Hăm hở “kết hôn” với ngân hàng
Dù ngành ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn với ám ảnh nợ xấu, nhưng ngân hàng vẫn là miếng bánh nhiều đại gia Việt thèm muốn. Mới đây, Công ty cổ phần KIDO (KDC) ghi tên mình vào danh sách các đại gia Việt muốn “kết hôn” với ngân hàng.
Đầu tháng 7, ngân hàng Đông Á (DongA Bank) gây xôn xao khi công ty ngân hàng đã đàm phán với các đối tác, trong đó có KDC. KDC đã cam kết trở thành nhà đầu tư chiến lược mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng của DongA Bank.
Theo đó, KDC sẽ chi 1.000 tỷ đồng để mua 100 triệu cổ phiếu DongA Bank với giá bằng mệnh giá. Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong quý III/2015. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Nếu phát hành thành công, KDC sẽ là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, với tỷ lệ sở hữu sau phát hành đạt xấp xỉ 17%.
Thông tin này được phát ra trong bối cảnh DongA Bank có kết quả hoạt động kinh doanh bết bát. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank quyết định dừng cuộc chơi. Chính vì vậy, động thái nhảy vào DongA Bank của KDC được xem là hỗ trợ cần thiết và kịp thời cho ngân hàng này.
KDC không phải đại gia Việt hiếm hoi nhảy vào lĩnh vực ngân hàng. Trước đó, ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), ông chủ của thương hiệu Đồng Tâm nổi tiếng, đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank).
KDC thôi rót vốn, DongA Bank mừng hụt. |
Ông Thắng không sở hữu bất cứ cổ phiếu nào ở Kienlong Bank nhưng con trai ông, anh Võ Quốc Lợi, lại cổ đông cá nhân lớn nhất tại ngân hàng, với số cổ phần nắm giữ lên tới 4,68% vốn điều lệ (hơn 14 triệu cổ phiếu).
Xa hơn một chút, đại gia Đặng Thành Tâm và gia đình rót hàng trăm tỷ đông vào hai ngân hàng Navibank, WesternBank. Cộng với mối quan hệ sở hữu chéo qua các công ty của mình, ông Tâm sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu của Navibank và WesternBank.
Những cuộc “hôn nhân” chết yểu
Ngân hàng là miếng bánh ngon nhưng khó nuốt. Chính vì vậy, cuộc hôn nhân giữa ngân hàng và các đại gia Việt thường diễn ra không mấy suôn sẻ. Gần đây nhất, KDC chưa kịp “kết hôn” với DongABank thì mối lương duyên này tạm thời bị gián đoạn.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn nguồn tin cho biết, KDC và DongA Bank đã ngưng đàm phán việc KDC mua vào cổ phần của ngân hàng này.
Lý do được phía mua đưa ra là tình hình tài chính của DongA Bank có quá nhiều vấn đề cần cải thiện, và KDC cho rằng thời điểm này chưa phải lúc đầu tư vào DongA Bank.
Công ty chứng khoán HSC bình luận: “KDC hiện có quỹ tiền mặt là 3.223 tỷ đồng sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư. Tỷ lệ đòn bẩy của công ty hiện vẫn còn thấp, do đó, công ty cũng có thể vay nợ thêm để phục vụ cho các nhu cầu đầu tư trong tương lai. Nếu Kinh Đô thực sự đầu tư vào DongABank, công ty sẽ phải sử dụng số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng, là một con số tương đối lớn”.
Lãnh đạo KDC chưa chính thức lý giải về động thái bất ngờ rút lui này. Nhưng có lẽ, bài học nhãn tiền của đại gia Đặng Thành Tâm cũng khiến KDC xem xét kỹ lưỡng hơn về quyết định đầu tư của mình.
Ông Đặng Thành Tâm có lẽ là đại gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi rót vốn vào ngân hàng. Sau vài năm được gắn mác đại gia ngân hàng, ông Tâm điêu đứng khi cả Navibank và WesternBank đều hoạt động èo uột. Gánh nặng ngân hàng còn ảnh hưởng mạnh đến hệ thống công ty, trước đây vốn rất mạnh của ông Tâm.
Kết quả là, ông Tâm và gia đình phải tháo thân khỏi ngân hàng với mức giá bán cổ phiếu bèo bọt. Ông túng quẫn đến mức nhiều lúc chỉ muốn tự tử cho xong. Sau này ông chia sẻ nếu không đầu tư vào ngân hàng có lẽ ông không cùng quẫn đến như vậy.
Không đến nỗi bi thảm như ông Tâm nhưng bầu Thắng chắc hẳn không vui khi Kienlong Bank có kết quả kinh doanh khá tồi tệ. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Kienlong Bank đạt 233,71 tỷ đồng, giảm tới 40,59% so với năm 2013.
Về phía mảng kinh doanh chính, mới đây, bầu Thắng cũng gây chú ý khi Cục Thuế tỉnh Long An đã công bố danh sách các đơn vị nợ thuế lớn trên địa bàn, trong đó, Đồng Tâm Group của bầu Thắng chiếm ngôi quán quân với tổng số nợ thuế lên tới hơn 126,3 tỷ đồng.