Hệ thống tàu đô thị tại các thành phố lớn trên thế giới đều có vai trò quan trọng trong giao thông. Mỗi ngày, 13 tuyến và 290 nhà ga của hệ thống metro Tokyo (Nhật Bản) vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách; hệ thống đường sắt đô thị lâu đời nhất trên thế giới là London (Anh) cũng chuyên chở 3,8 triệu hành khách/ngày. Hai ví dụ khác là hệ thống đường sắt đô thị Seoul (Hàn Quốc) hiện vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách và hệ thống MRT của Singapore với đang phục vụ 3 triệu lượt khách mỗi ngày.
Hà Nội cũng sắp đưa vào vận hành tuyến metro đầu tiên Cát Linh - Hà Đông, dự kiến vào đầu năm 2019. Hệ thống này được mong chờ với nhiều ưu điểm.
Khả năng chuyên chở lớn
Với gần 8 triệu dần, nhu cầu di chuyển ở Hà Nội rất lớn. Theo tính toán, năm 2020, nhu cầu đi lại của Hà Nội sẽ lên tới 25.000 - 50.000 lượt di chuyển mỗi giờ. Metro là phương tiện di chuyển có năng lực chuyên chở cao, với khả năng vận chuyển lên tới 30.000 hành khách/hướng/giờ.
Để dễ hình dung, hệ thống xe buýt có năng lực chuyên chở cao nhất là BRT đạt mức 5.400 hành khách/hướng/giờ, còn hệ thống buýt thông thường với xe lớn nhất là 1.920 hành khách/hướng/giờ.
Xe buýt hiện là phương tiện công cộng chủ yếu tại Hà Nội. |
Khởi hành và đến đích ổn định
Không giống như những phương tiện đường bộ khác, metro sử dụng hạ tầng riêng để di chuyển nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như ùn tắc, sự cố giao thông, thời tiết, ngập lụt (với mức ngập dưới 60 cm)...
Ngoài ra, thời gian đón, trả khách cũng được thiết lập một cách ổn định. Điều này mang đến sự chính xác về giờ giấc cho hành khách đi tàu. Theo thống kê, thời gian di chuyển khoảng 10 km ở Hà Nội là 35-40 phút bằng xe máy hay 60-70 phút bằng ôtô. Cũng quãng đường như vậy, nếu sử dụng metro, hành khách sẽ chỉ mất khoảng 15-20 phút. Tần suất chạy tàu dự kiến của metro là khoảng 6-7 phút/chuyến cũng là một lợi thế.
Chi phí cạnh tranh
Chi phí để di chuyển quãng đường dưới 5 km bằng metro sẽ chỉ cao hơn xe buýt 30-40%, khá phù hợp với mức sống của đại đa số người dân thủ đô.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ có 9 tuyến metro. |
Thoải mái, thân thiện với môi trường
Tàu đường sắt đô thị có không gian rộng, di chuyển với tốc độ ổn định nên hành khách có thể thoải mái đọc sách, nghe nhạc, nghiên cứu tài liệu. Ngoài ghế ngồi dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em, các toa tàu còn có không gian dành cho xe lăn của người khuyết tật với ký hiệu đặc biệt trên sàn.
Tất cả phương tiện công cộng đều phát thải ra CO2, nhưng mức độ phát thải tính trên mỗi đầu người thì lại khác: ví dụ, để di chuyển 15 km, một chiếc xe máy thải ra 3,1 kg CO2, con số đó với ôtô là 6 kg, trong khi xe buýt và đường sắt đô thị (metro) chỉ thải ra 0,5kg. Điều này đặc biệt quan trọng bởi theo thống kê thì 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí ở thủ đô là do hoạt động giao thông.
Giảm thiểu phát thải nhà kính, nâng cao sức khỏe cộng đồng và mang lại sự an toàn cho hành khách sẽ là những điểm sáng mà metro đem lại cho người dân khi được đưa vào vận hành. Việc xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt đô thị không những đáp ứng nhu cầu di chuyển lớn ở Hà Nội, mà còn là một bước quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thủ đô.