện ra hành tinh đó từ năm 20 năm trước bằng kính viễn vọng VLT của mình. Sai sót của Bard đã khiến cổ phiếu công ty mẹ Alphabet đã giảm mạnh 10%.
Do đó, người dùng không nên tin tưởng hoàn toàn vào các chatbot AI như ChatGPT. Bạn luôn phải yêu cầu nguồn tham khảo và đường link trích dẫn nội dung để tự xác thực thông tin. Theo BGR, ChatGPT vẫn còn phải mất rất nhiều thời gian để sửa lỗi này.
Cần cẩn trọng khi tham khảo thông tin từ ChatGPT. Ảnh: Shutterstock. |
ChatGPT đã lỗi thời
Vấn đề lớn nhất của ChatGPT bản miễn phí là không thể kết nối với Internet. Chatbot AI này sử dụng dữ liệu từ tháng 9/2021 trở về trước nên không cập nhật theo dòng Internet luôn biến đổi từng giây từng phút hiện nay.
Đây có thể không phải là lỗi lớn ở thời điểm này vì người dùng có thể dùng ChatGPT để tra cứu những tác vụ đơn giản nhưng tìm mua quần áo mới dựa trên một vài tiêu chí cụ thể. Công cụ này có thể liệt kê một vài lựa chọn phù hợp nhất kèm mức giá hay thậm chí là bài đánh giá trên YouTube…
Tuy nhiên, những dữ liệu này chưa chắc vẫn sẽ chính xác ở thời điểm hiện tại. Năm 2022-2031 có thể đã xuất hiện thêm nhiều mẫu quần áo mới nhưng vẫn chưa được cập nhật vào bộ dữ liệu của chatbot AI, khiến người dùng bỏ lỡ những mẫu mã và khuyến mại vừa cập nhật.
ChatGPT không thể dự đoán những sự kiện chưa từng xảy ra. Ảnh: Slashgear. |
ChatGPT không thể nhìn trước tương lai
Nhiều người cho rằng các công cụ AI tạo sinh có thể dự đoán tương lai với bộ dữ liệu khổng lồ chúng có trên tay. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải vậy. Việc dự đoán tương lai cần phải vận dụng rất nhiều nguồn lực. Bên cạnh đó, việc AI đoán tương lai rất nguy hiểm. Do đó, BGR cho rằng người dùng không nên kỳ vọng ChatGPT có thể nhìn thấy tương lai con người.
Nếu người dùng yêu cầu ChatGPT dự đoán bất kỳ sự kiện nào trong tương lai, chatbot sẽ từ chối và nói rằng nó không có khả năng này. Thay vào đó, công cụ có thể đưa ra một vài lời khuyên và khả năng có thể xảy ra. Đơn cử như nếu hỏi mực nước biển sẽ là bao nhiêu trong 30 năm tới, ChatGPT sẽ nói rằng nó không biết nhưng mực nước biển phụ thuộc vào tảng băng ở hai cực Trái Đất.
Khi người dùng đặt câu hỏi về những thông tin nhạy cảm, ChatGPT sẽ từ chối trả lời. Ảnh: Slashgear. |
ChatGPT không tiết lộ thông tin mật
OpenAI đã sử dụng rất nhiều dữ liệu trên Internet để rèn luyện ChatGPT nhưng điều này cũng đồng nghĩa là vi phạm bản quyền. Phiên bản đầu tiên của chatbot AI cũng còn thiếu sót về kiểm soát quyền riêng tư, dữ liệu người dùng có thể bị chia sẻ công khai trên máy chủ của công ty.
Do đó, OpenAI đã xây dựng bộ quy tắc dành cho ChatGPT để hạn chế thông tin riêng tư đến người khác. Kho dữ liệu nội bộ của ChatGPT chỉ bao gồm những thông tin công khai. Nếu người dùng muốn tiết lộ thông tin bí mật mà nó không có quyền truy cập, ChatGPT chỉ có thể trả lời qua loa, cho có hoặc nói rằng thông tin bạn cần không hề có sẵn.
Bộ quy tắc của ChatGPT không cho phép AI cổ súy những hành vi phi pháp. Ảnh: Slashgear. |
ChatGPT không tiếp tay tội phạm
Bên cạnh đó, ChatGPT cũng không thể giúp người dùng thực hiện hành vi trái pháp luật.
Nếu người dùng yêu cầu ChatGPT đưa lời khuyên về hành vi phạm pháp, công cụ AI sẽ nói rằng yêu cầu của bạn là trái pháp luật và từ chối thực hiện. Chatbot của OpenAI còn viết một đoạn văn ngắn giải thích tại sao hành vi này là phạm pháp và vi phạm những luật này.
Với khả năng lập trình của ChatGPT, nhiều người kỳ vọng điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ lập trình, trong khi một số khác lại lo ngại tính năng này sẽ giúp nhóm người xấu tạo ra các chương trình độc hại. Nhưng với ChatGPT, nếu người dùng yêu cầu viết chương trình phát tán mã độc, chatbot sẽ không thực hiện vì thuật toán quy định nó không được làm vậy.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.