Quốc gia gặp họa vì kinh tế ổn định
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hầu như mọi quốc gia đều gặp khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, khi khu vực đồng tiền chung châu Âu lao đao, nền kinh tế Thụy Sĩ vẫn duy trì mức nợ thấp, mức thất nghiệp thấp và đạt thặng dư trong hoạt động xuất khẩu.
Đồng franc của Thụy Sĩ. Ảnh: brecorder.com |
Tuy nhiên, Thụy Sĩ lại khốn đốn bởi chính thành công ấy. Các nhà giao dịch ngoại tệ chuyển sang đầu tư vào đồng franc của Thụy Sĩ khiến giá đồng tiền này tăng tới 30% so với đồng euro. Do vậy, giá hàng xuất khẩu Thụy Sĩ trở nên đắt đỏ hơn, làm tổn hại các công ty Thụy Sĩ và khiến lạm phát tăng. Lạm phát cũng làm tăng chi phí các khoản nợ cố định của người dân. Vì thế chính phủ Thụy Sĩ phải tự phá giá đồng tiền của họ. Họ chỉ có thể tránh việc phá giá đồng franc nếu họ điều hành kinh tế kém như những quốc gia xung quanh.
Những vụ giết pháp sư vì nghi lấy cắp dương vật
Koro là một hội chứng khiến người ta tin dương vật của họ đang nhỏ dần hoặc ai đó lấy "của quý". Tại một vài quốc gia châu Phi, hội chứng Koro lan truyền tới các thị trấn và làng mạc. Nhiều nhóm đàn ông tự nhận dương vật của họ đang co rút. Họ thường buộc dây hoặc kẹp kim loại vào bộ phận sinh dục để kéo chúng ra bên ngoài cơ thể trong khi chờ thầy pháp.
Mọi người đổ tội ăn cắp dương vật cho các pháp sư. Vào năm 2008 tại cộng hòa Congo, người ta đồn những người đeo nhẫn vàng và đi chung taxi có thể ếm phép để lấy cắp dương vật của người ngồi cùng xe. Các trạm phát thanh địa phương cũng phát tin đồn tương tự. Cảnh sát Congo buộc phải bắt 13 nghi phạm ăn cắp dương vật và 14 người tự xưng là nhạn nhân sau khi các nạn nhân đánh hội đồng nghi phạm.
Vào thập niên 90, người ta thực hiện 12 vụ đánh hội đồng tới chết những kẻ trộm dương vật tại Ghana. Tại Nigeria, 12 người chết vào năm 2001 vì lý do tương tự và 5 người chết tại Benin (một quốc gia Tây Phi) vào cùng năm.
Cảnh sát trưởng cộng hòa Congo giải thích: “Khi tôi bảo nạn nhân rằng họ vẫn còn dương vật thì họ nói dương vật của họ đã nhỏ lại hoặc họ đã mắc chứng bất lực. Thế nên tôi chỉ có thể nói: Anh không về nhà thử thì sao mà biết chứ?".
Khủng hoảng kimchi tại Hàn Quốc
Kimchi là món ăn quan trọng nhất tại Hàn Quốc. Nó quan trọng tới mức người ta coi món dưa chua này là biểu tượng văn hóa quốc gia. Họ ăn kèm kimchi trong mọi món ăn. Nhà hàng Hàn Quốc thường miễn phí kimchi, tương tự như việc nhà hàng Mỹ miễn phí tương cà. Vì vậy, một cuộc khủng hoảng xảy ra khi giá bắp cải Napa - nguyên liệu chính của kimchi - tăng gần 500% chỉ sau một tháng trong năm 2010. Giá kimchi vì thế cũng tăng vọt và kimchi trở nên khan hiếm. Các tờ báo đã dẫn tít “Bi kịch quốc gia” và “cuộc khủng hoảng chỉ xảy ra một lần trong cả thế kỷ”.
Ảnh minh họa: blogspot.com |
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng là mưa lớn và sản lượng bắp cải Napa năm trước khá thấp. Mọi người vội vã mua bắp cải. Cảnh sát đã bắt một nhóm người khi họ cố cướp 400 chiếc bắp cải. Mọi người bắt đầu gọi kimchi là “keum-chi” (keum nghĩa là vàng trong tiếng Hàn).
Chính phủ ngừng đánh thuế nhập khẩu đối với bắp cải và củ cải cay. Nhằm thể hiện tình đoàn kết, tổng thống Hàn Quốc tuyên bố ông sẽ chỉ ăn những loại cải chất lượng thấp từ châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, chính quyền địa phương bắt đầu trợ cấp bắp cải và nhiều người xếp hàng trong nửa giờ để lấy một túi.
Chổi quét sơn trở nên khan hiếm tại Australia
Tình trạng thiếu nhà rất phổ biến tại nhiều quốc gia như Anh hay Australia. Vào năm 1944, chính phủ Australia công bố kế hoạch xây dựng nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vài năm sau khi triển khai kế hoạch, họ vấp phải một vấn đề kì cục – thiếu chổi quét sơn. Tệ hơn nữa, đó là loại chổi lông lợn do Trung Quốc sản xuất.
Chổi quét sơn bằng lông lợn. Ảnh: blogspot.com |
Vào thời đó, nội chiến đang diễn ra tại Trung Quốc và việc nhập khẩu trở nên khó khăn. Lực lượng không quân hoàng gia Australia nhận nhiệm vụ chở 20 tấn chổi lông lợn từ tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Chính phủ đặt tên kế hoạch là “Chiến dịch Chổi lông lợn”. Họ tiến hành kế hoạch vào tháng 5 và hoàn thành nó 5 tháng sau đó.
Thiếu chuột thí nghiệm tại Mỹ
Vào ngày 10/5/1989, hỏa hoạn bốc lên từ Phòng nghiên cứu Jackson tại bang Maine ở phía đông bắc Mỹ, phá hủy cơ sở nuôi chuột và giết 400.000 con chuột thí nghiệm. Nhiều giống chuột trong số chúng là loại độc nhất, hoặc được dùng để nghiên cứu hàng nghìn bệnh khác nhau như AIDS và ung thư. Cơ sở nuôi chuột này cung cấp cho 6.500 phòng nghiên cứu khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới. Tổng giá trị các nghiên cứu lên tới một tỷ USD.
Ảnh minh họa: Corbis |
Các nhà quản lý phòng thí nghiệm gọi đây là “thảm họa quốc gia”. Người ta đã phải hoãn nhiều thí nghiệm vì việc thay đổi nguồn cung sẽ gây sai lệch kết quả. Chẳng hạn, bệnh viện Mayo phải hoãn kiểm tra thuốc chống viêm khớp.
Thiệt hại của phòng thí nghiệm Jackson vào khoảng 40 triệu USD. Phía công ty bảo hiểm trả 15 triệu. Dù nhận nhiều khoản đóng góp tự nguyện, bao gồm 750.000 USD từ Viện Y học Howard Hughes, phòng nghiên cứu vẫn yêu cầu Quốc hội cấp 25 triệu USD để tái xây dựng và bình ổn nhịp độ nghiên cứu y học tại Mỹ.