Những điệp viên quyến rũ nhất hành tinh (kỳ 2)
“Anh hùng không qua ải mỹ nhân”, đó là lý do tại sao từ xưa đến nay mỹ nhân kế luôn là phương thức hiệu quả được sử dụng trong hoạt động thu thập tin tức tình báo.
6. Virginia Hall (1906 -1892)
Điệp viên Virginia Hall. |
Virginia Hall sinh năm 1906, ở Baltimore, Mỹ, là người có năng khiếu thiên bẩm về ngoại ngữ, thành thạo tiếng Pháp, Italy và Đức. Trong một tai nạn hy hữu, bà bị mất đi một bên chân năm 27 tuổi. Tháng 8/1940 Virginia sang Anh và trở thành thư ký cho tùy viên quân sự Mỹ tại Anh. Chứng kiến những tội ác ghê sợ mà phát xít Đức gây ra cho nhân dân Pháp cùng sự tan hoang của London dưới làn mưa bom phát xít, Virginia đã nung nấu quyết tâm tiêu diệt chế độ phát xít và quyết định sẽ tham gia cuộc chiến đến cùng. Với khả năng đặc biệt của mình, bà sớm rơi vào tầm ngắm của SOE (Cục hành động đặc biệt, tiền thân của MI6, do chính Thủ tướng Anh khi đó là Churchill thành lập với nhiệm vụ tuyển mộ, đào tạo điệp viên và đưa họ thâm nhập vào các quốc gia bị phát xít chiếm đóng). Sau khi trải qua khóa huấn luyện, tháng 4/1941, Virginia chính thức trở thành điệp viên SOE.
Bà đã sang Pháp và đóng giả là một phóng viên của tờ New York Post. Dưới vỏ bọc một phóng viên, bà thiết lập được các mạng lưới kháng chiến ở Vichy. Là một người thông minh, bản lĩnh và đầy kinh nghiệm, nữ tình báo Hall đã nhiều lần trốn thoát khỏi lưới bủa vây của quân phát xít. Cơ quan mật vụ khét tiếng của phát xít Đức – Gestapo từng coi bà là “người lợi hại nhất, nguy hiểm nhất trong đội ngũ các nhân viên tình báo của quân đồng minh”. Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, nữ điệp viên với chiếc chân giả này đã trở về làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Vì những chiến công xuất sắc, bà được Chính phủ Mỹ tặng thưởng huân chương cho nhà tình báo lỗi lạc. Hơn 60 năm sau, bà Hall tiếp tục được Chính phủ Anh và Pháp vinh danh.
7. Noor Inayat Khan (1914-1944)
Điệp viên Noor Inayat Khan. |
Bà xuất thân trong một gia đình quyền quý, là cháu 4 đời của Vua Tipu, nhà lãnh đạo Hồi giáo thế kỷ XVIII. Bà sinh ra ở Nga nhưng năm 1914, cả gia đình chuyển sang định cư tại Anh. Lớn lên, bà nuôi trong mình lòng căm hận phát xít sâu sắc. Vì vậy, năm 1940, Noor gia nhập lực lượng Nữ Không quân Trợ chiến Anh (WAAF), sau đó được đưa đi huấn luyện sử dụng máy vô tuyến điện. Với vốn tiếng Pháp điêu luyện của mình, tháng 6/1943, Noor mang mật danh “Madeleine”, dưới vỏ bọc một y tá có chứng minh thư mang tên Jeanne-Marie Regnier, được phân công làm sĩ quan trợ chiến Ban F (địa bàn Pháp), cử đến căn cứ tuyệt mật có tên B/20 ở miền Bắc nước Pháp. Đón bà là điệp viên Henri Dericourt của cơ quan Tình báo Anh SOE mang mật danh Gilbert, kẻ sau này đã phản bội, tiết lộ danh tính của bà. Trên đất Pháp, Noor tham gia mạng lưới điệp viên có mật danh “Thầy thuốc”.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau mạng lưới này đã bị lộ. Nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bà đã khước từ yêu cầu của tổ chức để tiếp tục bám trụ hoạt động tại đây. Với khả năng tuyệt vời của mình, bà đã sử dụng máy vô tuyến để cung cấp về sở chỉ huy những tin tức vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, do bị chính kẻ “đón tiếp” mình tại Pháp phản bội nên bà không thoát khỏi bàn tay kẻ thù, bà bị Đức Quốc xã bắt và giam ở nhà tù Pforzheim Đức, nơi bà bị biệt giam. Dù phải trải qua 10 tháng biệt giam, bị bỏ đói, đánh đập và tra tấn nhưng bà không tiết lộ bất kỳ thông tin nào. Tháng tháng 9/1944, bà và 3 nữ điệp viên khác của SOE bị chuyển đến trại tập trung Dachau. Ngày 13/9, họ bị bắt và giết chết.
8. Christine Granville (1915-1952)
Điệp viên Christine Granville. |
Sinh năm 1915 ở Ba Lan, Christine Granville là cháu gái của một chủ ngân hàng giàu có người Do Thái thuộc gia đình Goldfeder. Năm 17 tuổi, Granville trở thành Hoa hậu Ba Lan.
Khi quân phát xít Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, Granville tình nguyện làm việc cho cơ quan tình báo Anh. Với sự thông minh, sắc sảo và khả năng nói nhiều ngoại ngữ, Granville đã được đưa vào hoạt động trong Cục Chiến dịch Đặc biệt của Anh. Bà trở thành nữ điệp viên được cố Thủ tướng Anh Churchill rất mực yêu quý. Trong thời gian ở Budapest, Hungary, Christine Granville đã cung cấp nhiều tin quan trọng cho tình báo Anh và một trong những tin tức quan trọng nhất, có giá trị nhất, giúp nước Anh nhận định: Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô trong tháng 6/1941. Khi đó, bà hoạt động trong mạng lưới điệp viên có tên Musketteers. Khi nằm vùng ở Pháp và Italy, Christine Granville được biết đến với tên gọi Pauline Armand. Hoạt động của Christine Granville hiệu quả tới mức cơ quan mật vụ Gestapo từng treo giải thưởng hậu hĩnh cho bất cứ ai chỉ điểm, bắt giữ hoặc giết chết được Pauline Armand.
Sau khi rời cơ quan tình báo Anh, bà vẫn được Chính phủ London tặng Huân chương chữ thập George, Chính phủ Pháp tặng Huân chương chữ thập Charles de Gaulle. Một trong những chiến công lớn nhất của Christine Granville trong thời gian hoạt động ở Pháp là giúp giải cứu thành công cho Francis Cammaerts, chỉ huy lực lượng kháng chiến miền Bắc nước Pháp và Xan Fielding, chỉ huy mới của SOE tại Pháp bị cơ quan mật vụ Gestapo Đức bắt giữ và chuẩn bị tử hình. Tuy nhiên, số phận thật trớ trêu, năm 1952 bà bị người tình cũ George Murdoni sát hại ở London.
9. Violette Szabo (1921-1945)
Điệp viên Violette Szabo. |
Bà sinh năm 1921, có cha là người Anh và mẹ là người Pháp. Tuy sống cuộc đời hết sức ngắn ngủi, vẻn vẹn có 24 tuổi, nhưng tên tuổi của bà mãi mãi được người đời ghi nhớ vì những hành động gan dạ và quả cảm. Năm 1942, Violette Szabo tình nguyện gia nhập Ủy ban đặc biệt của Anh sau khi chồng bà, Đại uý Etienne Szabo, hy sinh trong một trận chiến với phát xít tại Ai Cập.
Sau đó, bà trở lại Pháp và năm 1943 tham gia tìm diệt những kẻ phản bội tổ quốc, đi theo Đức Quốc xã và bọn SS, mật vụ Gestapo khét tiếng của phát xít Đức.
Tháng 6/1944, Violette từ máy bay nhảy dù xuống vùng Limoges để phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm diệt những kẻ phản bội tổ quốc. Sau khi trở về Paris, do bị kẻ gian chỉ điểm, Violette đã rơi vào tay Sư đoàn SS “Das Reich” Panzer, và bà bị giao cho cơ quan mật vụ Gestapo khét tiếng tàn bạo thẩm vấn. Do không chịu khai ra bất cứ thông tin gì nên bà bị kẻ thù sát hại khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nhằm ghi nhận những công lao của bà, Chính phủ Pháp đã trao tặng Violette Szabo 2 huân chương cao quý: Thánh George và Thập tự chinh.
10. Anna Chapman (1982)
Điệp viên Anna Chapman. |
Anna Chapman có chỉ số thông minh 162, với cặp mắt hút hồn và thân hình bốc lửa. Với nhan sắc và tài trí hơn người, cô đã trở thành điệp viên huyền thoại thời hiện đại, mê hoặc nhiều đấng mày râu có thế lực trong chính quyền Mỹ. Chẳng khó khăn gì để nữ điệp viên này thâm nhập và tiếp cận với các quan chức trong nội các Mỹ.
Mọi việc diễn ra quá suôn sẻ, nên Anna Chapman đã quá tự tin vào khả năng của mình, và cô đã rơi vào tầm ngắm của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Tháng 6/2010, cô bị FBI bắt giữ, sau đó được trả về Nga. Tuy nhiên, không giống những bậc tiền bối thường “mai danh ẩn tích”, cô đã sử dụng thân phận điệp viên “bị lộ” của mình để “đánh bóng” tên tuổi và trở nên vô cùng nổi tiếng. Cơn sốt Chapman diễn ra trong thời gian dài tại quê nhà, thậm chí cô còn được tặng danh hiệu “Người phụ nữ của năm 2010” tại Nga.
Thanh Hương
Theo Infonet