Ông Haji Muhammad Abdus Salam nhìn qua con sông đầy rác gần nhà và nhớ lại khoảng thời gian trước khi các nhà máy may mặc chuyển đến khu vực Dhaka này của Bangladesh. "Khi tôi còn nhỏ, không có nhà máy may nào ở đây. Chúng tôi thường trồng trọt và thích đánh bắt các loại cá khác nhau. Bầu không khí rất tuyệt", ông nói với CNN. |
Dòng sông ở trước mặt ông giờ biến thành màu đen kịt như mực. Ông Abdus Salam cho biết chất thải từ các nhà máy may và nhà máy nhuộm gần đó đã làm ô nhiễm nguồn nước. "Bây giờ sông không có cá. Nước ô nhiễm đến mức con cháu chúng tôi không thể được trải nghiệm việc đánh bắt cá như thời tôi nữa", ông nói thêm. |
Bangladesh là trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, xuất khẩu hàng may mặc trị giá 34 tỷ USD vào năm 2019. Sản phẩm may mặc từ nước này được bày bán tại khắp nước Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, khi mua một món đồ mới, không mấy ai biết rằng màu sắc của quần áo được tạo thành từ các loại thuốc nhuộm, như phấn màu mềm cho tới màu huỳnh quang, và mức độ độc hại của chúng. |
Ngành công nghiệp thời trang là nguyên nhân gây ra tới 1/5 lượng nước bị ô nhiễm, chủ yếu do chính sách quản lý yếu kém ở các nước sản xuất như Bangladesh. Tại đây, nước thải thường được đổ trực tiếp ra sông và suối. Thành phần nước thải có chứa các hóa chất gây ung thư, thuốc nhuộm, muối và kim loại nặng không chỉ làm tổn hại đến môi trường mà còn gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. |
Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu Bangladesh cho biết họ đang "cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực từ các ngành xuất khẩu lớn nhất, bao gồm hàng may sẵn và hàng dệt, đến môi trường". |
Theo Quỹ Ellen MacArthur, ngành công nghiệp thời trang sử dụng khoảng 93 tỷ m3 nước hàng năm, đủ để lấp đầy 37 triệu bể bơi Olympic. Trong đó, nhuộm là quá trình gây ô nhiễm và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. |
Các loại hóa chất được sử dụng để khiến vải có chất liệu và màu sắc như mong muốn, chẳng hạn như để tẩy trắng, làm mềm hoặc làm cho quần áo có khả năng chống nước hoặc chống nhăn. Một lượng lớn nước và hóa chất cũng được sử dụng trong quá trình nhuộm để đảm bảo màu sắc trở nên tươi sáng, bám vào vải và không bị phai. |
Ma Jun, một trong những nhà môi trường học hàng đầu của Trung Quốc, nói với CNN: "Mỗi mùa chúng tôi biết rằng ngành công nghiệp thời trang cần lựa chọn những màu sắc mới. Tuy nhiên, mỗi khi có một màu mới, các loại hóa chất mới và các chất nhuộm cũng như chất tạo màu và chất xúc tác sẽ được sử dụng nhiều hơn". |
Sau khi hoàn thành quy trình sản xuất, cách rẻ nhất để các nhà máy loại bỏ nước thải chứa đầy hóa chất, không thể sử dụng được là xả thẳng xuống các con sông và hồ gần đó. Sarah Obser, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của công ty dịch vụ môi trường PFI Hong Kong, cho biết rất khó loại bỏ hóa chất nhuộm có trong nước thải. "Các chất này không bị phân hủy nên vẫn tồn tại trong môi trường", chuyên gia này nói. |
Ridwanul Haque, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Agroho có trụ sở tại Dhaka, cho biết ô nhiễm hóa chất độc hại là "vấn đề lớn ở một quốc gia như Bangladesh". Ông cho biết các con sông và kênh rạch chảy qua Dhaka đã chuyển sang màu "đen như mực" do bùn và nước thải từ các nhà máy dệt nhuộm tạo ra. Nước này "rất đặc... giống như hắc ín", và trong mùa đông với lượng mưa ít hơn, "có thể ngửi thấy mùi này", ông nói. |
Một cư dân Bangladesh giấu tên nói với CNN rằng ông không dám động vào nước ở gần khu mình sống nữa. "Nước này gây ra các vết loét trên cơ thể", ông nói và cho biết thêm rằng những người dùng nước này rửa tay hoặc mặt đã bị sốt và kích ứng da. "Người dân không có lựa chọn nào khác nên họ phải lấy đó làm nước uống. Họ vô vọng, họ không có tiền để lắp máy lọc hay khoan (để lấy) nước ngầm", ông Hague nói. |