Người dân Tây Đô biết đến Trần Thị Bạch Huệ nhiều hơn sau khi Huệ lập ra doanh nghiệp tư nhân dịch vụ thương mại và du lịch Thúy Nga, chuyên doanh taxi. Cuối năm 2007, trong ngày khai trương dịch vụ này tại khách sạn Golf sang trọng, nổi tiếng bậc nhất Cần Thơ, Huệ dịu dàng cam kết sẽ dồn sức để chăm sóc… "thượng đế". Ngày đó, đất Tây Đô chưa có nhiều taxi như bây giờ, nên khi thấy Huệ "tung" mấy chục chiếc taxi ra đường, nhiều người bảo Huệ "taxi" sẽ thắng. Thế nhưng, cho tới khi những phi vụ lừa đảo đổ bể, Huệ bị bắt với số tiền "khủng" - gần 64,250 tỷ đồng và 600 chỉ vàng SJC), dân Tây Đô mới tá hỏa, nhận ra chuyện Huệ lập doanh nghiệp taxi chỉ là cái bình phong mở màn cho những toan tính phi pháp.
Huệ "taxi" nghe cơ quan Cảnh sát điều tra đọc quyết định khởi tố. |
Một trong những nạn nhân đầu tiên của Huệ "taxi" là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) và ngân hàng thương mại cổ phần Phương Tây - Sở Giao dịch Cần Thơ (WesternBank Cần Thơ). Đầu tháng 9/2009, vợ chồng Lý Hội (quận Cái Răng) có vay của Huệ 220 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng. Theo đề xuất của Huệ, vợ chồng Lý Hội đã đảm bảo bằng việc ký hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) có thời hạn, gần 1.500m2 đất cho Nguyễn Hoàng Kha - người do Huệ thuê đứng tên. Ngày 4/9/2009, vợ chồng Lý Hội cùng Kha đến phòng công chứng số 1 thành phố Cần Thơ để ký HĐCN, với giá thể hiện 300 triệu đồng. Giao kèo với vợ chồng Lý Hội rằng trong vòng 6 tháng, vợ chồng Lý Hội có quyền mua lại đất, nếu 2 tháng không đóng lãi thì Huệ có quyền sang tên…. Thế nhưng ngay trong ngày 4/9/2009, Huệ chỉ đạo Kha đến phòng giao dịch Phú An - VietABank đứng tên vay 800 triệu đồng, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là quyền sử dung nhận chuyển nhượng từ vợ chồng Lý Hội.
Tranh thủ mối quan hệ với Nguyễn Minh Bảo - Giám đốc phòng giao dịch Phú An VietABank, ngay sau khi được giải ngân, Huệ đã mượn lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và HĐCN, nói rằng để làm thủ tục sang tên. Thực chất, Huệ lại nhờ vợ chồng Lý Hội đến Văn phòng công chứng 24h tiếp tục ký HĐCN với Trần Cang Trực - cha ruột Huệ. Sau khi điều chỉnh qua tên ông Trực, Huệ để ông Trực đứng tên đem tài sản này thế chấp cho WesternBank Cần Thơ vay 550 triệu đồng. Sau khi thanh toán một phần, Huệ đã chiếm đoạt của WesternBank Cần Thơ gần 540 triệu đồng và VietABank 600 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, hầu hết tài sản mà Huệ đưa vào thế chấp ngân hàng đều do Huệ nhờ người đứng tên. Thế nhưng, vì được Trưởng phòng giao dịch Phú An và An Nghiệp VietABank là Nguyễn Minh Bảo và Nguyễn Phương Giang liên tục tạo điều kiện, nên những điều thuộc về thủ tục bắt buộc đều trở nên giản đơn đối với hồ sơ do Huệ nhờ cậy, gửi gắm. Các phòng giao dịch vừa kể dễ dàng chấp ,nhận dù tài sản thế chấp vẫn còn mang tên chủ sở hữu cũ, chưa công chứng hợp đồng thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo. Chưa hết, các phòng giao dịch trên không thẩm định thực tế tài sản trước khi giải ngân, định giá tùy tiện, không mua bảo hiểm, tài sản là bất động sản không có lối vào cũng chấp nhận, và đặc biệt là không tra cứu CIC (Trung tâm thông tin tín dụng). Chính sự thuận lợi này, cùng với chiêu thức nhận chuyển nhượng đất có thời hạn, nhờ người đứng tên, nên Huệ "taxi" thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo.
Theo viện kiểm sát nhân dân Cần Thơ, vụ án sắp được đưa ra xét xử. Tổng số tiền mà Huệ "taxi" lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại gần 64,260 tỷ đồng và 600 chỉ vàng, trong đó VietABank bị "dính" gần 46 tỷ đồng và 600 chỉ vàng. Cùng bị truy tố với Huệ, còn có Luyến - em gái Huệ. Bốn cán bộ ngân hàng, trong đó có Nguyễn Minh Bảo và Nguyễn Phương Giang bị truy tố tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.