Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giá Bitcoin chưa thể tăng trở lại?

Các nhà đầu tư Bitcoin một lần nữa dồn sự chú ý vào ngưỡng 40.000 USD/đồng. Bởi nếu rơi xuống dưới mức này, giá của đồng tiền có thể giảm mạnh hơn nữa.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 19/1 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - hiện được giao dịch quanh mức 41.550 USD/đồng. Trong vòng 24 giờ qua, giá đã có thời điểm phục hồi lên hơn 42.000 USD/đồng, nhưng nhanh chóng rơi xuống sát ngưỡng 41.000 USD/đồng.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin chưa thể trở lại ngưỡng 800 tỷ USD. So với mức kỷ lục 68.700 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã giảm giá gần 40%.

“Giá Bitcoin giảm xuống cùng với các tài sản rủi ro khác khi lãi suất và chi phí năng lượng tiếp tục gia tăng trong tuần này”, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.

Bitcoin sut gia anh 1

Giá Bitcoin lao dốc trong vòng bảy ngày qua. Ảnh: CoinMarketCap.

Ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng

Bitcoin được nhiều người coi là một dạng "vàng kỹ thuật số", tức sẽ hưởng lợi trong môi trường kinh tế và tài chính bất ổn. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tiền mã hóa hiện hoạt động giống các tài sản rủi ro hơn. Do đó, khi lãi suất tăng cao, chi phí cơ hội của việc nắm giữ Bitcoin tăng lên, từ đó thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo.

“Giá Bitcoin tiếp tục lao dốc. Đồng tiền này dường như dễ bị tổn thương hơn khi không thể phục hồi mạnh mẽ khỏi mức thấp gần đây”, chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nhận định.

“Giá đã phục hồi phần nào hồi tuần trước, nhưng nhanh chóng gặp phải ngưỡng kháng cự 45.000 USD/đồng”, ông bình luận.

Theo vị chuyên gia, mọi nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng. Bởi nếu rơi xuống dưới mức này, giá Bitcoin có thể chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh hơn nữa.

Giá Bitcoin giảm xuống cùng với các tài sản rủi ro khác khi lãi suất và chi phí năng lượng tiếp tục gia tăng trong tuần này

Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London)

"Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những 'chất xúc tác' chính, giúp Bitcoin bùng nổ trong 2 năm qua, thì thế giới tiền mã hóa có thể bước vào một năm 2022 khó khăn hơn. Bởi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đang chuyển sang chế độ thắt chặt", ông Erlam lập luận.

"Rất khó để dự đoán giá của Bitcoin trong ngắn hạn, nhất là khi thị trường trở nên tiêu cực hơn", ông bình luận. Theo vị chuyên gia, Bitcoin đã không còn hoạt động như một tài sản "trú ẩn" an toàn.

"Tiền mã hóa có khả năng tiếp tục chịu sức ép khi FED giảm lượng tiền bơm vào nền kinh tế", ông Jay Hatfield - Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Advisors - nhận định.

"Giá Bitcoin có thể kết thúc năm 2022 dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng", vị chuyên gia cảnh báo.

Giáo sư tài chính Carol Alexander tại Đại học Sussex thậm chí cảnh báo giá Bitcoin sẽ rơi xuống ngưỡng 10.000 USD/đồng vào năm 2022, tức xóa sạch toàn bộ mức tăng trong gần 2 năm qua.

Siết chặt kiểm soát

Theo chuyên gia Moya tại Oanda, việc Kosovo cấm khai thác tiền mã hóa cũng là tin xấu đối với Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác. Lệnh cấm của chính phủ Kosovo nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này.

Sau thông báo của Kosovo, các thợ đào Bitcoin phải bán tháo thiết bị đào. “Họ bán thiết bị hoặc cố chuyển sang những quốc gia lân cận”, CryptoKapo - quản trị viên của một số cộng đồng tiền mã hóa lớn nhất khu vực - nói với The Guardian.

Trước đó, các thợ đào Bitcoin nhắm tới Kosovo bởi quốc gia này có giá điện rẻ nhất châu Âu, một phần do hơn 90% sản lượng điện trong nước đến từ việc đốt cháy trữ lượng than non và chính phủ trợ cấp.

Những năm gần đây, số thợ đào tiền mã hóa ở Kosovo đã tăng vọt. Các nhóm như Albanian Crypto Amateurs trên Facebook, Crypto Eagles ở Telegram bùng nổ với hàng nghìn thành viên mới.

Theo tính toán mới nhất của Đại học Cambridge, hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ 125,96 terawatt giờ điện mỗi năm, vượt qua Na Uy (122,2 TWh), Argentina (121 TWh), Hà Lan (108,8 TWh) và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (113,20 TWh).

Trong khi đó, Kosovo đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. Tình trạng mất điện xảy ra liên tục trên khắp đất nước trong những ngày cuối năm 2021. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, nước này đã phải nhập khẩu khoảng 40% năng lượng từ thị trường quốc tế.

Bitcoin sut gia anh 2

Việc Kosovo cấm khai thác tiền mã hóa cũng là tin xấu đối với Bitcoin. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 4, giá Bitcoin cũng lao dốc từ mức đỉnh sau khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin.

“Giá Ether cũng lao dốc khi các nhà đầu tư tiền mã hóa tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư”, chuyên gia Moya tại hãng Oanda giải thích. “Họ không chỉ đầu tư vào những loại tiền mã hóa hàng đầu, mà còn dành sự chú ý cho các đồng tiền mã hóa thay thế đang trong giai đoạn tăng trưởng”, ông nói thêm.

Theo ông, Cardano, Solana và Terra đều đang trong đà tăng trưởng. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - chứng kiến mức giảm 2,64% so với 24 giờ trước đó xuống 3.000 USD/đồng. Trong vòng bảy ngày qua, đồng tiền này đã sụt giá gần 6%.

Trong khi đó, Terra - đồng tiền mã hóa lớn thứ sáu thế giới - chứng kiến mức tăng 5,56% so với một ngày trước đó lên 79,49 USD/đồng.

Những vụ thao túng giá cổ phiếu đình đám trên thế giới

Giới quan sát nhận định những doanh nhân có sức ảnh hưởng có thể "bóp méo thị trường tự do". Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, không dễ để bịt hoàn toàn lỗ hổng này.

Trung Quốc hạ lãi suất để giải cứu nền kinh tế

Trung Quốc cắt giảm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chịu với hàng loạt cú sốc, từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đến các đợt bùng phát dịch.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm