Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đề nghị đại biểu cung cấp thông tin quan chức góp tiền xây chùa'

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói ông chưa có thông tin nào về việc quan chức góp tiền xây dựng chùa chiền như đại biểu Nguyễn Mai Bộ chất vấn.

  • Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh...
  • Các bộ trưởng Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội Chiều 5/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề nóng của ngành.
chat van o Quoc hoi anh 1
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Minh Quân.

  • 17h, Quốc hội kết thúc phiên làm việc. Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu vào sáng mai. “Chia lửa” với Bộ trưởng Thiện còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

  • “Tôi đang suy nghĩ có văn bảo nào thống nhất để xử lý mê tín dị đoan không”

    Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) về tình trạng mê tín dị đoan, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết nguyên nhân của mê tín dị đoan rất nhiều, trong đó có việc chịu tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Ông nhấn mạnh phải kiên quyết xử lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước.

    “Hiện có nhiều quy định của pháp luật liên quan như Luật Tôn giáo tín ngưỡng, Luật Di sản văn hóa, Nghị định 159… nhưng rà lại thì không có văn bản nào điều chỉnh riêng về vấn đề này. Tôi đang suy nghĩ xem về quản lý Nhà nước có văn bản nào thống nhất để xử lý mê tín dị đoan không”, ông Thiện nói.

    Tư lệnh ngành văn hóa cho rằng chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, vạch trần thủ đoạn mê tín dị đoan, xử lý nghiêm và xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương. Mặt khác, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của người dân.

    Về câu hỏi bất cập của Luật Điện ảnh, Bộ trưởng thừa nhận qua 10 năm thực hiện giờ đã có bất cập. Ông giải thích, khi gia nhập WTO chúng ta buộc phải có giải pháp mở cửa nhập khẩu phim, nên không kiểm soát được phim nước ngoài vào. Vì thế cần sửa đổi luật. Thừa nhận việc này có chậm, song Bộ trưởng Văn hóa cho biết bộ sẽ trình Chính phủ trong năm 2019 để trình Quốc hội xin sửa đổi.

  • Dư luận lên tiếng thì Bộ Văn hóa mới vào cuộc vụ Vợ ba

    Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Thời gian qua chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc phản văn hóa, tuy nhiên chưa lần nào người đứng đầu ngành lên tiếng. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa không thể vô can. Từ việc có quá nhiều thông tin sai lệch đến hiện tượng Khá Bảnh, Phúc XO trên mạng xã hội, lệch lạc về tâm linh, mê tín dị đoan hay việc cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng rất nhạy cảm trong phim Vợ ba, khi dư luận báo chí phản ánh thì Bộ mới vào cuộc. Phải chăng phim này là những gì chúng ta muốn thế giới biết về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam? Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp căn cơ nào để chấm dứt những hiện tượng trên?

  • Tour 0 đồng là hành vi lừa đảo

    Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận thời gian qua, có chuyện lừa đảo du lịch. Cụ thể, nhóm đối tượng thành lập các hội rồi tập trung hội viên, trên cơ sở đó tổ chức du lịch giá rẻ hoặc tour 0 đồng để bán hàng hóa. Bộ trưởng cho rằng đây là hành vi lừa đảo, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

    Bộ trưởng đề nghị các ngành, địa phương vào cuộc, yêu cầu các sở du lịch tăng cường thanh tra, giám sát.

    Về việc đại biểu Cần Thị Mẫn đưa ra ý kiến liên quan đến công tác xã hội hóa trong lĩnh vực biểu diễn còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Thiện khẳng định đối với lĩnh vực biểu diễn, xã hội hóa vô cùng khó khăn. Ông cho rằng thực tế, chỉ những hoạt động có khán giả mới xã hội hóa được, còn lĩnh vực nghệ thuật truyền thống cần phải bảo tồn và Nhà nước cần chú trọng đầu tư.

  • Vụ chùa Ba Vàng: Cần truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật?

    Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vụ việc ở chùa Ba Vàng. Bà nhấn mạnh có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở Ba Vàng, gồm có hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, các hoạt động này tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội. Bà cho rằng việc xử phạt rất nhẹ.

    “Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại với vai trò quản lý ngành xử phạt đúng người đúng tội chưa, có cần thiết cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?”, đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi.

    Bà cũng muốn biết giải pháp chống tái diễn tình trạng trên như thế nào, vì sau khi bị xử phạt thì bà Yến tiếp tục tuyên truyền đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.

  • Bộ trưởng Thiện thừa nhận xử lý chưa triệt để những cuộc thi sắc đẹp

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định Bộ chấp hành nghiêm nghị định 79 về số lượng các cuộc thi hoa hậu. Tuy nhiên, các cuộc thi tổ chức rất nhiều vòng dẫn đến lầm tưởng về vượt quá số lượng.

    Bộ trưởng khẳng định tất cả cuộc thi đều phải được cấp phép nhưng một số thủ tục ở đây làm không đúng. Ông Thiện thông tin tháng 10 tới sẽ trình Chính phủ nghị định mới, trong đó có những biện pháp xử lý triệt để vấn đề trên.

    Đại biểu Trương Anh Tuấn có nêu thực trạng hoạt động mê tín, dị đoan hiện nay diễn ra công khai, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng trong tình hình kinh tế - xã hội phát triển thì vấn nạn này cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Ông nhìn nhận mê tín dị đoan và tín ngưỡng hoàn toàn khác nhau dù ranh giới giữa hai vấn đề này có thể rất mong manh.

  • Đại biểu Nguyễn Thị Xuân: Tour du lịch 0 đồng là vấn nạn hiện nay. Các công ty giao dịch bằng ngoại tệ với hệ thống khép kín dẫn đến thất thu thuế, lợi nhuận ở lại nước ngoài, còn nước ta phải gánh chịu chi phí bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Du khách bị cắt giảm thời gian ở lại khách sạn, ăn những bữa rẻ tiền, mua sắm với giá đắt. Du khách sau khi biết bị lừa đã lên mạng nói xấu người Việt Nam. Bộ đã tính toán thiệt hại của vấn nạn này với nước ta như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và giải pháp khắc phục.

    Đại biểu Mai Sỹ Diến: Sự phát triển dự án tâm linh được đầu tư rất lớn tầm cỡ kỷ lục quốc gia và khu vực. Báo cáo của Bộ trưởng cho biết việc quản lý, thu chi tiền công đức công khai, minh bạch. Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên. Tổng thu chi tiền công đức mỗi năm là bao nhiêu? 

    Bộ đã ban hành quy định mỗi di tích không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Tuy nhiên, có nhiều điểm du lịch tâm linh đặt hòm công đức dày đặc. Việc cúng khấn thuê đang tạo tình trạng thương mại hóa đời sống tâm linh. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về tình trạng trên?

    Đại biểu Phạm Văn Hòa: Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, không ít lễ hội diễn ra phản cảm. Lễ hội nào cũng gắn yếu tố cầu may, chọi trâu, chém lợn, đấu vật… Nét đẹp thuần túy biến mất, thay vào đó là cúng sao giải hạn, xin săm bói quẻ. Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này? Cách giải quyết? Có hiện tượng kinh doanh chùa, đền thờ để trục lợi, thực tế có như vậy không? Các hòm công đức khắp nơi, ai quản lý, có làm nghĩa vụ ngân sách cho Nhà nước hay không?

    Đại biểu Đặng Phương Thảo: Theo báo cáo, năm 2018 Bộ chỉ cấp phép 6 cuộc thi hoa hậu, người mẫu. Tuy nhiên thực tế còn nhiều cuộc thi nhan sắc trá hình. Mục đích các cuộc thi này là gì? Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của mình?

  • Chưa có thông tin việc quan chức đóng góp xây dựng chùa

    Sau giải lao, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sẽ trả lời về thương mại hóa các công trình tâm linh và quan điểm về “chùa BOT”.

    Nhưng ngay lập tức, từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng không có khái niệm “chùa BOT”. “Chúng ta đừng lấy những công trình tín ngưỡng tôn giáo nói như thế, xúc phạm đến tín ngưỡng tôn giáo là không được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

    Tiếp tục phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết về thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thu lợi bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.

    Liên quan việc quan chức đóng góp xây dựng chùa, ông Thiện nhắc Bộ Văn hóa là cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, còn vấn đề quản lý về tôn giáo, về chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Nhưng theo ông, về khía cạnh quản lý văn hóa, ông chưa có thông tin nào về sự đóng góp của quan chức trong xây dựng chùa như đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.

    “Nếu đại biểu có thông tin, đề nghị cung cấp cho Quốc hội và các vị lãnh đạo để xử lý”, ông Thiện nói.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đại biểu chất vấn phải có trách nhiệm, việc quan chức đóng góp xây chùa thì đề nghị đại biểu cung cấp để các cơ quan xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định.

  • Phải lên án vụ chùa Ba Vàng

    Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề cập việc xử phạt với hành vi vi phạm liên quan vụ chùa Ba Vàng với mức 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tác động vụ việc gây ra.

    “Mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này đủ sức răn đe chưa, biện pháp gì để tránh tái diễn những việc như ở chùa Ba Vàng và những nơi tâm linh khác”, đại biểu chất vấn. 

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, vụ việc ở chùa Ba Vàng là vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hoá. "Chúng ta cần lên án và cần xử lý”, ông nhấn mạnh.

    Song về việc xử lý, Bộ trưởng cho biết chính quyền địa phương đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hoá 5 triệu đồng.

    “Theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, đây là mức phạt cao nhất”, Bộ trưởng nói và thừa nhận phạt tiền 5 triệu đồng là rất nhỏ nhưng 100 triệu có lẽ cũng không phải số tiền lớn. Quan trọng hơn, Bộ trưởng cho rằng phải làm thế nào để chúng ta lên án, phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức. “Kết hợp giữa xử phạt và dư luận xã hội lên án thì tốt hơn”, ông Thiện nói.

  • Bộ trưởng Thiện nói về người mẫu Ngọc Trinh

  • Người mẫu Ngọc Trinh là “hiện tượng lệch chuẩn”

    Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhắc đến vấn đề “thương mại tâm linh”. Ông hỏi hai bộ trưởng Công an và Văn hóa giải pháp gì để xử lý tình trạng lệch chuẩn trong hành vi vi phạm pháp luật của số ít công dân Việt Nam, lợi dụng tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật.

    Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện cho biết hiện trong phân loại các sản phẩm du lịch Việt Nam có 4 loại: Du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tuy nhiên, theo ông các khái niệm này tương đối, khái niệm du lịch tâm linh được hiểu nằm trong du lịch văn hoá.

    Theo Bộ trưởng Thiện, hiện có một số khu du lịch hiện nay có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như chùa, không gọi là khu du lịch tâm linh vì rất nhiều loại hình còn có khu lưu trú, thăm quan…

    Dù đại biểu hỏi về lệch chuẩn trong việc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, có thể do “hiểu lầm” chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Thiện lại trả lời về hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa của người Việt.

    Ông nhắc đến việc có công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng có hiện tượng lệch chuẩn, như người mẫu Ngọc Trinh. “Thực ra người này ra nước ngoài không phải được Bộ cử đi, đi theo tư cách cá nhân để dự, có hành vi hết sức lệch chuẩn, hết sức phản cảm và ta nên phê phán gay gắt”, ông Thiện nói.

    Tư lệnh ngành văn hóa cũng đề nghị xã hội, dư luận lên án vì đây là phản văn hoá, ảnh hưởng đến uy tín của người Việt Nam. Về xử phạt, ông cho biết đang nghiên cứu quy định hiện hành xử lý hiện tượng này thế nào.

    Sau trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu lại câu hỏi của đại biểu Mai Bộ để "sau giải lao trả lời cho đúng".

  • Không hy sinh di sản vì bất cứ giá nào

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải chờ đến năm 2030. Ông cho rằng phải khắc phục hạn chế của du lịch Việt, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, rồi liên quan đến xúc tiến, hạ tầng…

    Để phát triển du lịch bền vững, phải thực hiện sao cho không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm nguy hại đến bảo tồn văn hóa. Ông Thiện trích dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển bằng bất cứ giá nào”.

  • Giải pháp đưa du lịch thành ngành mũi nhọn?

    Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đặt vấn đề với Bộ trưởng Văn hóa về chủ trương của Chính phủ trích 1,8% tổng chi ngân sách để đầu tư cho văn hóa và đặt câu hỏi Chính phủ và Bộ đã có kế hoạch gì để kiến nghị sớm trở thành hiện thực. Việt Nam được xếp thứ 67 trên 136 quốc gia về năng lực cạnh tranh ngành du lịch mặc dù có rất nhiều nguồn lực về văn hóa, nhân lực. Đâu là nút thắt cổ chai?

    Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Thiện về giải pháp đưa ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn, ngành đang chiếm 10% GDP của Việt Nam hiện nay. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ phương hướng phát triển ngành du lịch làm sao để không mâu thuẫn, xung đột với việc giữ gìn an ninh môi trường và bản sắc dân tộc.

    Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết một số cử tri không đồng tình với quyết định xử phạt cá nhân tuyên truyền mê tín dị đoan trong vụ việc chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ. Bà đề nghị Bộ trưởng Thiện cho biết mức độ xử lý như hiện nay đã đủ tính răn đe và Bộ sẽ làm gì để tránh tình trạng tương tự tiếp diễn.

    Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) nhắc lại việc 152 du khách Việt Nam du lịch tại Đài Loan mất tích làm xấu xí đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đại biểu đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết, ngăn chặn sự việc tương tự trong tương lai.

    Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hóa cho biết quan điểm của Bộ về thương mại hóa trong xây dựng một số công trình tâm linh. Có hay không việc quan chức đóng cổ phần để chia lợi nhuận trong những ngôi chùa như thế này không. Đại biểu cũng đặt câu hỏi cho Bộ Công an, Bộ Văn hóa về việc một số công dân Việt Nam lợi dụng việc tâm linh để trục lợi.

  • Đề nghị có quy định quản lý tiền công đức

    Báo cáo Quốc hội về vấn đề liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện nêu ba nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức. Trong đó, phí tham quan được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

    Riêng về tiền công đức, Bộ trưởng Văn hóa cho biết hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định.

    Ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn quản lý tài chính tại các lễ hội và tiền công đức. Cùng với giải pháp đó, Bộ Văn hoá đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và đề nghị UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích, gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

    chat van o Quoc hoi anh 2

  • Thừa nhận còn dâng sao giải hạn, thỉnh vong

    Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có báo cáo gửi Quốc hội về những vấn đề chất vấn tại kỳ họp này. Đặc biệt, đề cập đến công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, Bộ trưởng Văn hoá thừa nhận hiện còn nhiều bất cập, thiếu văn bản có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể cùng các biện pháp răn đe đủ mạnh trong lĩnh vực này.

    Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vấn đề này cũng chưa có hiệu quả để xã hội lên án các hành vi trục lợi thông qua tôn giáo, tín ngưỡng. “Vì vậy, vẫn còn hiện tượng dâng sao, giải hạn, thỉnh vong…”, báo cáo nêu rõ.

    Bộ Văn hóa cũng cam kết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để vạch trần thủ đoạn lừa bịp, buôn thần, bán thánh của các đối tượng hành nghề mê tín.

  • 61 đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Văn hóa

    Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo có 61 đại biểu đăng ký chất vấn.

    Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Thiện cảm ơn cử tri cho biết vừa qua có một số kết quả trong lĩnh vực xây dựng văn hoá, đạo đức lối sống, giữ gìn phát huy di sản, quản lý lễ hội, quản lý điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Thể thao cũng có thành tích cao như bóng đá, bơi lội, điền kinh…Du lịch đạt nhiều kết quả, trong 3 năm ngành du lịch tăng gần gấp đôi lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

    Theo Bộ trưởng, văn hóa là lĩnh vực khá rộng nên luôn có rất nhiều công việc và ông cũng xác định có rất nhiều vấn đề nóng. Vì vậy, với tinh thần cầu thị, ông xin lắng nghe chất vấn của đại biểu và hứa sẽ “trả lời tốt nhất trong khả năng của mình”.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm