Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cú đòn giáng vào Bitcoin

Đề xuất cấm giao dịch và khai thác tiền mã hóa của Nga khiến giá Bitcoin lao dốc không phanh. Giá chính thức mất mốc 40.000 USD/đồng.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap, sáng ngày 21/1, giá Bitcoin bất ngờ lao dốc xuống còn 38.500 USD/đồng rồi phục hồi nhẹ về mức 38.900 USD/đồng, giảm 7,25% so với 24 giờ trước đó.

Đáng chú ý, giá Bitcoin từng có thời điểm phục hồi lên trên ngưỡng 43.000 USD/đồng cách đây vài giờ trước khi quay đầu giảm mạnh. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 737 tỷ USD.

So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11/2021, giá Bitcoin đã sụt giảm hơn 42%. Đây cũng là mức thấp kỷ lục trong gần 4 tháng qua. Đà sụt giảm của Bitcoin tác động tiêu cực, khiến giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa lao dốc 7,65% xuống còn 1.820 tỷ USD.

Bitcoin sut gia anh 1

Giá Bitcoin bất ngờ giảm mạnh hôm 21/1. Ảnh: CoinMarketCap.

Lệnh cấm từ phía Nga

Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - cũng lao dốc mạnh 8,6% xuống còn 2.863 USD/đồng, mất mốc quan trọng 3.000 USD/đồng.

"Giá Bitcoin giảm sâu sau khi ngân hàng trung ương Nga đề xuất lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.

Cụ thể, hôm 20/1, Reuters đưa tin Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ Nga. Lý do được đưa ra là loại tiền này đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của đất nước.

Giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi về việc cấm tiền mã hóa. Một số quan chức chỉ trích rằng Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.

Giá Bitcoin giảm sâu sau khi ngân hàng trung ương Nga đề xuất lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa

Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)

Trong báo cáo được công bố hôm 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nhu cầu đầu cơ khiến tiền mã hóa tăng trưởng nhanh chóng và mang những đặc điểm của kim tự tháp tài chính. Cơ quan này cảnh báo bong bóng tiền mã hóa sẽ đe dọa sự ổn định tài chính và các nhà đầu tư.

Ngân hàng trung ương Nga cũng cho biết cần phát triển các cơ chế để ngăn chặn những giao dịch mua hoặc bán tiền mã hóa đổi lấy tiền pháp định.

"Đồng tiền pháp định của Nga liên tục giảm giá trong vài thập kỷ qua. Điều này khiến Bitcoin trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn đối với người Nga trong những năm gần đây", ông Moya tại Oanda bình luận với Zing.

"Nga nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về khai thác Bitcoin. Vì thế, đề xuất được đưa ra đối với tiền mã hóa đã đẩy giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng", vị chuyên gia nhận định.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, khối lượng giao dịch tiền mã hóa hàng năm tại Nga lên tới khoảng 5 tỷ USD. Cơ quan này cảnh báo việc khai thác tiền mã hóa sẽ dẫn tới những vấn đề về tiêu thụ năng lượng. "Do đó, giải pháp tốt nhất là đưa ra lệnh cấm khai thác tiền mã hóa tại Nga", Ngân hàng Trung ương Nga nhấn mạnh.

Vụ việc sàn Crypto.com bị hacker tấn công và lấy đi 33 triệu USD cũng được xem là chất xúc tác khiến giá Bitcoin đột ngột giảm mạnh.

Chịu sức ép lớn

Hồi tháng 4 năm ngoái, giá Bitcoin cũng lao dốc mạnh từ mức đỉnh sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm giao dịch và khai thác tiền mã hóa. Cùng với đó là thông tin hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì các vấn đề về môi trường.

Hồi tháng 11, giá Bitcoin cũng sụt giảm mạnh sau khi Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan lệnh cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này cắt dịch vụ Internet.

Theo Trung tâm Tài chính thay thế Cambridge, Kazakhstan chỉ đứng sau Mỹ về thị phần khai thác Bitcoin toàn cầu với 18,1% thị phần.

Nhiều thợ đào Bitcoin đã rời khỏi Trung Quốc để đến nước láng giềng Kazakhstan sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa.

"Tiền mã hóa có khả năng tiếp tục chịu sức ép khi Fed giảm lượng tiền bơm vào nền kinh tế", ông Jay Hatfield - Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Advisors - nhận định. "Giá Bitcoin có thể kết thúc năm 2022 dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng", vị chuyên gia cảnh báo.

"Các chính sách thắt chặt của Fed không chỉ ảnh hưởng đến lãi suất, mà còn tác động tới phần bù rủi ro", ông Hatfield giải thích.

Bitcoin sut gia anh 2

Biến động giá của Bitcoin trong vòng một năm qua. Ảnh: CoinMarketCap.

Phần bù rủi ro là chênh lệch giữa tỷ lệ lợi nhuận của khoản đầu tư dự kiến mang lại so với lãi suất phi rủi ro. Nói cách khác, đây là phần lợi nhuận cộng thêm mà nhà đầu tư sẽ nhận được từ việc nắm giữ danh mục đầu tư rủi ro trên thị trường, thay vì những tài sản phi rủi ro.

"Các khoản đầu tư rủi ro hơn như công nghệ, cổ phiếu meme và tiền mã hóa chịu ảnh hưởng nhiều hơn phần còn lại của thị trường. Bởi những khoản đầu tư đó biến động gần gấp đôi so với thị trường nói chung. Do đó, phần bù rủi ro của các khoản đầu tư này cũng gấp đôi cổ phiếu nói chung", ông nói thêm.

Theo dữ liệu của CoinShares, khoảng 207 triệu USD đã chảy ra khỏi các sản phẩm đầu tư kỹ thuật số. Công ty quản lý tài sản cho biết riêng Bitcoin chứng kiến tới 107 triệu USD rời khỏi thị trường.

Giáo sư tài chính Carol Alexander tại Đại học Sussex thậm chí cảnh báo giá Bitcoin sẽ rơi xuống ngưỡng 10.000 USD/đồng vào năm 2022, tức xóa sạch toàn bộ mức tăng trong gần 2 năm qua.

Vì sao giá Bitcoin chưa thể tăng trở lại?

Các nhà đầu tư Bitcoin một lần nữa dồn sự chú ý vào ngưỡng 40.000 USD/đồng. Bởi nếu rơi xuống dưới mức này, giá của đồng tiền có thể giảm mạnh hơn nữa.

Những vụ thao túng giá cổ phiếu đình đám trên thế giới

Giới quan sát nhận định những doanh nhân có sức ảnh hưởng có thể "bóp méo thị trường tự do". Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, không dễ để bịt hoàn toàn lỗ hổng này.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm