Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dấu ấn trong hồ sơ tân CEO VNPT

Những cuộc “tranh hùng” nảy lửa giữa VNPT và Viettel vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Đó là vào những năm 2004 -2006, thời kỳ khởi đầu cho cuộc lật đổ ngoạn mục của Viettel trước VNPT.

Có lần, Viettel tố VNPT gây khó khăn khi Viettel muốn đầu tư tổng đài, ông Hùng đáp rằng: “Hiện giờ họ cũng đã có tổng đài rồi thì còn đòi đầu tư sang tổng đài của VNPT làm gì. Vấn đề không phải là mang tiền đi dọa mà là quy trình đầu tư. Đầu tư như vậy thì VNPT không thiếu tiền. Tài sản của ai là của người đó chứ, chẳng lẽ anh có đất anh lại để người khác chở gạch ngói đến xây nhà trên mảnh đất của anh?”.

Trụ sở chính của VNPT tại Hà Nội.

Gần 10 năm sau, khi Viettel đã vượt lên phía trước, Trần Mạnh Hùng đã trở lại và người ta kỳ vọng ông sẽ lèo lái đưa VNPT trở lại xứng tầm với kỳ phùng địch thủ Viettel. Một cuộc tranh hùng quyết liệt giữa 2 ông Mạnh Hùng đang được chờ đợi.

Ông Hùng được đánh giá là một trong những lãnh đạo có tài trong tập đoàn VNPT. Việc chọn ông, theo như Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, là sự kiện quan trọng mở đầu cho hoạt động tái cơ cấu VNPT.

Người nhiệt huyết

Ông Hùng sinh năm 1959 và bắt đầu làm việc tại VNPT từ năm 1981. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VNPT từ ngày 6/8/2013, ông từng làm việc tại công ty Viễn thông Quốc tế và được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc VNPT năm 1999. Đến năm 2007, VNPT thay đổi mô hình tổ chức thì ông Hùng giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên của VNPT và Giám đốc công ty Viễn thông Hà Nội.

Ông Vũ Tuấn Hùng làm Tổng giám đốc VNPT từ năm 2006, đây cũng là thời kỳ mà như nhận xét của Nguyễn Bắc Son là trong khi nhiều doanh nghiệp vươn lên thì VNPT tuy có phát triển, nhưng chưa được như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của xã hội. Cụ thể, hoạt động kinh doanh của VNPT có hiệu quả không cao, doanh thu giảm hàng năm, nhất là gần đây, tỉ suất lợi nhuận giảm so với chỉ tiêu đặt ra. Mặc dù là CEO một tập đoàn lớn, nhưng trong hơn 7 năm điều hành VNPT, ông Vũ Tuấn Hùng không để lại một dấu ấn nào.

Nhận xét về ông Trần Mạnh Hùng, anh Nguyễn Quang Hưng, chuyên viên của VNPT Hà Nội, cho rằng ông là một người có tài lãnh đạo và điều hành. “Rất bất ngờ là dù bận trăm công ngàn việc nhưng chú luôn tự tay xử lý công việc dù lớn dù nhỏ trên hệ thống e-office. Hễ có ý kiến của chú trên hệ thống online là công việc tiến triển nhanh chóng, khác với tình trạng công văn cả tháng gửi các phòng ban không làm được”, anh Hưng nói.

Thực tế cho thấy, trong thời kỳ ông Hùng làm Giám đốc công ty Viễn thông Hà Nội, hàng năm, đơn vị này luôn tăng trưởng, dù thị trường cạnh tranh rất gay gắt.

Theo báo cáo về kết quả kinh doanh của VNPT Hà Nội được đăng tải trên website của cơ quan này, tổng doanh thu phát sinh năm 2012 đạt 6.050 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch đề ra. Năng suất lao động, đạt 943 triệu đồng/người/năm, bằng 108% so với năm 2011. Năm nay, VNPT Hà Nội đã nộp ngân sách địa phương 315 tỷ đồng, bằng 228,7% so với năm 2011.

Một trong những quyết định quan trọng vào tạo được ấn tượng của ông Hùng ở VNPT Hà Nội là đầu tư mạnh vào dịch vụ băng rộng cáp quang Fiber VNN dù lúc đó ADSL đang rất thịnh hành. VNPT Hà Nội mới đưa dịch vụ Fiber VNN vào khai thác năm 2009. Doanh thu năm 2009 của dịch vụ này là 5 tỷ đồng, năm 2010 là 22 tỷ đồng, năm 2011 lên 70 tỷ đồng, và năm 2012 đạt 122 tỷ đồng.

Bên cạnh khả năng điều hành kinh doanh, ông Hùng cũng được biết đến là người có tính cách thẳng thắn.

Có làm nổi anh hùng?

Ở thời điểm hiện tại, VNPT vẫn đang chờ thống nhất đề án tái cơ cấu tập đoàn. Do đó việc ông Trần Mạnh Hùng lên đảm đương ghế nóng đòi hỏi nhà lãnh đạo doanh nghiệp này phải đưa ra nhiều quyết sách hợp lý để đưa VNPT bứt phá trong thời gian tới, nhất là khi VNPT đang đi chậm hơn khá nhiều so với kẻ sinh sau là Viettel.

Trong vòng 7 năm qua thị phần Viễn thông của VNPT mất dần vào Viettel, từ khoảng hơn 96% giảm đến 50%. Đến thời điểm này thị trường đã bão hòa (tổng doanh thu Viễn thông Việt Nam chiếm khoảng 10% GDP, cao hơn hầu hết các nước trên thế giới). Kinh tế đang ở đáy, khách hàng thắt chặt chi tiêu, do vậy việc tăng trưởng viễn thông sẽ giảm. Bối cảnh như vậy việc VNPT tăng trưởng mạnh hầu như không thể, trừ phi lấy lại thị phần từ Viettel.

Với hàng loạt vấn đề như kết quả kinh doanh của VNPT ngày càng sa sút, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, nhiệm vụ đưa VNPT trở lại thời hoàng kim và cạnh tranh với một tập thể mạnh như Viettel được xem là nhiệm vụ không hề dễ dàng với ông Hùng. Tuy nhiên, Viettel có lẽ không phải là mối quan tâm lớn nhất của ông Hùng trong lúc này. Vấn đề của ông chính là nội tại VNPT.

Trong một lần trả lời báo giới về VNPT, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên ủy viên Hội đồng Quản trị VNPT cho rằng, mô hình hoạt động gồm cả bưu chính và viễn thông của VNPT trước đây rất cần thiết và phù hợp. Nhưng trong tình hình mới thì bất cập, tức là nó quá rộng và khối hạch toán tập trung của VNPT quá lớn.

“Ngay từ giai đoạn 2000-2001, tôi đã nói tình hình VNPT giống như một xe container 18 bánh đang chạy trong phố cổ, rất khó xoay chuyển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Bây giờ, phải tách ra giảm bớt khối tập trung đi và tăng tính tự chủ của các công ty con”, ông Lịch nói.

Trong khi đó nhận xét về khâu quản trị doanh nghiệp của VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhìn nhận rằng hình thức quản trị còn nhiều vấn đề, như duy trì quá lâu cơ chế hạch toán phụ thuộc, dẫn đến triệt tiêu tính năng động sáng tạo của các đơn vị thành viên, của mỗi cán bộ công nhân viên.Suy cho cùng sự thành công hay thất bại là ở Con người; cơ chế rất quan trọng nhưng không có cơ chế nào là tối ưu. Vị Tổng Giám đốc mới sẽ cần phải có bộ máy, con người mới hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề con người luôn không dễ dàng. Với lực lượng lao động lớn nhưng năng suất lao động thấp, nhân lực lao động ngày càng già cỗi, sức ì lớn... thì việc cải tổ nó là một vấn đề không hề dễ dàng.

Vẫn còn quá sớm để có thể nhận định là ông Trần Mạnh Hùng có làm được anh hùng trong vai trò CEO của VNPT hay không, nhưng với những gì ông đã làm, người VNPT đang hy vọng ông sẽ đưa con thuyền này trở lại với vị trí xứng tầm.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Bạn có thể quan tâm