Iran thường đóng vai trò trung tâm tại cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới, biến trụ sở của tổ chức thành đấu trường để tranh luận về sự phức tạp và thù địch thường xuyên ở Vịnh Ba Tư.
Khi các lãnh đạo Tehran chuẩn bị phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần này, có những lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng lớn hơn, kéo theo Iran, Saudi Arabia và Mỹ, có thể nổ ra sau một mùa hè nhiều biến động.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel bày tỏ lo ngại đối với tham vọng hạt nhân của Iran trong phiên họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ngày 27/9/2012. Ảnh: AP. |
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và Washington tấn công Tehran bằng các biện pháp trừng phạt leo thang, Iran đã bắt đầu phá vỡ một số giới hạn được đặt ra của thỏa thuận.
Kể từ khi Cách mạng Hồi giáo 40 năm trước lật đổ Shah Mohammad Reza Pahlavi, bối cảnh ngoại giao đã làm dấy lên làn sóng bất bình của người Iran chống lại phương Tây. Ở chiều ngược lại, Mỹ và Israel cũng lên án Tehran.
Dưới đây là những cột mốc qua nhiều thập kỷ điểm giữa Mỹ - Iran tại sự kiện cao cấp này.
Shah Mohammad Reza Pahlavi
Không phải lúc nào các nhà lãnh đạo Iran cũng ở vào tình huống xâm nhập vào lãnh thổ của "kẻ thù" khi đến New York, Mỹ. Shah Mohammad Reza Pahlavi là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Shah Mohammad Reza Pahlavi (trái), đại diện cho Thị trưởng New York (giữa), và Hussein Ala, Đại sứ Iran tại Mỹ (phải), đi qua đường Broadway để đến buổi tiếp đón ông Pahlavi tại Tòa thị chính, New York, ngày 21/11/1949. Ảnh: AP. |
Năm 1949, bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt. "Thay mặt một trong những quốc gia nhỏ hơn, tôi đưa ra lời kêu gọi này: Đừng làm chúng tôi thất vọng. Hãy cho chúng tôi tương lai, cho chúng tôi sự bảo đảm hòa bình", ông nói.
Bốn năm sau, một cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn đã lật đổ thủ tướng được bầu của Iran và bảo đảm quyền lực quân chủ và chuyên chế tuyệt đối cho lãnh tụ Iran (Shah) cho đến khi ông sụp đổ năm 1979.
Cuộc đảo chính gây ra nhiều thập kỷ nghi ngờ của Mỹ là một bước ngoặt giữa hai quốc gia.
Ayatollah Ali Khamenei
Năm 1987, Ayatollah Ali Khamenei, khi đó là tổng thống Iran, đã phát biểu tại Đại hội đồng thay mặt lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini, vai trò mà Khamenei hiện nắm giữ. Bài phát biểu của ông khác biệt rõ rệt với ba thập kỷ trước.
"Tôi đến từ Iran, nơi sinh ra cuộc cách mạng nổi tiếng nhất - nhưng lại ít được biết đến nhất trong lịch sử đương đại, một cuộc cách mạng dựa trên tôn giáo của Chúa trời và phù hợp với con đường của các nhà tiên tri và những nhà cải cách vĩ đại, một con đường dài như toàn bộ lịch sử loài người", ông nói.
Iran đang ở giữa cuộc chiến 1980-1988 với Saddam Hussein, người khi đó được Mỹ hậu thuẫn. Cuộc chiến đã giết chết hơn 1 triệu người ở cả hai phía với việc Hussein sử dụng vũ khí hóa học trên nước láng giềng.
Khamenei nói với các nhà lãnh đạo: "Những siêu cường đạo đức giả gọi cuộc chiến này là vô nghĩa - một cuộc chiến đã được áp đặt lên chúng ta. Trong khi họ luôn cung cấp hỗ trợ quân sự, chính trị và kinh tế cho kẻ xâm lược bắt đầu cuộc chiến".
Mohammad Khatami
Với tính cách tương đối ôn hòa, Mohammad Khatami, tổng thống Iran từ 1997 đến 2005, đã nhiều lần phát biểu trước Đại Hội đồng, đề xuất đối thoại giữa các nền văn minh Hồi giáo mà Liên Hợp Quốc thông qua năm 2001.
Tổng thống Iran Mohammad Khatami phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng lần thứ 53 của Liên Hợp Quốc, ngày 21/9/1988. Ảnh: AP. |
Đó là câu trả lời cho "Cuộc xung đột giữa các nền văn minh", mô tả nhiều năm thù hận đen tối giữa Washington và Tehran, bao gồm cuộc bao vây con tin tại đại sứ quán Mỹ, vụ bắn hạ một máy bay dân sự Iran của quân đội Mỹ với tổn thất 290 sinh mạng và vụ Iran-Contra.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2002, vài tháng sau vụ tấn công ngày 11/9, Tổng thống George W. Bush đã đưa Iran trở thành một phần của "trục ác quỷ", phá tan mọi hy vọng gắn kết.
Mahmoud Ahmadinejad
Thời đại đó đã thúc đẩy Tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, người có những tuyên bố gây sốc tại Liên Hợp Quốc, làm lu mờ tất cả.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad phát biểu tại phiên họp thứ 62 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, ngày 25/9/2007. Ảnh: AP. |
Năm 2011, nhân kỷ niệm 10 năm vụ tấn công 11/9, ông khiến các đại biểu từ hơn 30 quốc gia bất ngờ khi hỏi liệu các cuộc tấn công có được dàn dựng hay không.
Ông cho rằng chỉ một vụ nổ, không phải máy bay mới có thể phá hủy tòa tháp đôi, với thủ phạm kích nổ cách địa điểm vài km. Ông nói thêm rằng cái chết của Osama Bin Laden là một sự che đậy.
Một nhóm biên tập viên của Associated Press được mời phỏng vấn Ahmadinejad tuần đó đã hỏi tại sao ông khăng khăng khẳng định điều này. Thay vì nói rằng Washington đã thực hiện vụ nổ, ông lập luận rằng giải thích của ông là hợp lý vì bản thân ông là một kỹ sư.
Hassan Rouhani
Nhà lãnh đạo hiện tại của Iran, Hassan Rouhani, đã phát biểu tại hội nghị trong 5 năm qua. Vào thời điểm phát biểu năm 2015, ông đang tận hưởng thành tựu của Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ, vào đầu năm đó.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani chuẩn bị phát biểu tại phiên họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, ngày 24/9/2013. Ảnh: AP. |
"Bây giờ tôi có thể tự hào tuyên bố rằng hôm nay, một chương mới đã bắt đầu trong mối quan hệ của Iran với thế giới", ông nói.
Năm 2017, khi ông phát biểu tại Đại hội đồng một lần nữa, Iran đã tranh cãi với một tổng thống Mỹ, người vận động tranh cử với tuyên bố đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử".
Ông Rouhani đã phản bác lại ông Trump, người đã sử dụng bài phát biểu đầu tiên của mình tại Liên Hợp Quốc để cáo buộc Iran xuất khẩu bạo lực và gây bất ổn khu vực.
Ông Rouhani chỉ trích những bình luận của ông Trump là "ngu dốt, ngớ ngẩn và đáng ghét với đầy cáo buộc vô căn cứ và vô lý".
Cả hai người sẽ bước lên sân khấu một lần nữa trong tuần này khi giới quan sát tự hỏi liệu những gì xảy ra tại Liên Hợp Quốc sẽ chuyển thành cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai quốc gia cách nhau nửa vòng Trái Đất hay không.