Trở lại hình thức chất vấn từng nhóm vấn đề, kỳ họp thứ 7 khóa XIV ghi nhận 4 phó thủ tướng cùng 11 bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn, trả lời câu hỏi của 200 đại biểu.
Khác với phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 khi Quốc hội không giới hạn nhóm vấn đề cũng như các thành viên Chính phủ tham gia trả lời, tại kỳ họp giữa năm, giữa nhiệm kỳ lần này, hình thức chất vấn theo từng nhóm vấn đề với phiên đăng đàn của 4 bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục được lựa chọn.
4 thành viên Chính phủ gồm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần lượt được chọn “ngồi ghế nóng”.
Nếu như chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn” tại kỳ họp trước có số lượng bộ trưởng tham gia trả lời đông “kỷ lục”, thì tại phiên chất vấn này, cùng với lượt đăng đàn của 11 bộ trưởng, trưởng ngành, có tới 4 phó thủ tướng tham gia làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Với 5 đại biểu đặt câu hỏi một lần, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu mỗi câu hỏi không quá 1 phút, trả lời không quá 3 phút, và tranh luận không quá 2 phút.
Về cơ bản, các đại biểu cũng như thành viên Chính phủ đều tuân thủ nguyên tắc này, nhưng còn một số người hỏi quá dài. Các bộ trưởng đôi khi trả lời cũng dài dòng nên người điều hành phải nhắc nhở. Trong 4 bộ trưởng đăng đàn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bị Chủ tịch Quốc hội nhắc 1-2 lần vì chưa đi vào trọng tâm.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cung cấp một thông tin mới tại kỳ họp lần này, đó là Quốc hội lần đầu áp dụng “trí tuệ nhân tạo”. Phần mềm giúp chuyển tiếng nói thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa và khiến cho việc điều hành chính xác hơn.
“Nếu như trước đây ghi câu hỏi có thể sót thì với phần mềm này, các câu hỏi của đại biểu đều được hiển thị. Bộ trưởng có quên thì Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở. Vì thế, phần trả lời chất vấn rất đầy đủ”, ông Phúc nói.
Đặc biệt lần này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời. Nhờ vậy, tổng số giờ chất vấn tại kỳ họp khá cao. Trong 2,5 ngày có 760 phút (hơn 12 giờ) dành cho các đại biểu hỏi - bộ trưởng trả lời - đại biểu tranh luận.
Theo đánh giá của Tổng thư ký Quốc hội, dù thời gian chất vấn tại kỳ họp này giảm hơn so với kỳ trước (2,5 ngày so với 3 ngày), số lượng đại biểu chất vấn cao hơn, không khí tranh luận sôi nổi.
Là người đầu tiên ngồi "ghế nóng", Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngay lập tức “nhận được sự quan tâm” của 47 đại biểu. Trong toàn bộ phần chất vấn của Bộ trưởng Công an, 71 câu hỏi được nêu, 11 đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng đã sử dụng quyền tranh luận để làm rõ vấn đề.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an rất nhiều lần dùng những từ như “tăng cường”, “phối hợp” để nói về giải pháp. Cụ thể, ông 32 lần dùng từ “tăng cường”. Từ “phối hợp” được tư lệnh ngành công an sử dụng 43 lần.
Có lẽ, do số lượng đại biểu chất vấn đông, số câu hỏi nhiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi điều hành đã 12 lần phải nhắc rõ câu hỏi để đại tướng Tô Lâm trả lời. Ông là người được “nhắc bài” nhiều nhất trong số 4 bộ trưởng đăng đàn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Công an nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà hoàn thành phiên chất vấn với 49 lượt đại biểu đặt ra 79 câu hỏi. 9 đại biểu giơ biển xin tranh luận vì chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) thẳng thắn nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng “cho thấy rõ sự lúng túng”.
Vấn đề Bộ trưởng Xây dựng được chất vấn nhiều nhất là việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư. Song, trong phần trả lời, ông chỉ nhận định “có thể có”, “không loại trừ”.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhiều lần dùng từ “tăng cường” trong giải pháp mình đưa ra. Phần trả lời của ông Hà tương đối dài dòng nên người điều hành vài lần phải nhắc nhở đi đúng trọng tâm.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ngay khi vừa kết thúc 5 phút báo cáo trước chất vấn đã được Chủ tịch Quốc hội khen “báo cáo lưu loát”. Phiên chất vấn của Bộ trưởng Thể diễn ra khá trôi chảy khi ông trả lời đại biểu “không vấp lần nào”.
Tư lệnh ngành giao thông nhận được 45 lượt chất vấn với 58 câu hỏi. Số lượng đại biểu “xếp hàng” chờ được chất vấn Bộ trưởng Thể lên tới 22 người, do hết thời gian đã không được đặt câu hỏi.
Với rất nhiều vấn đề nóng của ngành giao thông được nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhiều lần đề cập đến từ trách nhiệm. Song có thể thấy, rất ít lần trách nhiệm cá nhân được nhắc tới. Với 39 lần sử dụng cụm từ “trách nhiệm”, đa số Bộ trưởng Thể đều nói đến “trách nhiệm của Bộ”, “trách nhiệm của chúng tôi”.
Đặc biệt, khi nêu ra giải pháp, cụm từ ưa thích của tư lệnh ngành giao thông là “chúng tôi sẽ”, được sử dụng 30 lần.
Bộ trưởng Thể được Chủ tịch Quốc hội khen nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thẳng thắn. Tổng thư ký Quốc hội cũng nhận xét một trong những tư lệnh ngành trả lời lưu loát là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Phiên chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tạo ra nhiều cảm xúc hơn cả. Ví như khi đại biểu Nguyễn Mai Bộ hỏi về hành vi lệch chuẩn khi lợi dụng hoạt động tâm linh kiếm lợi, Bộ trưởng Thiện “hiểu lầm” câu hỏi nên trả lời việc người mẫu Ngọc Trinh là “hiện tượng lệch chuẩn”.
Hay khi nữ đại biểu Nam Định Đặng Thị Phương Thảo chất vấn về quy trình tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, Bộ trưởng Thiện nói các cuộc thi này gồm rất nhiều vòng, trong đó có vòng tứ kết.
Người điều hành phiên họp là Chủ tịch Quốc hội “nhắc khéo” rằng “Tôi biết thi hoa hậu không có vòng tứ kết đâu”. Ngay lập tức, phía dưới hội trường vang lên tiếng cười của nhiều đại biểu.
Từ vị trí của người trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thiện cũng cười rất tươi và không quên cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã nhắc nhở. Ông lý giải do “quen với các thuật ngữ thể thao”.
Trong phần trả lời của mình, ông Thiện nhiều lần dùng các từ như “lên án”, “xử lý” để nói về việc lợi dụng hoạt động tôn giáo tín ngưỡng để kiếm lợi, mê tín dị đoan hay với các hành vi lệch chuẩn về văn hóa.
Có một lần Bộ trưởng Thiện bị Chủ tịch Quốc hội nhắc “trả lời nhanh” để có thời gian cho nhiều đại biểu hỏi. Tư lệnh ngành văn hóa cũng là người được nhắc 2 lần vì có sự nhầm lẫn trong câu trả lời.
Chủ tịch Quốc hội nhận xét Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời một số câu còn dài, một số giải pháp còn chung chung.
Nhìn lại phần chất vấn của cả 4 bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đánh giá có nhiều câu hỏi sắc sảo nhưng cũng có người đặt vấn đề dài, chưa vào trọng tâm, nặng về tìm hiểu thông tin. Điều đó khiến các bộ trưởng khó xử vì cung cấp thông tin phải đầy đủ và cần nhiều thời gian.
Theo ông, chất vấn là giám sát, xem xét, đánh giá hoạt động của người được Quốc hội bầu và phê chuẩn nên cần xem trách nhiệm cá nhân nhiều hơn.
“Bộ trưởng phải xác định rõ trách nhiệm và phải thẳng thắn hơn nữa, đặc biệt phải kiến giải vấn đề mà cử tri và nhân dân đòi hỏi. Phải mạnh dạn, quyết liệt đề xuất nhiều chính sách mới, còn nếu nói vì vướng luật chỉ làm được thế thôi thì đơn giản quá”, ông Sinh nói.
Phần chất vấn cuối cùng dành cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh - người lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội. Ông là người nhận được số câu hỏi ít nhất, trả lời trong khoảng thời gian ngắn nhất, nhưng được nhiều thành viên Chính phủ “chia lửa”.
Trừ thời gian trình bày báo cáo, Phó thủ tướng chỉ còn chưa đến 60 phút trả lời các đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị 3 bộ trưởng, trưởng ngành (Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Minh Hưng) cùng tham gia trả với ông Phạm Bình Minh do Phó thủ tướng là người phụ trách lĩnh vực đối ngoại.
Kết thúc 2,5 ngày, Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ và xây dựng. Thời gian có giảm hơn so với kỳ họp trước nhưng số lượng đại biểu tham gia cũng như số câu hỏi lại tăng lên.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Ủy ban Tư pháp) đánh giá phiên chất vấn cơ bản tốt, cả người hỏi và người trả lời đều “đạt yêu cầu”. Ông Hà cho rằng chất vấn theo hình thức này tập trung hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm bộ trưởng, trưởng ngành, để từ đó có chỉ đạo quyết liệt giải quyết vướng mắc.