Bức tường bằng bê tông và đất được cho là một yếu tố có khả năng góp phần gây ra thảm kịch chuyến bay 7C2216 của Jeju Air tại Hàn Quốc. Ảnh: Chris Jung/NurPhoto/REX/Shutterstock. |
Bộ giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết chính quyền đã triển khai tổng cộng 19 điều tra viên, 11 người Hàn Quốc và 8 người Mỹ, đến Sân bay quốc tế Muan để xem xét nguyên nhân của một trong những vụ tai nạn hàng không chết chóc nhất ở quốc gia Đông Á này.
Nhóm điều tra này bao gồm ba điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và bốn quan chức từ Boeing, nhà sản xuất máy bay 737-800 - mẫu máy bay trong vụ tai nạn.
Áp lực đẩy mạnh cuộc điều tra đang gia tăng hôm 31/12 khi giới chức trách bị hối thúc trả lời các câu hỏi vì sao chiếc máy bay xấu số mất kiểm soát trong khi gia đình các nạn nhân yêu cầu cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác xác định danh tính người thân của họ tử nạn trong thảm kịch.
Gia đình của những người thiệt mạng - 175 hành khách và bốn phi hành đoàn - vẫn đang lưu lại Sân bay quốc tế Muan, hiện trường vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất trên đất Hàn Quốc, để yêu cầu các nhà chức trách cung cấp thêm thông tin, theo Guardian.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Hàn Quốc cho biết đã huy động thêm nhân sự và sẽ sử dụng máy phân tích ADN nhanh để đẩy nhanh quá trình xác định danh tính của 5 thi thể còn lại. Tất cả các nạn nhân khác đã được xác định danh tính nhưng hầu hết vẫn còn ở nhà xác tạm thời tại sân bay.
Nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định. Các giả thuyết ban đầu tập trung vào chi tiết máy bay va chạm với chim, mặc dù một số chuyên gia không cho rằng một vụ va chạm như vậy - sự cố tương đối phổ biến trong ngành hàng không - có thể đủ mạnh để ngăn phi công hạ bánh đáp của máy bay Boeing 737-800 khi đang tiến gần đến đường băng.
Ngoài vấn đề va chạm với chim, các điều tra viên đang cố gắng xác định xem có bất kỳ hệ thống điều khiển nào của máy bay bị vô hiệu hóa hay không, cũng như lý do phi công dường như đã cố gắng hạ cánh ngay sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Chiếc máy bay được trang bị hai động cơ CFM 56-7B26, dường như di chuyển với tốc độ rất lớn khi phi công cố gắng "hạ cánh bằng bụng".
"Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ lý do nào khiến máy bay bị buộc phải hạ cánh như thế này", chuyên gia an toàn hàng không John Nance, một cựu phi công quân sự và thương mại đã lái máy bay 737 cho Alaska Airlines, bày tỏ quan điểm.
Sự chỉ trích cũng đang dồn vào bức tường bê tông gây nhiều nghi ngại tại sân bay, trong đó các chuyên gia hàng không đặt câu hỏi tại sao một cấu trúc lớn bằng đất và bê tông được sử dụng để hỗ trợ thiết bị dẫn đường lại được xây dựng cách cuối đường băng khoảng 250 m.
Các nạn nhân được cho là đã tử vong sau khi chuyến bay 7C2216 của Jeju Air, đến từ Bangkok, đâm vào rào chắn, khiến hành khách văng xuống các cánh đồng xung quanh.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết bức tường trên được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành, đồng thời nói thêm rằng các sân bay ở các quốc gia khác cũng xây dựng tương tự.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt câu hỏi về việc có cần thiết xây dựng công trình này quá gần cuối đường băng như vậy không.
Thiết kế đường băng không đáp ứng các thông lệ tốt nhất của ngành, theo đó không được xây dựng bất kỳ kết cấu cứng nào như bờ tường - bờ đất nhô cao - cách cuối đường băng ít nhất 300 m, John Cox - giám đốc điều hành của Safety Operating Systems và là cựu phi công 737, cho hay.