Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) sẽ chính thức có hiệu lực.
Xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn có nhiều điều chỉnh. Ảnh: Đình Hiếu |
"Nghị định 168/2024 tăng mức xử phạt với các nhóm hành vi với lỗi cố ý, nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đã căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm để áp dụng các hình thức phạt bổ sung như: Trừ điểm giấy phép lái xe, tước bằng...", đại diện Cục CSGT nói.
Vị đại diện Cục CSGT cho biết thêm, tùy vào hành vi vi phạm tương ứng mà người điều khiển phương tiện sẽ bị trừ 2-10 điểm/ vi phạm. Đối với hành vi vi phạm cố ý, gây nguy hiểm cao độ sẽ bị tước giấy phép lái xe.
Vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe máy, tại Nghị định 100/2019 quy định, người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng. Tại Nghị định 168/2024 vẫn giữ nguyên mức phạt tiền, bị trừ 4 điểm ở giấy phép lái xe thay vì tước bằng lái.
Ở mức vi phạm 1 và 2, người vi phạm sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe thay vì tước bằng. Ảnh: Đình Hiếu |
Trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm ở mức vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng (thay vì 4-5 triệu đồng ở Nghị định 100/2019). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe (thay vì tước bằng lái 16-18 tháng).
Nếu người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng ở Nghị định 100) và tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển ôtô cũng có thay đổi như sau: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng như tại Nghị định 100/2019 nhưng bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe thay vì tước bằng.
Lực lượng CSGT kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn với người điều khiển ô tô. Ảnh: Đình Hiếu |
Khi người điều khiển ôtô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ giữ nguyên mức phạt như Nghị định 100/2019 là 16-18 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe (thay vì bị tước bằng 16-18 tháng như Nghị định 100).
Ở mức vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi.
Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Bằng lái sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Sau ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.