Những ngày trên giường bệnh của tỷ phú Rupert Murdoch có thể định hình lại chính trị thế giới. Để hiểu điều này, cần nhìn vào khởi nguồn của đế chế Murdoch. Ông trùm biến báo chí thành công cụ kiếm phiếu cho các ứng viên thủ tướng, tổng thống, để rồi sau này họ phải phục tùng ông.
Các đế chế truyền thông thường được gây dựng một cách từ từ qua hàng thế hệ - đó là lý do chúng thường nằm trong tay của một gia đình. Nhà Graham sở hữu tờ Washington Post trong 80 năm trước khi bán lại cho tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon. Giám đốc điều hành hiện tại của tập đoàn truyền thông Hearst là William R. Hearst III, người gọi nhà sáng lập George Hearst bằng cụ.
Tờ New York Times vẫn thuộc sở hữu của gia đình Ochs-Sulzberger sau hơn một thế kỷ. Và nếu so sánh với những ví dụ này, đế chế của ông trùm Murdoch còn rất trẻ, nhưng xét về quyền lực và tầm ảnh hưởng, khó có gia đình nào trên thế giới đạt tầm cỡ như nhà Murdoch.
Khi làn sóng dân túy cánh hữu trỗi dậy cách đây vài năm, người ta tưởng đâu nó sẽ chỉ như một trào lưu văn hóa đại chúng thoáng qua. Nhưng chủ nghĩa dân túy ngày nay đã trở thành phong trào chính trị của thời đại, phá vỡ trật tự thế giới trong nửa thế kỷ.
Đế chế của tỷ phú Murdoch không tạo ra làn sóng này, nhưng điều họ làm tốt hơn bất cứ công ty truyền thông nào khác, là lướt trên con sóng này để thu lợi từ nó.
Người New York biểu tình bên ngoài trụ sở của News Corporation đầu năm 2019. So sánh với các đại gia đình truyền thông ở Mỹ, đế chế của ông trùm Murdoch vẫn còn rất trẻ, nhưng nhanh chóng đạt ảnh hưởng toàn cầu. Ảnh: Getty Images. |
Trong khối các quốc gia sử dụng tiếng Anh, những kênh truyền hình và báo chí thuộc sở hữu của tỷ phú Murdoch đã kích động các mâu thuẫn xã hội, khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và chính trị hóa tin tức. Các kết quả thu được hết sức ấn tượng. Có thể đó không phải là sứ mệnh của nhà Murdoch, nhưng việc gây bất ổn cho các nền dân chủ trên toàn thế giới trở thành một trong những di sản nguy hiểm nhất của đế chế truyền thông này.
Trong 6 tháng, New York Times đã phỏng vấn hơn 150 người trên khắp thế giới về gia đình Murdoch và đế chế truyền thông của họ, nhiều người trong số này rất thân thiết với gia đình, nhiều người đã giúp họ đạt mục tiêu, nhiều người đã cố gắng chống lại họ dù thành công hay không.
Hầu hết đều yêu cầu che giấu danh tính khi tiết lộ các thông tin chi tiết về gia đình nhà Murdoch và phương thức kinh doanh, vì lo ngại hậu quả.
Giới truyền thông cũng luôn thích nói về giới truyền thông. Những thông tin về Fox News được đăng tải nhiều ngang với những thông tin về Nhà Trắng (thường là cùng trong một câu chuyện). Những thành viên nhà Murdoch cũng trở thành cục nam châm thu hút sự chú ý. Một vở kịch về hành trình đi lên đỉnh quyền lực của tỷ phú Murdoch, mang tên Ink, cũng chuẩn bị được trình diễn tại sân khấu Broadway. Bộ phim truyền hình dài tập của HBO, Succession, cũng được cho là có kịch bản dựa trên câu chuyện gia đình nhà Murdoch.
Nhưng liệu hai câu chuyện về Nhà Trắng và về Fox News, một chuyện về làn sóng cánh hữu đang lan rộng toàn cầu, và chuyện kia về gia đình truyền thông quyền lực nhất thế giới, có phải cùng là một hay không?
Hàng nghìn người biểu tình ở quảng trường Thời đại, thành phố New York, cuối năm 2018. Bất ổn ở các nền dân chủ lớn trên toàn thế giới là một trong những di sản nguy hiểm nhất của đế chế truyền thông của ông trùm Murdoch. Ảnh: Reuters. |
Nếu coi Fox News là công cụ truyền thông của ông Trump và Nhà Trắng, thì bạn đã bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh, vì cũng giống như văn phòng thủ tướng tại Anh và Australia, Nhà Trắng chỉ là một trong nhiều công cụ để gia đình nhà Murdoch tạo dựng tầm ảnh hưởng lên các sự kiện toàn cầu.
Vậy thì Murdoch muốn gì? Các mối quan hệ gia đình luôn phức tạp, và các đế chế truyền thông thì luôn được định hình bởi nhiều yếu tố - yêu cầu của việc kinh doanh thường ngày, tham vọng lưu giữ của cải cho thế hệ sau, hoặc có thể là ý thức về trách nhiệm xã hội. Nhưng quá trình phát triển của tập đoàn truyền thông nhà Murdoch thì giống hơn với ý nghĩa ban đầu của khái niệm “đế chế”: chinh phục và gia tăng lãnh thổ.
Rupert Murdoch bắt đầu với một tờ báo địa phương nhỏ bé ở Australia, được thừa kế từ cha của ông. Sau khi học triết học, chính trị và kinh tế tại Oxford, chàng trai Rupert, khi đó mới 21 tuổi, trở về Australia và nhanh chóng mở rộng công việc kinh doanh.
Ông sử dụng chiến lược kinh doanh thừa hưởng từ cha: giúp các chính trị gia mà ông ưa thích đắc cử, sau đó tiếp tục sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với các chính trị gia này để mở rộng công việc kinh doanh.
Đế chế tin tức của ông trùm dần lớn mạnh sau hàng thập kỷ quan hệ với các chính trị gia. Murdoch từng nói: “Tôi chưa bao giờ phải hỏi xin một thủ tướng bất cứ điều gì”. Ông không phải hỏi khi báo chí trong tay ông có thể truyền tải thông điệp về những điều họ muốn. Các chính trị gia biết Murdoch muốn gì, và họ cũng biết tỷ phú có thể mang lại điều gì: những người ủng hộ, những lá phiếu cử tri - đó là quyền lực.
Cách tiếp cận của Murdoch trong việc tạo dựng đế chế truyền thông đạt đến đỉnh cao trong thời đại của Trump.
Từ lâu vị tỷ phú gốc Australia đã mong muốn có quan hệ gần gũi với một tổng thống Mỹ. Nhìn từ bên ngoài, có rất ít điểm chung giữa Murdoch và Trump: một người là công dân toàn cầu, có nhà ở khắp thế giới, đọc rất nhiều sách và ít nhất là có nhận thức rõ nét về bản thân; trong khi đó người còn lại là một người Mỹ tự hào, đôi khi thô lỗ, chỉ đi nghỉ tại câu lạc bộ của mình, ăn đồ ăn nhanh và xem tivi rất nhiều.
Nhưng cả hai đều là con trai của những người xây dựng đế chế đầy tham vọng. Hai tập đoàn của họ đều có chung giá trị cốt lõi - tạo ra tăng trưởng thông qua chinh phục lãnh thổ - và cùng cách tiếp cận tới mục tiêu đó: tận dụng các quan hệ chính trị để giành quyền lực và ảnh hưởng.
Trong trường hợp của Trump, những quan hệ này giúp ông né các quy định về quy hoạch xây dựng, giảm thuế và xin giấy phép trên toàn cầu. Đối với Murdoch, các chính trị gia cho phép đế chế của ông tránh các quy định chống độc quyền và sở hữu nước ngoài đối với truyền thông.
Murdoch đã cẩn thận xây dựng hình ảnh của mình trong suốt 6 thập kỷ qua trên truyền thông: một người thực dụng, sẵn sàng hỗ trợ các chính phủ tự do khi nó phù hợp với quan điểm của ông. Mặc dù vậy, các kênh truyền thông của ông liên tục đẩy dòng chảy lịch sử về phía cánh hữu (bảo thủ) tại khắp các cộng đồng nói tiếng Anh.
Fox News từng bênh vực cho việc Mỹ và đồng minh xâm lược Iraq năm 2003, hoài nghi về biến đổi khí hậu, và cho rằng sự gia tăng người nhập cư là mối đe dọa cho cộng đồng người da trắng.
Dù đế chế truyền thông của Rupert Murdoch đã phát triển tới một quy mô khổng lồ, xuyên khắp các châu lục và đại dương, nhưng tỷ phú vẫn luôn coi nó là một doanh nghiệp gia đình. Nền tảng của đế chế này là quan niệm bảo thủ, cho rằng chính phủ là kẻ thù của truyền thông độc lập. Nhưng mô hình kinh doanh lại cần chính phủ can thiệp làm lợi cho mình và làm suy yếu các đối thủ.
Với nhà Murdoch, không có ranh giới giữa chính trị, tiền bạc và quyền lực, tất cả đều hòa quyện cùng nhau để bành trướng tối đa công ty.
Với đế chế lớn như của ông Murdoch, thật khó để khiến văn hóa và ý thức hoàn toàn đồng nhất. Tỷ phú Murdoch cũng là một doanh nhân, và cũng phải làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh một hãng tin, tài sản của ông còn có những công ty giải trí, những kênh truyền hình thể thao, và những tờ báo ôn hòa như Wall Street Journal hay The Times of London của Anh. Bản thân tỷ phú cũng là hiện thân của những mâu thuẫn tương tự, khi là một người nhập cư (từ Australia sang Mỹ) nhưng kích động chủ nghĩa dân tộc, là một tỷ phú nhưng đề cao các giá trị dân túy (vốn cuốn hút những người nghèo).
Phần lớn đế chế truyền thông sau cùng cũng tan rã, vì việc ra quyết định trong ngành này thường phải được giao nhiều xuống cấp dưới, những người sẽ có thái độ khác nhau về tôn chỉ của tổ chức, và quan điểm về thế giới của họ cũng khác nhau.
Tỷ phú Murdoch hiểu rất rõ điều này, vì chính ông, trong thương vụ thâu tóm Wall Street Journal vào năm 2007, đã khai thác những chia rẽ trong gia đình nhà Bancroft sở hữu tờ báo. Ông bảo vệ mình khỏi rủi ro tương tự bằng cách nắm cổ phần kiểm soát đối với đế chế của mình, để không ai có thể lấy nó đi khỏi tay mình.
Nhưng điều khó khăn hơn là làm sao để nó không tan rã.
Ông Rupert Murdoch ở New York năm 1977. Ông nắm cổ phần kiểm soát đối với đế chế của mình, để không ai có thể lấy nó đi khỏi tay ông. Ảnh: Getty Images. |
Để hiểu đế chế của Murdoch vận hành như thế nào, cần phải bắt đầu từ khởi nguồn của nó. Rupert Murdoch sinh năm 1931, vào lúc mà cha của ông, Keith Murdoch, đang sử dụng tòa soạn của mình để giúp một thủ tướng đắc cử ở Australia.
Khi còn là nhà báo trẻ, Keith trở nên nổi tiếng sau khi né tránh sự kiểm duyệt gắt gao của quân đội để đưa tin về số lượng thương vong nghiêm trọng của binh lính Australia trong chiến dịch Gallipoli do Anh dẫn dắt hồi Thế chiến I.
Keith dùng sự nổi tiếng đó để trở thành sếp to tại tờ Herald and Weekly Times ở Melbourne, nơi ông dùng quyền lực để trừng phạt kẻ thù và giúp đỡ những người thân cận. Ứng viên thủ tướng mà Keith Murdoch ủng hộ là Joseph Lyons, từng giúp Keith lách các quy định để lập một đài phát thanh ở Adelaide. Lyons giành chiến thắng và Keith coi điều này như là cơ hội để nắm thủ tướng Australia trong lòng bàn tay.
“Tôi đã cho hắn lên”, Keith nói khi hai người có mâu thuẫn sau này. “Và tôi sẽ hạ bệ hắn”
Trong khi Keith Murdoch đang tạo ra một chuỗi các tờ báo có phạm vi toàn quốc đầu tiên ở Australia, một tờ báo trong vùng đăng bài xã luận về tham vọng của người đàn ông này, cho rằng Keith đang “tạo ra nền độc tài báo chí trên toàn Australia, với thủ tướng do Murdoch dựng lên, và phóng viên do Murdoch đào tạo”, theo Tom Roberts, tác giả cuốn tiểu sử năm 2015 về cha của Rupert Murdoch.
Tuy nhiên, ông chưa đạt được đế chế truyền thông thực thụ. Keith Murdoch sở hữu hai tờ báo địa phương, và gia đình đã phải bán đi một tờ để trả tiền thuế sau khi ông đột ngột mất vào năm 1952. Tờ báo còn lại, News of Adelaide, với lượng phát hành 75.000 bản, trở thành tài sản thừa kế của con trai Rupert Murdoch, sắp học xong Oxford.
Tuy nhiên, chàng trai 21 tuổi đã thừa hưởng một thứ giá trị hơn nhiều: bài học thực tế về cách sử dụng truyền thông để nhận được hậu thuẫn từ các chính khách.
Nhiệm vụ đầu tiên của Rupert Murdoch là tạo dựng một đế chế ở Australia. Sau khi mua lại một số tờ báo địa phương khác, Rupert thành lập tờ báo toàn quốc dành cho độc giả phổ thông đầu tiên ở Australia, tờ The Australian. Đây là công cụ để Rupert Murdoch dựng lên các chính phủ sẵn sàng nới lỏng các quy định giới hạn quy mô của công ty truyền thông. Dần dần, Rupert Murdoch kiểm soát tới 2/3 thị trường báo chí quốc gia.
Khi vẫn đang gây dựng đế chế ở Australia, Rupert Murdoch chuyển tới Anh, thực hiện vụ mua lại hai tờ báo News of the World và The Sun, sử dụng chúng để giúp Margaret Thatcher đắc cử thủ tướng.
Sau khi bà Thatcher bước vào Nhà số 10 phố Downing, chính phủ của bà từ chối bình luận về việc tỷ phú Murdoch thâu tóm tờ The Times of London, dù các nhà quản lý cho rằng thương vụ này đã phá vỡ luật chống độc quyền.
Sau báo chí là tivi, mặc dù Anh khi đó chỉ cấp phép cho một đài truyền hình vệ tinh và đội ngũ của ông Murdoch đã không giành được giấy phép này, tỷ phú lách luật bằng cách thành lập Sky TV, phát sóng từ Luxembourg vào lãnh thổ Anh. Một lần nữa, chính phủ của bà Thatcher bật đèn xanh cho hành động này.
Ảnh hưởng của tỷ phú người Australia đã trở thành một thực tế khó chịu trong đời sống chính trị ở Anh. Những tờ báo của ông trùm cũng tùy lúc mà ủng hộ các đảng khác nhau. Sau khi đảng Bảo thủ đề xuất kế hoạch siết chặt quản lý chống độc quyền trong lĩnh vực truyền thông, The Sun và News of the World chuyển sang ủng hộ Công đảng, và góp phần không nhỏ vào sự phổ biến của phong trào “Công đảng Mới’ ở Anh trong những năm 1990.
Sau khi đã có tầm ảnh hưởng ở Anh, đế chế của Murdoch đặt chân vào nước Mỹ với một công thức tương tự. Vào năm 1980, ông trùm gặp mặt Roy Cohn, người giúp Murdoch liên hệ với những cố vấn của Thống đốc Ronald Reagan, trong số này có Roger Stone, cố vấn của ông Trump sau này.
Chính Stone từng trả lời phỏng vấn và kể lại ông đã giúp Murdoch sử dụng tờ New York Post mới mua như một công cụ chính trị để giúp Ronald Reagan đắc cử tổng thống năm 1980. Đổi lại, chính quyền Reagan mở đường cho Murdoch xâm nhập thị trường Mỹ. Tỷ phú này cũng nhanh chóng được nhập tịch Mỹ để có thể sở hữu các đài truyền hình.
Nhà Trắng sau đó đã bỏ lệnh cấm vừa sở hữu báo, vừa sở hữu đài truyền hình trong cùng một thị trường, giúp Murdoch nhanh chóng bành trướng đế chế của mình. Chính quyền Reagan cũng hủy Quy tắc Công bằng, từ nhiều thập kỷ luôn yêu cầu đài truyền hình phát sóng hai mặt của mọi tranh luận quan trọng về chính sách công.
Điều này dẫn tới một thế hệ các nhà bình luận chính trị cánh hữu, sẵn sàng tạo dựng nội dung để phục vụ khán giả bảo thủ. Để cạnh tranh với CNN của Ted Turner, Rupert Murdoch và Roger Ailes, cố vấn truyền thông của hai đời tổng thống Mỹ, thành lập Fox News vào năm 1996.
Sau khi hãng Time Warner (sở hữu CNN) từ chối phát sóng Fox News trên hệ thống truyền hình cáp của hãng ở New York, thị trưởng thành phố lúc đó là ông Rudy Giuliani đã công khai gây sức ép để hai bên đạt được thỏa thuận.
Với một kênh truyền hình 24 giờ, độc quyền nội dung bảo thủ, Fox News giúp Murdoch dần gây dựng tầm ảnh hưởng qua các sự kiện chính trị nổi bật của nước Mỹ cuối những năm 1990, đầu 2000, như vụ bê bối Clinton - Lewinsky, sự kiện 11/9, và hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Nếu như những tờ báo của ông Murdoch là một công cụ chính trị rõ nét, Fox News tạo ảnh hưởng một cách tinh tế, nhưng hiệu quả hơn nhiều. Hàng ngày, hàng giờ, kênh truyền hình này góp phần định hình thực tế và quan điểm cho hàng triệu người dân Mỹ, những người coi Fox News là nguồn tin tức hàng ngày của họ.
Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy việc Fox News xuất hiện trên nền tảng của một đài truyền hình địa phương khiến người xem có xu hướng bầu cho các chính sách thiên hữu, đây được gọi là “hiệu ứng Fox News’.
Một nghiên cứu khác vào năm 2014 của Pew Research cho thấy phần lớn cử tri bảo thủ coi Fox News là nguồn tin duy nhất của họ. Văn phòng của tỷ phú Murdoch tại Manhattan trở thành nơi thường xuyên lui tới của các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.
50 năm sau khi thừa kế tờ News of Adelaide, tỷ phú Murdoch đã đạt tới đỉnh cao của sự ảnh hưởng toàn cầu.
“Những người Cộng hòa từng nghĩ Fox làm việc cho họ”, David Frum, người viết diễn văn cho Tổng thống George W. Bush, nhận định. “Và giờ họ nhận ra chính mình mới làm việc cho Fox”.