Mới đây, Công ty Cổ phần Văn hóa Chi đã phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với nhà văn Đông Tây. Nhà văn Đông Tây chia sẻ: Ông cảm thấy xúc động khi tiểu thuyết của mình được bạn đọc Việt Nam yêu thích. Là một nhà văn, ông rất trân trọng và cảm kích trước tình cảm này.
Trong buổi giao lưu này, nhà văn Đông Tây cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ về tiểu thuyết Mộng đổi đời, tác phẩm mới được dịch sang tiếng Việt của ông.
Tiểu thuyết Mộng đổi đời của nhà văn Đông Tây. Ảnh: Chibooks. |
Tiểu thuyết kể về số phận bi đát của cha con Uông Trường Xích và ông Uông Hòe. Uông Trường Xích thi đại học thừa nhiều điểm nhưng không được tuyển và bị dở dang sự nghiệp học hành. Khi biết chuyện, cha của anh rất bất bình về điều này. Ông mong giúp con thoát khỏi kiếp nông dân nghèo nên quyết đi đòi công lý. Kết quả, ông Uông Hòe bị tàn phế phải ngồi xe lăn suốt đời.
Lúc này Uông Trường Xích bất đắc dĩ phải rời bỏ làng quê lên thành phố lăn lộn kiếm sống. Cuộc sống thành thị tàn nhẫn đã rút hết hơi sức của anh, khiến anh mất vợ, mất con, mất bạn bè, mất cả niềm tin vào công lý và con người.
Nhà văn Đông Tây chia sẻ: "Ông rất hâm mộ Lỗ Tấn và cách nhà văn này góp nhặt từng chi tiết để xây dựng nên một nhân vật đặc sắc, điển hình trong AQ chính truyện. Muốn tạo được ấn tượng và để lại sức sống lâu bền trong lòng độc giả, thì nhân vật của tác phẩm phải mang tính tổng quát. Nhân vật Uông Trường Xích không được tạo nên từ một hình mẫu cụ thể. Anh ta là tổng hòa của nhiều câu chuyện mà tác giả bắt gặp trong đời sống".
Tiểu thuyết Mộng đổi đời của Đông Tây từng đoạt một số giải thưởng, được chuyển thể thành phim truyền hình 44 tập với nhan đề Yêu con trọn đời, phát sóng trên Đài truyền hình Hồ Bắc (Trung Quốc).
Nhà văn Đông Tây tên thật là Điền Đại Lâm, sinh năm 1966 tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ông là nhà văn - nhà biên kịch đương đại nổi tiếng Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Tây, Chủ tịch Hội nhà văn Quảng Tây, giảng dạy tại Đại học Dân tộc Quảng Tây.
Đông Tây từng đoạt giải văn học Lỗ Tấn lần thứ nhất cho tiểu thuyết Cuộc sống không có ngôn ngữ. Các tiểu thuyết của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Hàn, Nhật, Đức, Pháp, Séc, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp…
Nhà văn Đông Tây. Ảnh: TT&CS. |
Nhắc tới nhà văn Đông Tây, có thể kể tới một số tiểu thuyết tiêu biểu như: Mộng đổi đời, Cái tát trời giáng, Hối hận; ba tác phẩm này đều đã được xuất bản tại Việt Nam. Ngoài ra, tác giả còn có một số tiểu thuyết khác, được công chúng đón nhận như: Bố chúng tôi, Bạn không biết cô ấy đẹp, Cứu mạng, Tại sao tôi không có Tiểu Mật, Trận đấu đau đớn, Tuyển tập Đông Tây...
Các tiểu thuyết Cái tát trời giáng, Bố chúng tôi, Cuộc sống không có ngôn ngữ là những áng văn lớp lang, xúc động và giàu chất điện ảnh, chúng đều đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Chính nhà văn Đông Tây đảm nhận vai trò biên kịch cho ba bộ phim này.
Đông Tây luôn đi sâu, tìm tòi và quan sát đời sống một cách kỹ lưỡng. Từ đó, ông cho ra đời những áng văn chân thực và sống động, miêu tả muôn mặt của đời sống. Tiểu thuyết của ông là một bức tranh muôn màu muôn vẻ về hành trình đấu tranh của con người trong xã hội đầy biến động, đang chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa.
Nơi đó có những bất công mà người dân thường vẫn luôn tranh đấu để loại bỏ. Những người lớn lên trong nghèo khó luôn khát khao được vươn lên trong xã hội. Thấy được giá trị của giáo dục, bậc làm cha làm mẹ, chấp nhận hy sinh tất cả để con cái mình được học hành và có cuộc sống tốt hơn.
Những cuộc đời dữ dội đầy sóng gió của những nhân vật vốn rất bình thường trong xã hội được tái hiện rất sinh động. Lớp thanh niên trẻ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua những cám dỗ để khẳng định chính mình. Những câu chuyện trong tiểu thuyết của nhà văn Đông Tây có nhiều điểm tương đồng với xã hội Việt Nam, do đó tác phẩm của ông đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc sau khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt.