Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không có công chức nào góp tiền xây chùa để kinh doanh, hưởng lợi'

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội liên tiếp chất vấn, tranh luận về minh bạch trong khoản thu từ tâm linh, việc công chức góp tiền xây chùa để hưởng lợi.

Sáng 6/6, phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục “nóng” với hàng loạt chất vấn liên quan đến vấn đề lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng hay các vấn đề tâm linh để trục lợi.

Bộ trưởng Thiện trả lời khá dài và nhiều lần song chưa làm thỏa mãn các đại biểu, nhiều người tiếp tục tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phải “đề nghị Bộ trưởng trả lời ngắn gọn và nhanh hơn”.

Chưa phát hiện công chức góp tiền xây chùa kinh doanh

Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, vì thế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được mời phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Về câu hỏi đại biểu có “kinh doanh chùa” hay không, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có quy định về việc này.

kinh doanh chua anh 1
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Minh Quân.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để vụ lợi. Bộ Nội vụ cũng chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức nào có liên quan tới vấn đề này.

Tuy nhiên, thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng vào niềm tin của nhân dân, của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan và trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Ông giải thích, theo quy định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp.

“Thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo nằm trong các dự án do nhân dân đóng góp”, ông nói.

Làm rõ thêm, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhắc lại chất vấn của một số đại biểu phản ánh về một số nghi lễ như dâng sao, giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa trong thời gian qua. Có ý kiến đại biểu nêu về loại hình "chùa BOT", chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức.

kinh doanh chua anh 2
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định tất cả chùa trên cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý.

“Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này. Đặc biệt, tôi khẳng định không có bất kỳ chùa nào có sự góp vốn, đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu với một cụm từ rất mới, rất lạ là BOT”, đại biểu Thích Bảo Nghiêm nói.

Ông thừa nhận có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, song khẳng định những hiện tượng sai lệch đều được xử lý nghiêm.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”, ông khẳng định.

Giơ biển xin tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Chính phủ cho biết một vấn đề mà nhân dân đang lúng túng chưa hiểu, đó là “các chùa do ai sở hữu”. Đại biểu cũng đặt hàng loạt câu hỏi: "Người sở hữu làm gì để bảo đảm không có vụ lợi cá nhân? Nếu có vụ lợi thì quy định luật pháp nào để quản lý? Kinh nghiệm các nước quản lý nguồn thu thế nào cho đúng pháp luật và chân chính?”.

“Chính phủ cần trả lời quản lý sở hữu công trình tâm linh thế nào, nguồn thu ra sao để đáp ứng nhu cầu tâm linh chân chính, bảo đảm thăm chùa chiền không bị chặt chém bởi việc lợi dụng tâm linh”, ông Nghĩa đề nghị.

Đại biểu chưa hài lòng với câu trả lời vụ chùa Ba Vàng

Không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vụ chùa Ba Vàng từ chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở ngôi chùa này, gồm: Hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hoá của đông đảo quần chúng.

kinh doanh chua anh 3
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Minh Quân.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Chủ tịch TP Uông Bí đã xử phạt hành chính với bà Yến mức cao nhất là 5 triệu đồng. “Và nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan”, ông Thiện nói.

Nêu giải pháp, ông cho rằng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra vi phạm trong hoạt động văn hóa. Theo ông, nếu làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý thì hiện tượng như đại biểu nêu sẽ giảm bớt và chấm dứt.

Đại biểu Lê Trường Giang tranh luận và nói Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng chất vấn khi chỉ nói đến trách nhiệm của địa phương mà không nói đến trách nhiệm quản lý của ngành.

Về trả lời của Bộ trưởng liên quan vụ chùa Ba Vàng, đại biểu cho rằng cũng chưa thoả đáng. “Bộ trưởng nói vi phạm đó xử lý ở mức cao nhất rồi. Nếu quy định chưa phù hợp thì phải sửa”, đại biểu đề nghị.

Theo ông, hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính với 2 lý do: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truyền bá mê tín dị đoan.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp cũng cho rằng riêng vấn đề này, Bộ trưởng đã trả lời nhiều nhưng thật sự chưa thoả đáng. “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với địa phương trả lời thoả đáng”, bà Ngân nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch không phải 'ngôi sao cô đơn'

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện có 4 điểm nghẽn cản trở du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc hạ tầng hàng không quá tải, nhân lực chất lượng cao...



Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm