Kết cục bi thảm của một điệp viên huyền thoại
Cái chết thảm không được người đời biết đến của Rudolf Roessler là minh chứng điển hình cho cái nghề vốn bị coi là vô cùng bạc bẽo - điệp viên.
Cơ duyên không hẹn trước
Sinh ngày 22/11/1897 trong một gia đình công nhân bình thường, được giáo dục và trưởng thành ở thành phố Augsburg, Đức, Rudolf Roessler không sớm bộc lộ tố chất hơn người - điều kiện tiên quyết để trở thành một điệp viên nổi tiếng. Có lẽ cuộc đời sẽ mãi bình lặng trôi qua nếu Rudolf Roessler không bước chân vào nghề báo.
Sau khi xuất ngũ, Rudolf Roessler làm việc cho một tờ báo trong vai trò phóng viên ở quê nhà. Sau khi có chút tiếng tăm, ông chuyển lên Thủ đô Berlin với tư cách nhà phê bình văn học. Chính ở đây, ông có điều kiện giao lưu, kết bạn với rất nhiều đối tượng có cùng chí hướng, tạo điều kiện để Rudolf Roessler bước sang ngã rẽ khác của cuộc đời.
Những người bạn có tư tưởng tự do mà Roessler kết giao dần trở thành cái gai trong mắt Đảng Công nhân Đức Quốc Xã; buộc họ phải tha hương cầu thực nơi đất khách quê người. Năm 1933, Roessler cùng vợ chuyển tới Lucerne, Thụy Sỹ. Tại đây họ mở một nhà xuất bản, tuy quy mô không lớn, nhưng cũng đủ để họ trang trải cuộc sống hàng ngày và Roessler theo đuổi lý tưởng cuộc đời mình. Ông thường xuyên trở lại Đức, gặp gỡ những nhân vật nổi bật trong các giới nghệ sĩ, quân sự, thậm chí những chính trị gia có cùng chí hướng.
Là người giàu lòng yêu nước, Roessler nhận thấy rằng, những người mà mình kết giao nhận thức được rõ việc ông đang làm, và họ thực sự quan tâm tới vận mệnh cũng như những đổi thay của đất nước, đặc biệt là chính trị và quân sự, dưới thời Hitler. Rất nhiều trong số những người này giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền Hitler cam kết chia sẻ các thông tin có giá trị cao cho Roessler với điều kiện không được tiết lộ danh tính của họ. Qua kênh những người bạn này, Roessler biết được những kế hoạch quân sự tuyệt mật trước khi nó được thực hiện trong vòng 24 giờ. Thông tin mà Roessler có được khiến ông nhanh chóng trở thành “đích ngắm” của rất nhiều cơ quan tình báo các nước như Liên Xô, Thụy Sỹ.
Điệp viên huyền thoại Rudolf Roessler. |
Giữ đúng cam kết không tiết lộ danh tính người cung cấp, nên ban đầu giá trị tin tức của Roessler không được đánh giá cao (do không có nguồn), thậm chí còn bị cho vào “sọt rác” bởi ông chưa từng được trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt nào. Tuy nhiên, sự tường tận đến từng chi tiết trong các bản báo cáo của Roessler về các kế hoạch tác chiến, số lượng xe tăng của Đức quốc xã trên các hướng tiến công, đội hình được bố trí ra sao, ai là chỉ huy trong kế hoạch Barbarossa tiến công Liên Xô của Đức khiến các chuyên gia tình báo lão làng Liên Xô không dám tin. Hậu quả, vào thời kỳ đầu của cuộc tổng tiến công của quân Đức nhằm vào Liên Xô, Hồng quân Liên Xô đã phải vất vả chống đỡ, thường xuyên trong thế bị động và liên tiếp bị đẩy lùi.
Cũng chính từ đó, Roessler trở nên có giá trong mắt tình báo Liên Xô. Đều đặn mỗi tháng ông nhận được 1.600 USD tiền “bán tin”, và ông tỏ ra hoàn toàn xứng đáng với số tiền đó. Thường thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi quân Đức soạn thảo kế hoạch tác chiến, Roessler đã có ngay để chuyển về trung tâm. Điều kỳ lạ là thậm chí những đánh giá về sức mạnh của Hồng quân Liên Xô, Roessler cũng có được. Giá trị xương máu của những bản tin mà Roessler cung cấp là không thể đong đếm được, nó giúp Liên Xô hoạch định chiến lược, đề ra các kế hoạch ứng phó kịp thời với các âm mưu, thủ đoạn của Đức quốc xã. Nhờ vào những cống hiến của mình, Roessler đã khiến lãnh tụ tối cao của Liên Xô lúc bấy giờ là Stalin không ít lần phải “ngả mũ” thán phục.
Mạng lưới truyền tin
Những đóng góp của Roessler là vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Liên Xô cũng như thế giới. Tuy nhiên, những mắt xích trong mạng lưới hoạt động gián điệp của ông cũng góp phần không nhỏ. Đúng như người ta vẫn nói, gián điệp là nghề “bạc bẽo” nhất trong số những nghề bạc bẽo. Đến bây giờ người ta vẫn không biết chính xác những ai, họ giữ vị trí nào trong chính quyền Hitler, và đã cung cấp tin tức ngược về Liên Xô ra sao.
Có giả thuyết cho rằng, Roessler đã xây dựng cho mình mạng lưới gồm 10 sĩ quan cao cấp trong chính quyền quân sự Hitler. Nhưng họ là ai, thì bí mật này mãi mãi nằm sâu trong mồ cùng Roessler. Chỉ biết rằng Roessler có mật danh là Lucky và ông có 2 nữ báo viên có nhiệm vụ giữ lại những báo cáo của quân Đức để giao lại cho những người trong mạng lưới điệp viên này. Trường hợp các báo cáo bị thiêu hủy, hai nữ báo viên này sẽ dùng trí nhớ để viết lại, sau đó truyền tin bằng phương thức nào thì đến nay chưa có thông tin xác minh được.
Cái kết không có hậu
Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc, Roessler không còn giá trị lợi dụng nên ông không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào từ phía các cơ quan tình báo mà ông từng cộng tác.
Dù có những đóng góp không thể phủ nhận, nhưng Roessler chưa một lần được vinh danh. Có thể nói ông chính là nạn nhân trong thế giới điệp viên như người ta vẫn nói là vô cùng bạc bẽo. Roessler sống lay lắt qua những năm tháng cuối cùng của cuộc đời và vĩnh viễn ra đi vào ngày tháng năm nào đến giờ vẫn không ai hay.
Thanh Hương
Theo Infonet