Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điểm giải trí của Thăng Long xưa

Không chỉ có chợ đêm Khán Xuân, Thăng Long bắt đầu xuất hiện nhiều ca quán tập trung ở phố Hòe Nhai.

Thời Lê Trung hưng (1533-1789), Thăng Long có chợ đêm nổi tiếng là Khán Xuân. [...] Chúa Trịnh Giang (tại vị 1729-1740) cho xây một ly cung ở khu vực này để mùa hè chúa đến nghỉ. Đêm đêm chúa sai các nội thần, cung nữ bày hàng bán và hát xướng suốt đêm. Nhưng chợ đêm này chỉ là nơi vui chơi, giải trí cho hoàng tộc không có dân chúng.

Bài thơ Chơi đài Khán Xuân của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương phê phán thói xa hoa, phè phỡn của các chúa là thế. Chợ đêm Khán Xuân cũng được nhà thơ Nguyễn Huy Lượng nói đến trong bài Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng sáng tác năm 1802: “Cảnh Khán Xuân chưa gác cuộc cờ, lòng thơ đã bồi hồi ban lãnh thỏ".

Diem giai tri dat Thang Long anh 1

Tranh của họa sĩ Bùi Trọng Dư. Ảnh: Kai Fine Art.

Không chỉ có chợ đêm Khán Xuân, Thăng Long bắt đầu xuất hiện nhiều ca quán tập trung ở phố Hòe Nhai. Ninh Tốn (1743-1795), tiến sĩ đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) có bài thơ ca ngợi phường hát này:

"Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp,

Phong lưu vành chiếm một Hòe Nhai.

Nõn nà trăm vẻ khoe xuân sắc,

Uyển chuyển lời ca ghẹo khách hoài.

Hoa rụng bên đền ghen má phấn,

Oanh hào tiếng phách rộn bên ngoài.

Kẻ thường đâu dám chi nghìn lạng,

Phải đợi vương tôn quảy rượu sài".

Năm 1799, hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn, em rể của thi hào Nguyễn Du, làm quan triều Tây Sơn, trước khi nghỉ hưu ra Thăng Long thăm thú thưởng ngoạn. Ông đến phường Hòe Nhai hát cô đầu và bị mê hoặc, sau đó ông làm bài thơ chữ Hán có tên là Ca nữ phố Hòe Nhai:

"Bách chuyển oanh hầu xảo lộng ca,

Khả lân mỹ mục quán thu ba.

Tiêu sơ lư xá trì ty, trúc

Uyển diễm kiều nương cưỡng ỷ la.

Triển chuyển xuân tình sầu dạ nguyệt,

Thê lương cổ điệu yết minh già.

Động nhân tối thị phong lưu xứ,

Nhất khúc Nam âm dật xướng hòa".

Diễn Nôm:

"Giọng oanh trăm chiều khéo lựa lời ca,

Mắt đẹp đáng yêu thường gợn sóng sông thu.

Nhà cửa thanh nhã, tay nâng đàn sáo,

Dáng đẹp yêu kiều gượng mang gấm vóc.

Tình xuân trăn trở buồn bã đêm trăng,

Điệu cổ thê lương nghẹn ngào sáo trúc.

Rung động lòng người nhất là những chốn phong lưu,

Một khúc Nam âm thảnh thơi xướng họa".

Các phong lưu thi sĩ thời đó có thú vui tao nhã là làm thơ Nôm, hát nói, họp các bạn thơ cùng xướng họa, rồi nhờ các cô đầu đàn hát để cùng thưởng thức. Sau trăm năm ở Hòe Nhai các ca quán lại chuyển xuống phố Hàng Giày.

Thế kỷ 17, Thăng Long còn có một chốn khác cũng vang lừng tứ chiếng là các quán rượu có cô đầu hát ở làng Võng Thị ven hồ Tây. Thời Lý, Trần, Võng Thị là một phường của kinh đô Thăng Long. Làng trồng hoa nên dân Thăng Long gọi là “Võng Thị điền hoa”.

Các quán rượu mở trong những căn nhà lá xinh xinh kế bên những vườn nhài thoang thoảng mùi hương vào ban đêm, gợi xúc cảm cho du khách. Khi mặt trời lặn xuống bên kia hồ là lúc Võng Thị bắt đầu nhộn nhịp. Đàn ông khắp nơi trong thành đổ về.

Các quán rượu ở Võng Thị bán thứ rượu đặc biệt là rượu sen do làng Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) bên cạnh nấu với nhụy của giống sen Bách Diệp chỉ có ở hồ Tây. Rượu nức tiếng kinh thành nên có Nho sĩ làm bài thơ là Thụy Chương liên tửu để ca ngợi. Rượu ở đây ngon đến mức người ta thêu dệt nên câu chuyện Phật uống cũng say, và ở chùa Đõ có bức tượng Phật say. Tiếc là chùa Đõ không còn nên tượng cũng mất vì binh đao Lê - Mạc.

Khách vừa uống rượu vừa thưởng thức giọng hát, tiếng đàn, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chát tom thưởng những câu hát hay. Khách cũng kín đáo bỏ vào đấu gỗ chút tiền. Và cứ thế cuộc chơi kéo dài đến sáng.

Trong bài thơ Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng, ông đã nhắc đến ngôi làng này: “Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô".

Nguyễn Ngọc Tiến / NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam

SÁCH HAY